Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 14:56 (GMT +7)
Về một người thợ mỏ đặc biệt…
Chủ nhật, 20/06/2021 | 11:42:07 [GMT +7] A A
Tôi có trong tay cuốn sách có tên Phạm Thế Duyệt, người thợ lò ngày ấy, truyện ký, NXB Lao động ấn hành quý I năm 2021 của nữ tác giả Hồng Liên. Và tôi rất ngạc nhiên về cuốn sách, về nhân vật, về tác giả…
Tôi biết đồng chí Phạm Thế Duyệt từng là cán bộ mỏ than Mạo Khê hơn nửa thế kỷ trước. Ông đã lăn lộn với các hoạt động ở vùng mỏ nhiều năm. Ông trưởng thành từ người thợ mỏ, trở thành Ủy viên Bộ chính trị, Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Trưởng Ban Dân vận trung ương, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam… Giống như tôi, những điều đó hẳn cũng nhiều người biết, nhưng còn cuốn sách vừa ra đời thì thêm một điều đặc biệt nữa về người thợ mỏ, cán bộ cấp cao này.
Tôi đọc một lèo với sự cuốn hút về nhân vật đặc biệt này, gần 300 trang sách với 12 chương rành rẽ về từng thời kỳ công tác của ông. Tôi càng bất ngờ hơn về ông, một con người bình dị, khiêm nhu đầy học thức, trí tuệ mà trách nhiệm. Sự thô nháp của người thợ mỏ lùi lại cho những câu chuyện dung dị của ông theo cách tác giả Hồng Liên ghi lại, tôi nhận ra những câu chuyện về người và đất vùng mỏ một thời rất sôi động. Và không ai ở Vùng mỏ những năm tháng ấy có thể quên các sự cố trong khai thác than của ngành than, đặc biệt là vụ tai nạn ở Mông Dương năm 1976, giờ vẫn để lại di chứng một bên chân thập thõm của ông. Khi ấy, ông đang là Giám đốc Xí nghiệp Xây lắp mỏ Mông Dương, đi kiểm tra sản xuất ở trong lò. Ông đi kiểm tra nhưng vẫn tham gia lắp vì chống bằng sắt thì không may lò bị sập, đá đổ, và đá đã đẩy ông ngã trượt trên lò thượng dốc 50 độ. “… may mà anh mắc kẹt tại barie chắn than cách gương đang đào ngược lên đỉnh núi chừng dăm bảy mét. Bị tai nạn lao động, anh được cấp cứu đưa về trạm xá xí nghiệp. Lúc anh hồi tỉnh, cảm nhận đầu tiên là toàn thân lạnh toát, không thể cử động nhưng thính giác của anh có phản xạ… trước khi ngất đi lần nữa, anh vẫn thì thào: tớ không chết đâu, anh em đừng lo…” Anh em ở Mông Dương ai cũng biết ông đã từng có 8 năm đi lò ở Mạo Khê không hề hấn gì mà khi về Mông Dương mới chưa đầy năm gặp nạn, vì thế khi nghe ông thì thầm “tớ không chết đâu”, mọi người đều reo lên “giám đốc còn sống, sống rồi”.
Ấy là ấn tượng thật đặc biệt về ông, người chỉ huy luôn biết làm an lòng đồng đội là thế. Và công việc cuốn ông đi với lò bễ, với phong trào công nhân ở vùng mỏ, rồi ông được điều động khi lên, khi xuống ở ngay trong ngành Than khi ấy trực thuộc Bộ Điện và Than. Nhiều chuyện vui, buồn cũng cuốn theo như thời gian cứ trôi không đợi ai đi chậm hay đi nhanh…
Theo chân ông Phạm Thế Duyệt ở các cương vị công tác khác thì càng trân quý hơn một vị lãnh đạo cấp cao luôn biết gần dân, luôn biết mình cần có mặt lúc nào, nhất là khi ông ở Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đến khi là Bí thư Thành uỷ Hà Nội. Có vụ trọng án giữa đêm ông có mặt ngay, và dân Hà Nội đã từng nói rằng, hễ ở đâu có sự cố xảy ra thì vụ việc luôn được giải quyết nhanh chóng, vì Bí thư Thành ủy thường có mặt lập tức! Tôi đặc biệt ấn tượng với nhiệm vụ đặc biệt mà ông được giao phó và đã giải quyết ổn thỏa ở các địa phương của tỉnh Thái Bình năm 1997.
Khi đó, ông là Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Dân vận trung ương. Sau khi xem xét hồ sơ từ Thái Bình, ông về ngay địa phương nắm kỹ thêm với tinh thần “Về làng nghe dân nói”, đây là một tinh thần cởi mở mà người dân hiếm khi được thấy. Vì thế, họ đã cởi mở những bức bách trong lòng, còn ông cán bộ cao cấp thì lắng nghe, giải tỏa và không xử lý họ. Vì thế khi ông ở Huyện ủy Thái Thụy, cô Ngô Thị D (một trong 5 người dân là đối tượng gây rối trật tự công cộng đang gây bức xúc tại địa phương…) khi được mời đến huyện ủy gặp đoàn công tác, ông Duyệt đã chỉ vào cô và ôn tồn mời: “Cô D. lên hẳn đây, tôi đã nghe nhiều người phản ánh về những việc cô và một số anh em đã làm. Giờ cô muốn nói gì thì hãy nói đi.”
Với sự cởi mở, gần gũi của ông khiến người dân mạnh dạn giãi bày. Họ được giải quyết thỏa đáng, không bị “truy bức” nên bà con rất hân hoan… Vụ việc được cởi nút thắt nóng như núi lửa, công đó chắc chắn ai cũng biết có phần rất lớn của ông Phạm Thế Duyệt. Ông đã góp phần vào làm điểm nóng nguội đi và thêm những kinh nghiệm mới trong công tác dẫn dắt, lãnh đạo, chỉ đạo người dân được thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình với Đảng, với địa phương nơi họ sinh sống…
Và trong cuộc đời, sự nghiệp của mình, ông Phạm Thế Duyệt còn nhiều những câu chuyện, những sự kiện mà ông là người “đứng mũi chịu sào”. Ông đã dùng tính ngay bản, tính khiêm nhu nhưng kiên quyết giải quyết “thấu tình đạt lý” khiến công việc trôi êm, dù trước đó còn đầy những cam go, căng thẳng.
Với gần 300 trang sách, nữ tác giả Hồng Liên đã làm trọn vẹn vai trò của người chép chuyện rất mạch lạc và cuốn hút về thân thế, sự nghiệp của một cán bộ cao cấp là ông Phạm Thế Duyệt, một người thợ mỏ mang đậm phẩm chất của giai cấp công nhân. Và tôi thực sự kính trọng ông hơn, khi ông biết lùi đúng lúc, không cần phải ai vận động, khi đọc đến cuối cuốn sách là câu chuyện ông bàn với vợ xin nghỉ và được chấp thuận. Ông muốn nghỉ vì đã tham gia 4 khóa Ban chấp hành Trung ương Đảng (5, 6, 7, 8) và 3 khóa Đại biểu Quốc hội (8, 10, 11). Vì thế, ông đề nghị Bộ Chính trị không xem xét để ông ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa XII (tháng 5/2007) và đề xuất của ông được Bộ chính trị đồng ý. Ông đã được nghỉ ngơi ở tuổi 72.
Cuốn truyện ký Phạm Thế Duyệt, người thợ lò ngày ấy để lại nhiều ấn tượng cho người đọc với kho tư liệu dầy dặn, những dòng thông tin thời sự hữu ích cho những ai quan tâm đến đời sống xã hội ở một chặng đường dài lịch sử đất nước rất đặc biệt khi ông Phạm Thế Duyệt, một cán bộ cao cấp của Đảng, là người gắn bó và đồng hành cùng vận mệnh đất nước ở những cương vị khác nhau. Cuốn sách của nữ tác giả Hồng Liên và nhân vật cuốn sách là ông Phạm Thế Duyệt đã cho độc giả những trang sách ấn tượng và có giá trị lâu bền.
Tháng 5/2021
Thảo Ngọc
Liên kết website
Ý kiến ()