Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 05:45 (GMT +7)
Giá gạo Việt Nam xuất khẩu cao nhất trong 10 năm
Thứ 4, 12/04/2023 | 14:36:45 [GMT +7] A A
Dù giảm mạnh về khối lượng nhưng trong 3 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu gạo tăng hơn 30% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, giá gạo xuất khẩu bình quân của Việt Nam đạt mức cao nhất trong vòng 10 năm qua.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), xuất khẩu tháng 3 đạt 900.000 tấn với giá trị 480 triệu USD, đưa kết quả xuất khẩu gạo 3 tháng đầu năm đạt 1,8 triệu tấn, tương ứng với 952 triệu USD.
Xuất khẩu gạo trong quý I tuy giảm 19,3% về khối lượng nhưng tăng tới 30,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Đặc biệt, giá gạo xuất khẩu bình quân trong 3 tháng đầu năm ước đạt 531 USD/tấn, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2022. Đây là mức giá xuất khẩu gạo bình quân cao nhất trong 10 năm qua.
Bộ NN&PTNT cho rằng, gạo xuất khẩu tăng cao là nhờ tỷ trọng các loại gạo phẩm cấp cao (gạo thơm, gạo nếp, gạo đặc sản…) có giá bán cao đã tăng mạnh. Hiện tỷ trọng gạo phẩm cấp cao đã chiếm 50% trong tổng lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam, với giá bán dao động từ 600 - 1.000 USD/tấn.
Trong quý I, giá gạo xuất khẩu 5% tấm đạt trung bình khoảng 450 USD/tấn và gạo 25% tấm đạt khoảng 430 USD/tấn, cao hơn giá gạo xuất khẩu cùng phẩm cấp của Thái Lan và Ấn Độ.
Ghi nhận giá gạo xuất khẩu gần nhất ngày 10/4 cho thấy, giá gạo loại 5% của Việt Nam đạt 473 USD/tấn, loại 25% tấm đạt 453 USD/tấn, tăng 10 USD/tấn so với thời điểm 31/3/2023.
Trong quý I, Philippines vẫn là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam, chiếm 43,3% thị phần xuất khẩu gạo của cả nước nước ta với khối lượng đạt 608.000 tấn, tương ứng 409 triệu USD.
Tiếp đến là thị trường Trung Quốc. Trong quý đầu năm, xuất khẩu gạo sang Trung Quốc tăng 86% về lượng và tăng 120% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Đặc biệt giá gạo xuất khẩu bình quân sang trung Quốc đạt trung bình 589 USD/tấn, tăng hơn 18% so với cùng kỳ năm trước.
Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) dự báo, tình hình xuất khẩu gạo quý II của Việt Nam sẽ duy trì đà tăng trưởng tích cực. Đặc biệt, do ảnh hưởng của những bất ổn về kinh tế, chính trị và nhu cầu dự trữ lương thực của các quốc gia tăng lên, nên giá gạo xuất khẩu vẫn duy trì ở mức cao.
Điển hình, các thị trường như Philippines, Indonesia và một số nước châu Phi đang có kế hoạch nhập khẩu gạo với số lượng lớn để tăng dự trữ lương thực. Trong khi đó nguồn cung gạo từ Ấn Độ, Pakistan tiếp tục hạn chế; giá gạo Thái Lan tăng do đồng Baht tăng giá trở lại.
Đặc biệt thông tin Indonesia quyết định nhập 2 triệu tấn gạo dự trữ quốc gia trong năm 2023 nhằm nâng dự trữ lên 2,4 triệu tấn thay vì khoảng 1,2 triệu tấn như mức dự trữ trước đó, đã khiến thị trường xuất khẩu gạo càng trở nên sôi động.
Theo tienphong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()