Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 24/11/2024 11:13 (GMT +7)
Giả mạo Tim Cook bằng công nghệ Deepfake, lên mạng kêu gọi đầu tư tiền ảo
Thứ 6, 20/09/2024 | 07:39:08 [GMT +7] A A
Đối tượng lừa đảo dùng công nghệ Deepfake giả mạo khuôn mặt và giọng nói của Tim Cook, sau đó livestream trên các nền tảng mạng xã hội thu hút hàng nghìn người xem.
Cục An toàn Thông tin (Bộ Thông tin & Truyền thông) mới đây vừa đưa ra cảnh báo về tình trạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức gọi vốn đầu tư tiền ảo, đáng chú ý hành động này mượn danh Tim Cook - Giám đốc của tập đoàn công nghệ Apple.
Cụ thể, vào thời điểm iPhone 16 cùng hàng loạt các sản phẩm của thương hiệu Apple vừa được ra mắt không lâu, các đối tượng sử dụng công nghệ Deepfake nhằm tái tạo lại khuôn mặt, sau đó livestream thông qua các tài khoản giả mạo để lừa người dùng đầu tư vào các dự án tiền điện tử.
Với sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, các video trở nên vô cùng chân thật, thu hút hàng nghìn lượt xem. Các đối tượng tạo ra các video Deepfake giả mạo khuôn mặt và giọng nói của Tim Cook, sau đó livestream trên các nền tảng mạng xã hội với tiêu đề gồm các từ khóa như “Tim Cook”, “Apple” nhằm gia tăng mức độ uy tín, đi kèm với nội dung là những đợt khuyến mãi có thời hạn, hứa hẹn sẽ đem về lợi nhuận cao, nhận tiền nhanh chóng sau khi đầu tư.
Sau đó, người được cho là giả mạo Tim Cook sẽ đưa ra các nhận định về thị trường chứng khoán, từ đó kêu gọi người xem tham gia đầu tư bằng cách gửi tiền dưới dạng các đơn vị tiền ảo phổ biến như Bitcoin, Ether, Tether hoặc Dogecoin.
Sau khi nhận được một số lượng tiền nhất định từ người xem, các đối tượng ngay lập tức sẽ tắt livestream, xóa toàn bộ những video và thông tin liên quan trên trang cá nhân.
Trước thực trạng lừa đảo diễn ra, Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) khuyến cáo người dân đề cao cảnh giác trước các thủ đoạn như trên. Cảnh giác trước những lời mời gọi đầu tư hứa hẹn đem về lợi nhuận cao, rủi ro thấp. Chủ động xác minh tính hợp pháp của các dự án đầu tư tiền điện tử, không cả tin và làm theo hướng dẫn của các đối tượng.
Cẩn trọng xác thực nguồn gốc của những video hoặc bài đăng trên mạng xã hội, những thông báo đến từ người nổi tiếng hoặc các tập đoàn lớn thường chỉ xuất hiện trên cổng thông tin điện tử chính thống hoặc các tài khoản có tích xanh với nhiều lượt theo dõi.
Khi phát hiện thấy có dấu hiệu lừa đảo, người dùng cần nhanh chóng báo cáo các tài khoản giả mạo để kịp thời ngăn chặn hành vi lừa đảo.
Người dân cũng có thể cập nhật thông tin, theo dõi cảnh báo về những chiêu thức lừa đảo mới và trang bị kiến thức cần thiết để bảo vệ trước những tin xấu độc, tin giả tràn lan trên không gian mạng thông qua trang thông tin tingia.gov.vn của Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử - Bộ Thông tin và Truyền thông.
Ngoài phiên bản web, Trung tâm xử lý tin giả Việt Nam sẽ có mặt trên TikTok, Facebook và YouTube, có tích xanh, xác minh chính chủ.
Theo VTCNews
- Danh sách 20 website giả mạo Cổng Dịch vụ công quốc gia, ngân hàng
- YouTube cho người dùng yêu cầu xóa video giả mạo bằng AI
- Chỉ trong 1 tháng phát hiện 28 website giả mạo ngân hàng
- Cảnh báo các hình thức tấn công giả mạo để vượt xác thực hai yếu tố
- Giả mạo website để cài mã độc, phát hiện nguyên nhân hàng loạt smartkey tê liệt
Liên kết website
Ý kiến ()