Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 08:10 (GMT +7)
Gia tăng giá trị ngành trồng trọt
Thứ 3, 30/07/2024 | 14:22:05 [GMT +7] A A
Với sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất từ tỉnh đến địa phương và sự vào cuộc tích cực của nông dân, 6 tháng đầu năm nay, kết quả sản xuất lĩnh vực trồng trọt trên địa bàn tỉnh đạt nhiều kết quả tích cực, đóng góp vào tăng trưởng chung của toàn ngành.
Từ đầu năm tới nay, công tác chuẩn bị điều kiện phục vụ sản xuất, điều tra, dự báo, dự tính sinh vật gây hại trên cây trồng được Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thực hiện thường xuyên và tham mưu cho ngành hướng dẫn các địa phương quan tâm, kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn nông dân phòng trừ để hạn chế thấp nhất những bất lợi do sinh vật hại gây ra đối với cây trồng. Nhờ đó, tổng diện tích gieo trồng cây toàn tỉnh 6 tháng đầu năm đạt 33.124,71ha, đạt 54,06% kế hoạch năm. Trong đó, diện tích lúa ước đạt trên 14.800ha; diện tích ngô gieo trồng ước đạt trên 4.568ha. Tổng sản lượng lương thực cây có hạt 6 tháng ước đạt 103.914,67 tấn, bằng 100% kịch bản tăng trưởng. Tổng diện tích cây lâu năm toàn tỉnh đạt khoảng 7.951ha.
Ông Lê Quốc Ruyến, Trưởng phòng Kinh tế TX Đông Triều cho biết: Năm 2024, địa phương phấn đấu tổng sản lượng thóc đạt 11.000 tấn. Để đạt mục tiêu đề ra, công tác chỉ đạo sản xuất luôn được phòng chú trọng, nhất là việc rà soát để xây dựng kế hoạch sát thực tế qua đó tham mưu cho UBND thị xã chỉ đạo các địa phương tổ chức thực hiện.
Ngay sau khi kết thúc thu hoạch vụ lúa xuân, TX Đông Triều đã tập trung chỉ đạo các xã, phường và các đơn vị liên quan hướng dẫn nông dân bắt tay vào ngay khâu vệ sinh đồng ruộng và làm đất, chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cho gieo cấy vụ mùa. Đến nay, gần 4.400ha lúa của thị xã đã được thực hiện xong. Nông dân trên địa bàn đang tập trung vào khâu chăm sóc và phòng ngừa dịch hại đầu vụ. Cùng với đó, thị xã tiếp tục tập trung cho công tác quảng bá, hướng dẫn nông dân tiến hành thu hoạch vụ na với diện tích hiện có gần 1.000ha.
Bên cạnh việc duy trì ổn định năng suất các loại cây trồng, giá cả nhiều mặt hàng nông sản tăng cao như vải chín sớm, vải thiều tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ; giá thóc tăng trung bình khoảng 10%,... trong khi đó giá cả nhiều loại vật tư đầu vào giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2023 đã giúp tăng thu nhập cho người nông dân. Đây là yếu tố tích cực góp phần đưa chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế toàn ngành nông nghiệp đề ra với mức tăng trưởng GRDP khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 4,3% trong 6 tháng đầu năm 2024, cao hơn 1,17 điểm % so với kịch bản tăng trưởng.
Ngành nông nghiệp tỉnh cũng đang tiếp tục duy trì các vùng sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn, quy chuẩn về chất lượng, an toàn thực phẩm với diện tích được chứng nhận VietGAP 322,35ha. Ngành đã cấp xác nhận mới thêm 6 mã vùng trồng phục vụ nội tiêu. Lũy kế đến thời điểm hiện tại trên địa bàn toàn tỉnh đã cấp được 62 mã số vùng trồng (trong đó có 46 mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu và 16 mã số vùng trồng phục vụ nội tiêu) với tổng diện tích trên 1.520ha và 9 mã số cơ sở đóng gói. Đồng thời với đó, tiếp tục duy trì cập nhật dữ liệu tại mô hình chuẩn hóa dữ liệu mã số vùng trồng theo hệ thống/tiêu chuẩn OTAS phục vụ nội tiêu và xuất khẩu với tổng diện tích 60ha; duy trì các vùng sản xuất hàng hóa tập trung khoảng 6.358ha đối với các sản phẩm rau, lúa chất lượng, lúa nếp cái hoa vàng, cây ăn quả; cây công nghiệp lâu năm; hoa, cây cảnh.
Ông Trần Văn Thực, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết: 6 tháng cuối năm, là thời điểm quan trọng, then chốt để hoàn thành mục tiêu kịch bản tăng trưởng cả năm 2024 với các chỉ tiêu lĩnh vực trồng trọt về diện tích cây hàng năm đạt 62.420ha, phấn đấu tổng sản lượng lương thực cây có hạt đạt trên 220.000 tấn. Để đạt được những chỉ tiêu trên, lĩnh vực trồng trọt sẽ tranh thủ những yếu tố thuận lợi để khai kế hoạch sản xuất vụ mùa, vụ đông 2024 một cách linh hoạt, thích ứng với biến đổi khí hậu và phù hợp với thị trường. Đồng thời tăng cường phổ biến, chuyển giao các giống cây trồng mới có chất lượng và giá trị cao vào sản xuất. Phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn, tổ chức sản xuất theo chuỗi đối với các sản phẩm chủ lực; khuyến khích phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, các sản phẩm đặc hữu địa phương; nhân rộng các chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản an toàn gắn với truy xuất nguồn gốc, quảng bá sản phẩm thông qua bao gói, ghi nhãn, dán tem truy xuất.
Cùng với đó ngành sẽ nâng cao năng lực giám sát và dự báo, phòng trừ hiệu quả sinh vật gây hại cây trồng, chủ động phòng ngừa đối với loại sâu bệnh mới và kiểm soát chặt chẽ các hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng trên địa bàn. Tăng cường các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính thông qua quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu vào trong sản xuất nông nghiệp, thu gom xử lý và tái sử dụng các phế phụ phẩm nông nghiệp. Đẩy mạnh thực hiện các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị; phát triển các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu.
Hải Hà
Liên kết website
Ý kiến ()