Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 15/01/2025 16:59 (GMT +7)
Đầm Hà: Phát triển nông nghiệp công nghệ cao
Thứ 3, 23/07/2024 | 11:21:21 [GMT +7] A A
Những năm qua, tận dụng tối đa tiềm năng, thế mạnh, huyện Đầm Hà tăng cường giải pháp thu hút đầu tư vào nông nghiệp, phát triển vùng sản xuất tập trung, từng bước thay đổi tư duy sản xuất nông hộ manh mún, nhỏ lẻ và mạnh dạn áp dụng kỹ thuật công nghệ cao trong sản xuất, chế biến không chỉ cung cấp cho thị trường nội địa mà còn hướng tới xuất khẩu.
Tận dụng ưu thế về hạ tầng giao thông và vùng nuôi trồng thủy sản, Công ty CP SEAGOLD đã mạnh dạn đầu tư hệ thống nhà xưởng hiện đại trên diện tích 1600m2 tại xã Tân lập (huyện Đầm Hà) và đưa vào hoạt động từ tháng 8/2023. Với định hướng từ sớm về việc sớm tìm đầu ra cho sản phẩm tại thị trường nước ngoài, đơn vị đã áp dụng quy trình sản xuất khép kín HACCP, tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm (ATTP), trong đó, nguồn hàu tươi thường xuyên được giám sát về chất lượng, từ chất lượng nguồn nước, chất lượng con hàu… trước khi đưa vào chế biến. Đơn vị cũng áp dụng nhiều công nghệ hiện đại để giữ được độ tươi ngon của sản phẩm. Do đó, sản phẩm ruột hàu tươi của đơn vị đã đến được với nhiều thị trường nước ngoài như: Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, Tahiti và được các bạn hàng đón nhận tích cực.
Anh Phạm Minh Hào, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty, chia sẻ: Gia nhập thị trường xuất khẩu lớn là "cánh cửa" tiềm năng, có tính ổn định, bền vững, đảm bảo hoạt động sản xuất cho nhà máy và người lao động, điều này cũng đồng thời đem về ngoại tệ cho đất nước. Đơn vị tiếp tục nỗ lực tìm kiếm các giải pháp để hoàn thiện các thủ tục, tiến tới thị trường khó tính như Châu Âu.
Một tín hiệu vui khác cho ngành Nông nghiệp huyện Đầm Hà trong nửa đầu năm nay, đó là mô hình trồng chanh leo hữu cơ tại HTX Nông nghiệp tổng hợp Trường Giang (thôn Trại Dinh, xã Đầm Hà) cũng cho kết quả tích cực. Được triển khai từ cuối năm 2023, nhờ được chăm sóc theo hướng hữu cơ, đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP, hơn 3ha trồng chanh leo của bà con địa phương này phát triển tốt, cho chất lượng quả cao. Anh Đặng Văn Giang, Giám đốc HTX Nông nghiệp tổng hợp Trường Giang, cho biết: Quả chanh leo được trồng với quy trình hữu cơ, tuân thủ các quy định về ATTP trong nông nghiệp, qua đánh giá kiểm nghiệm không có 570 chất cấm trong nông nghiệp, đảm bảo các tiêu chuẩn xuất khẩu sang Châu Âu.
Với tiềm năng thế mạnh về phát triển nông nghiệp, huyện Đầm Hà định hướng trở thành địa phương phát triển nông nghiệp công nghiệp, tạo giá trị gia tăng lớn. Thời gian qua, huyện đã đề ra nhiều giải pháp, xây dựng cơ chế, chính sách hợp lý, thu hút các dự án đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất. Địa phương hiện có nhiều tập đoàn, công ty lớn ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, như: Tập đoàn Việt-Úc, Tập đoàn Mavin, Công ty CP Thực phẩm BIM, Công ty Khoa học công nghệ Lucaci, Công ty CP Funny Group JSC...
Cùng với đó, một trong những giải pháp quan trọng khác được địa phương này đẩy mạnh triển khai đó là thay đổi tư duy, phương thức của người nông dân, người làm nông nghiệp trên địa bàn. Từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, người dân đã cùng nhau hình thành các hợp tác xã sản xuất và nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao đã hình thành, dần khẳng định chỗ đứng trên thị trường. Tiêu biểu là mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng ứng dụng công nghệ cao của Công ty CP Thương mại và Xây dựng Đầm Hà, quy mô 5ha, được triển khai từ năm 2017. Mô hình đang phát triển tốt, sản phẩm dưa được gắn mã vạch, mã vùng đảm bảo truy xuất nguồn gốc sản phẩm, được người tiêu dùng yêu thích. Anh Nguyễn Hữu Nhượng, Giám đốc Công ty CP Thương mại và Xây dựng Đầm Hà, cho biết: Đơn vị cũng đang tính toán tới việc mở rộng diện tích sản xuất, tăng sản lượng, hoàn thiện các quy trình để đưa quả dưa lưới Đầm Hà tới các thị trường ngoài nước.
Huyện Đầm Hà đặt mục tiêu tiếp tục thành lập, phát triển hai khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cấp tỉnh, đó là: Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chăn nuôi bò sữa tập trung và liên kết người dân, quy mô tổng đàn 30.000 con, với diện tích 350ha; Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cấp tỉnh về thủy sản, quy mô 435ha.
Ông Trần Anh Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Đầm Hà, khẳng định: Để cụ thể hoá thế mạnh về nông nghiệp, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, hướng tới xuất khẩu, huyện xác định được vùng sản xuất tập trung trên biển với diện tích 5.656ha và đang giao biển cho người dân để nuôi trồng; đối với lâm nghiệp đã quy hoạch 3.500ha trồng rừng gỗ lớn và 2.500ha trồng quế. Đối với trồng trọt, huyện xác định 6 vùng sản xuất tập trung. Huyện cũng đang tích cực kết nối, kêu gọi đầu tư, thúc đẩy phát triển sản xuất hàng hóa tập trung với quy mô đủ lớn để ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số vào các khâu sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm.
Nguyễn Trang
Liên kết website
Ý kiến ()