Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 02:26 (GMT +7)
Gia tăng tỷ lệ hút thuốc lá điện tử trong lứa tuổi thanh, thiếu niên
Thứ 4, 08/03/2023 | 16:25:53 [GMT +7] A A
Đây là thông tin được ông Nguyễn Nho Huy, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất, Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra tại hội thảo "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng chống tác hại thuốc lá", do Ủy ban Xã hội của Quốc hội tổ chức tại tỉnh An Giang vào sáng 8/3.
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, sử dụng thuốc lá là nguyên nhân gây ra hơn 8 triệu ca tử vong trên toàn cầu mỗi năm. Hút thuốc lá là một yếu tố làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp và làm tăng mức độ nghiêm trọng của các bệnh về đường hô hấp. Việt Nam là một trong 15 nước hút thuốc lá nhiều nhất trên thế giới và là quốc gia đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN có số người trưởng thành hút thuốc lá cao nhất, chỉ sau Indonesia và Philippines. Cùng với ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe, sử dụng thuốc lá gây ra các tổn thất về kinh tế và là một trong những nguyên nhân của sự nghèo đói.
Việt Nam là thành viên của Công ước khung của Tổ chức Y tế thế giới về kiểm soát thuốc lá từ năm 2004. Ngày 18/6/2012, Quốc hội thông qua Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá và có hiệu lực từ ngày 1/5/2013. Sau khi Luật có hiệu lực, tỷ lệ hút thuốc lá trong nhóm người trưởng thành giảm từ 22,5% năm 2015 xuống còn 21,7% năm 2020. Tỷ lệ hút thuốc ở nam giới giảm từ 45,3% giảm xuống 42,3%.
Ông Nguyễn Nho Huy thông tin, kết quả nghiên cứu về tình hình sử dụng thuốc lá trong học sinh từ 13-15 tuổi của Bộ Y tế năm 2022 cho thấy, tỷ lệ học sinh sử dụng thuốc lá hiện nay khoảng 2,9%. Tuy nhiên, tỷ lệ học sinh nữ sử dụng thuốc lá có dấu hiệu gia tăng, chủ yếu là sử dụng các sản phẩm thuốc lá mới như thuốc lá điện tử.
Ông Nguyễn Nho Huy cảnh báo, việc sử dụng thuốc lá mới như thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha... ngày càng phổ biến trong giới trẻ Việt Nam, làm gia tăng tỷ lệ sử dụng trong học sinh, sinh viên. Đặc biệt, tỷ lệ học sinh bị ảnh hưởng hút thuốc lá thụ động trong trường học còn cao do một số nơi chưa thực hiện nghiêm túc các quy định về cấm hút thuốc lá trong trường học. Trách nhiệm nêu gương của một số giáo viên, nhân viên trường học chưa cao...
Đánh giá thực trạng sử dụng thuốc lá trong thanh thiếu niên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Giám đốc Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá, Bộ Y tế cảnh báo: Tỷ lệ hút thuốc lá điện tử trong thanh, thiếu niên Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng. Theo điều tra, tình hình sử dụng thuốc lá điện tử ở nhóm tuổi 13-15 vào năm 2022 là 3,5%, so với năm 2019 là 2,6%. Những thành tựu Việt Nam đã đạt được trong việc giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá điếu thông thường trong gần 10 năm qua có nguy cơ bị phá bỏ bởi việc gia tăng sử dụng thuốc lá điện tử đang nhắm vào giới trẻ. Đặc biệt, xu hướng sử dụng thuốc lá điện tử đang gia tăng ở nhóm tuổi 15 - 24 (chiếm 7,3%) so với các nhóm 25 - 44 tuổi (chiếm 3,2%) và nhóm 45 - 64 tuổi (chiếm 1,4%).
Theo Ủy ban Xã hội của Quốc hội, Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 1/5/2013. Sau 10 năm thực hiện Luật, công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá đã đạt được kết quả tích cực. Tỷ lệ sử dụng hút thuốc năm 2020 giảm 0,8 % so với năm 2015, nhận thức của người dân về phòng, chống tác hại của thuốc lá được nâng lên. Việc tổ chức địa điểm không hút thuốc lá, mô hình không khói thuốc được thực hiện rộng rãi ở nhiều nơi trên cả nước. Từ đó, góp phần giảm cầu thuốc lá, giảm tác hại thuốc lá, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Tại hội thảo, bà Đỗ Thị Lan, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho rằng, việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống tác hại thuốc lá vẫn còn có hạn chế. Tại một số địa phương, việc lập kế hoạch, tổ chức thực hiện phòng, chống tác hại thuốc lá chưa thực sự được quan tâm. Một số quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá không còn phù hợp với thực tiễn như: Quy hoạch sản xuất, kinh doanh thuốc lá (Điều 20), một số nhiệm vụ của Quỹ phòng chống tác hại của thuốc lá (Điều 29)…. dẫn đến việc thực hiện còn nhiều bất cập.
"Hiện nay, sự xuất hiện của thuốc lá thế hệ mới, chưa có quy định phù hợp. Thuốc lá nhập lậu trên thị trường còn diễn biến phức tạp. Vì vậy, Hội thảo cung cấp thông tin về kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống tác hại thuốc lá, những vướng mắc, bất cập và khuyến nghị giải pháp trong thời gian tới. Kết quả hội thảo sẽ là kênh thông tin quan trọng giúp Ủy ban Xã hội của Quốc hội trong việc giám sát thực hiện chính sách pháp luật trong năm 2023, thẩm tra báo cáo của Chính phủ về phòng, chống tác hại của thuốc lá hai năm 2021, 2022 theo quy định", Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho biết.
Tại Hội thảo, các chuyên gia, đại biểu đến từ nhiều tỉnh, thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long thảo luận về thực trạng việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống tác hại thuốc lá tại địa phương; tình trạng buôn lậu, vận chuyển trái phép thuốc lá, nguyên liệu thuốc lá, việc xử lý vi phạm về phòng, chống tác hại của thuốc lá; vấn đề mua bán, vận chuyển, sử dụng thuốc lá thế hệ mới... Các chuyên gia, đại biểu đề xuất nhiều kiến nghị, giải pháp để hoàn thiện chính sách, pháp luật về phòng, chống tác hại thuốc lá.
Nhiều chuyên gia kiến nghị Quốc hội, Chính phủ cần nghiên cứu, đánh giá để sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, trong đó quy định cụ thể về quản lý và phòng chống tác hại của thuốc lá mới; kiên quyết không cho phép sản xuất, kinh doanh và lưu hành các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng tại Việt Nam; cần có chính sách phù hợp để quản lý các điểm bán lẻ thuốc lá; cấm buôn bán thuốc lá ngoài cổng trường học…
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê cho rằng: Thuế thuốc lá của Việt Nam còn rất thấp, là nước có mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá thấp gần nhất trong khu vực ASEAN (chỉ cao hơn Campuchia, Lào, Myanmar và rất thấp so với các nước phát triển. Ông nêu ý kiến Quốc hội cần xem xét, tiếp tục ủng hộ xây dựng lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá để hạn chế tiêu dùng theo khuyến cáo của WHO; cấm các sản phẩm thuốc lá mới như thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha…
Theo vtv.vn
Liên kết website
Ý kiến ()