Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 23/11/2024 12:21 (GMT +7)
Giá thuốc tăng, người nghèo lo lắng!
Chủ nhật, 22/04/2007 | 06:47:17 [GMT +7] A A
Người nghèo thì hay ốm, đã ốm thì lại thường trọng bệnh. Ốm đau là một trong những nguyên nhân làm cho người ta nghèo, thậm chí đã thoát nghèo rồi mà gặp ốm đau thì lại tái nghèo. Ốm đau là thứ hay bám đến người nghèo nhiều nhất, lâu nhất, làm cho người ta khó thoát nghèo nhất.
Mặc dù Nhà nước đã quan tâm đến người nghèo bằng nhiều chính sách và giải pháp, kể cả việc cấp sổ bảo hiểm y tế, nhưng vì thu nhập bình quân đầu người thấp (chênh lệch giữa 20% dân số giàu nhất so với 20% dân số nghèo nhất hiện đã ở mức 8,4 lần), nên bên cạnh những chi phí khám chữa bệnh cao, thì sự tăng lên của giá thuốc càng làm cho người nghèo lo lắng.
Tại sao giá thuốc lại tăng?
Có người cho rằng sản xuất thuốc ở trong nước hiện còn thấp xa so với nhu cầu? Cái đó đúng một phần, bởi mặc dù cả nước hiện có 175 nhà máy sản xuất thuốc, lại có 800 công ty kinh doanh, 300 công ty nhập khẩu, 35 nghìn nhà thuốc, nhưng sản xuất thuốc ở trong nước mới đáp ứng được khoảng 40%, còn có tới 60% phụ thuộc vào nhập khẩu. Trong khi mức sống lên, số con ít hơn (bình quân một người mẹ hiện đã ngang và thấp hơn mức thay thế), nhu cầu chăm sóc sức khỏe cao hơn, nhu cầu dùng thuốc cũng cao hơn..., các nhà kinh doanh thuốc đã nhận ra những biến đổi này để tăng giá thuốc. Kỹ thuật (thực chất là thủ thuật) tăng giá thuốc hiện nay cũng đã nâng lên "tầm cao" mới; như liên kết với một số bác sĩ kê đơn ăn hoa hồng, không tăng đồng loạt mà tăng theo kiểu cuốn chiếu, bắt đầu là khuyến mãi sau đó bỏ khuyến mãi, chi hoa hồng cao cho các nhà thuốc...
Có người cho rằng do tỷ giá hối đoái giữa VND so với các ngoại tệ, nhất là đồng tiền chung châu Âu (euro) tăng, làm cho giá tân dược, giá thuốc nhập khẩu từ các nước trong khu vực đồng euro tăng cao. Đành rằng giá nhập khẩu tăng do tỷ giá tăng (cách đây dăm năm, tỷ giá chỉ vào khoảng 13 - 14.000 VND/EUR), nhưng so với lúc cao nhất cách đây gần hai năm (21.700 VND/EUR), thì tỷ giá hiện tại còn thấp hơn (chỉ khoảng 20.500 VND/EUR). Qua thanh tra, giá thuốc nhập khẩu đã bị nâng lên khá cao so với giá gốc, nhiều loại lên đến 30%, cộng với tỷ giá gần đây tăng, đã làm cho giá thuốc nhập khẩu tăng "kép".
Có ý kiến cho rằng việc quản lý về giá cả trong nền kinh tế thị trường đối với những hàng hóa đặc biệt còn lúng túng và chưa đồng bộ. Việc niêm yết giá thuốc và bán đúng giá đã niêm yết chưa được làm kiên quyết và xử lý nghiêm khắc. Việc kiểm tra, thanh tra mang tính chất tình thế, chỉ được tiến hành khi thấy dư luận đã ồn lên; hơn nữa làm sao có đủ lực lượng để tiến hành? Giá thuốc lên làm cho người tiêu dùng bị thiệt, nhưng thuế Nhà nước thu được lại không tăng tương ứng, hầu hết rơi vào túi nhà nhập khẩu, kinh doanh, thậm chí là nhà buôn ở nước ngoài. Các hiện tượng liên kết để làm giá thuốc tăng chưa được ngăn chặn và xử lý kịp thời...
Tăng sản lượng sản xuất ở trong nước, kiểm tra giá nhập khẩu, bắt buộc việc niêm yết giá thuốc và bán đúng giá niêm yết, kiểm tra, xử phạt nặng các trường hợp liên kết làm giá tăng không đúng với thực tế, kết hợp với việc quản lý thu thuế thu nhập doanh nghiệp..., sẽ có tác dụng kiềm chế sự tăng lên của giá thuốc, đem lại quyền lợi cho người tiêu dùng nói chung và người nghèo nói riêng.
Liên kết website
Ý kiến ()