Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 23:54 (GMT +7)
Giá vàng tăng, giảm đảo điên, nhà đầu tư trở tay không kịp
Thứ 7, 02/12/2023 | 16:00:00 [GMT +7] A A
Giá vàng gần đây liên tục tăng nóng rồi lao dốc không phanh khiến nhiều nhà đầu tư không kịp trở tay, không biết nên mua hay bán.
Anh Trần Văn Lộc (Hoàn Kiếm, Hà Nội) chia sẻ, quá nhiều nhận định giá vàng sẽ còn tăng mạnh đã khiến anh quyết định xuống tiền đầu tư dù giá kim loại quý mấy ngày gần đây liên tiếp tăng "nóng".
Ngày 29/11, khi giá đang cao ngất ở mức 74,3 triệu đồng/lượng, anh Lộc đã mua vàng. Sau đó, giá tiếp tục tăng lên 74,4 - 74,5 triệu đồng/lượng. Thậm chí chỉ sau hơn 2 giờ mở cửa, giá vàng đã lên 74,6 triệu đồng/lượng - đắt nhất lịch sử.
Nhưng trong khi anh Lộc đang vui mừng và kỳ vọng giá vàng sẽ leo đỉnh tiếp thì chỉ đến trưa 29/11, giá bắt đầu suy giảm và lao về mốc 73,7 triệu đồng/lượng. Như vậy so với giá mua lúc đầu giờ sáng, anh Lộc đã lỗ 600.000 đồng/lượng.
“Giá vàng giảm quá nhanh khiến tôi bất ngờ. Tuy nhiên, đã đầu tư thì phải chấp nhận rủi ro, tôi vẫn tin giá vàng sẽ còn tiếp tục tăng. Nếu không mua vào lúc này, đến lúc giá vàng lên 76, 77 triệu đồng/lượng, sẽ khó có cơ hội kiếm lời”, anh Lộc nói.
Không như anh Lộc, chị Nguyễn Kim Anh (Nam Từ Liêm, Hà Nội) lại tiếc đứt ruột khi đưa ra quyết định bán vàng hơi vội.
Chị Kim Anh đầu tư vàng từ giai đoạn giá vàng chỉ 68,7 triệu đồng/lượng. Đến cuối giờ chiều 28/11, khi giá vàng liên tục tăng và đạt ngưỡng 72,3 - 73,5 triệu đồng/lượng (mua vào -bán ra), thấy cơ hội chốt lời đã chín muồi, chị Kim Anh quyết định "tất tay" số vàng hơn 30 lượng đã đầu tư. Tính ra, chị lãi 3,6 triệu đồng/lượng.
Tuy nhiên, điều khiến chị Kim Anh bất ngờ là chỉ đến sáng 29/9, giá vàng vẫn chưa ngừng tăng và đắt nhất lịch sử khi đạt 73,2 - 74,6 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Như vậy, chỉ vì bán sớm 1 đêm mà chị Kim Anh đã thiệt gần 1 triệu đồng/lượng.
"Nếu để đến sáng hôm sau bán, mỗi lượng vàng tôi sẽ lãi 4,5 triệu đồng so với lúc mua. Tuy nhiên, tôi cũng không phải tiếc lâu vì sau đó giá lại giảm mạnh, chỉ còn cao hơn giá tôi bán trước đó một chút. Đúng là giá vàng đang biến động quá nhanh, không dễ dự báo trước được", chị Kim Anh nhận xét.
Trong khi đó, anh Nguyễn Trọng Đạt (Hà Đông, Hà Nội) kể, anh đã quyết định bán lúc giá vàng lên 74,6 triệu đồng/lượng, nhưng chỉ vì lượng người giao dịch quá đông, nên khi đến lượt anh, giá vàng lại đi xuống.
"Tôi hy vọng giá vàng đi xuống rồi phiên buổi chiều sẽ tăng trở lại, nhưng ai ngờ đến cuối ngày 29/11, giá đã giảm gần 1 triệu đồng/lượng. Tôi rất hoang mang không biết nên bán thời điểm hiện tại hay chờ để giá vàng đu đỉnh tiếp", anh Trọng Đạt băn khoăn nói.
Lý giải về việc giá vàng liên tục tăng thời gian gần đây, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nêu 3 lý do chính.
Thứ nhất, xuất phát từ việc chúng ta quản lý giao dịch vàng chặt hơn. Sau khi Ngân hàng Nhà nước ban hành thông tư 12 sửa đổi, bổ sung một số điều của các văn bản quy phạm pháp luật quy định về việc triển khai nhiệm vụ quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước, xuất hiện tin đồn không cho buôn bán vàng miếng. Điều này khiến nhiều người cho rằng việc mua vàng miếng sẽ khó khăn. Do đó, họ tranh thủ mua khiến vàng tăng giá.
Dù các doanh nghiệp kinh doanh vàng đã khẳng định người dân vẫn được mua vàng bình thường nhưng cho đến giờ, vàng vẫn "nóng".
Thứ hai, thời gian qua lãi suất liên tục giảm, đầu tư khó khăn. Một số người có tiền gửi vào ngân hàng thì lãi không được bao nhiêu. Trong khi đầu tư thì ít cơ hội, do các doanh nghiệp đang ít đơn hàng, co cụm lại. Mặc dù 2 tháng cuối năm được dự báo sẽ là giai đoạn bùng nổ của sản xuất kinh doanh nhưng dường như các nhà đầu tư không tin tưởng lắm. Do đó dòng tiền có xu hướng chảy sang kim loại quý là vàng. Tâm lý "mua vàng còn giữ được giá" khiến nhiều người ưu tiên tích trữ vàng hơn.
Thứ ba, đang cận dịp cuối năm, nhu cầu mua vàng trang sức phục vụ đám cưới, đám hỏi tăng lên, điều này có thể khiến giá vàng tăng. Nguyên liệu sản xuất khan hiếm, nguồn cung vàng miếng SJC bị hạn chế, cộng với đà tăng của giá vàng thế giới khiến giá vàng trong nước ngày càng nóng.
Dù giá vàng tăng mạnh, nhưng theo TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, nhà đầu tư nên hết sức thận trọng vì mức chênh giữa mua và bán của vàng hiện đang quá lớn, có thời điểm lên tới 1,4 triệu đồng, thể hiện rằng nhà kinh doanh mua vào giá thấp nhưng lại bán ra với giá rất cao.
Chênh lệch quá lớn cũng thể hiện rằng bản thân các nhà kinh doanh đang cảm nhận được rủi ro lớn hơn và đẩy rủi ro đó sang người tiêu dùng. Tuy nhiên, đây là thị trường tự do, các doanh nghiệp được tự quyết giá bán, Ngân hàng Nhà nước không áp giá trần, giá sàn.
“Chênh lệch giữa giá mua và bán cao như vậy, nhà kinh doanh mua vào giá thấp, bán ra với giá cao nên người mua đối diện nhiều rủi ro, chịu ảnh hưởng nếu thị trường biến động. Chênh lệch càng lớn, rủi ro càng nhiều.
Theo tôi, giá mua vào và bán ra chênh khoảng 500.000 đồng/lượng trở xuống là chấp nhận được. Chênh lệch từ trên 500.000 đồng là rất rủi ro ”, ông Hiếu nhấn mạnh.
Dự báo giá vàng thời gian tới, ông Hiếu cho rằng, giá vàng đang chững lại nhưng vẫn trong xu hướng tăng vì vàng đang là kênh đầu tư hấp dẫn hơn nhiều kênh khác. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng thị trường vàng luôn có nhiều biến động rất lớn và mang đến nhiều rủi ro, rủi ro ở thị trường trong nước thậm chí còn lớn hơn thị trường thế giới.
Vì vậy, theo ông Hiếu, đây là thời điểm nhà đầu tư có thể mua vào vàng. Tuy nhiên, mua cũng cần tuân theo nguyên tắc “không bỏ trứng vào một giỏ”. Nhà đầu tư chỉ nên dành 1/3 tiền của mình để mua vàng, đồng thời phải luôn theo dõi sát sao thị trường vàng trong nước cũng như thế giới, theo dõi hàng giờ, hàng ngày.
“Nhà đầu tư không nên lướt sóng với mong muốn lãi ngắn hạn. Lướt sóng là rất rủi ro. Nhà đầu tư nên giữ vàng trong khoảng thời gian ít nhất 6 tháng và tuyệt đối không được vay tiền mua vàng ”, ông Hiếu đưa ra lời khuyên.
Theo vtc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()