Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 09/01/2025 09:18 (GMT +7)
Đề cao cảnh giác với tội phạm sử dụng công nghệ cao
Thứ 6, 10/02/2023 | 06:27:16 [GMT +7] A A
Thay mặt cử tri TX Đông Triều, tại kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026, đại biểu Nguyễn Thị Bích Liên, Tổ đại biểu Đông Triều chất vấn:
Theo Báo cáo số 550/BC-VKS ngày 22/11/2022 của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, hiện nay tội phạm công nghệ cao đang có chiều hướng gia tăng, năm 2022 đã khởi tố 60 vụ/79 bị can, tăng 7 vụ/tăng 5 bị can so với cùng kỳ năm 2021; trong đó đáng lưu ý lần đầu tiên phát hiện hành vi, thủ đoạn tinh vi của các đối tượng phạm tội như: sử dụng các thiết bị điện tử giả mạo các nhà mạng, nhắn tin giả mạo ngân hàng nhằm lừa đảo chiếm tiền của người dân qua mạng... gây hoang mang, ảnh hưởng đến đời sống, tinh thần của cử tri và nhân dân. Đề nghị lãnh đạo Công an tỉnh Quảng Ninh cho biết các giải pháp thực hiện trong thời gian tới để giảm tỷ lệ tội phạm công nghệ trên địa bàn tỉnh.
Lãnh đạo Công an tỉnh trả lời:
Trong năm 2022, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công an, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự vào cuộc của các ngành, các cấp, lực lượng chức năng, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh được kiểm soát. Toàn tỉnh ghi nhận xảy ra 568 vụ, làm chết 7 người, bị thương 148 người, thiệt hại tài sản trị giá khoảng 80,8 tỷ đồng; so với cùng kỳ năm 2021, tổng số vụ giảm 0,7% (568/572 vụ); tỷ lệ điều tra, khám phá chung đạt cao 85,7% (làm rõ 487/568 vụ, 1110 đối tượng); riêng khám phá án rất nghiêm trọng trở lên đạt 100% (làm rõ 41/41vụ, rõ 56 đối tượng). Các vụ án phức tạp, dư luận quan tâm đều được điều tra làm rõ xử lý nghiêm minh, nhất là các vụ án giết người, cướp tài sản, xâm hại tình dục trẻ em.
Tuy nhiên, có một số loại tội phạm có chiều hướng gia tăng, diễn biến phức tạp, nhất là tội phạm sử dụng công nghệ cao với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, phạm vi gây án rộng, gây hậu quả nghiêm trọng. Thông qua công tác điều tra, tiếp nhận, giải quyết tin báo, tố giác tội phạm nhận thấy tội phạm sử dụng công nghệ diễn ra trên hầu hết các địa phương, lĩnh vực với nhiều loại tội phạm như tội phạm đánh bạc và tổ chức đánh bạc, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, sử dụng máy tính, mạng viễn thông chiếm đoạt tài sản, xâm nhập trái phép mạng viễn thông, phương tiện điện tử, môi giới mại dâm, cưỡng đoạt tài sản, bôi nhọ, xúc phạm, vu khống làm nhục người khác, cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, buôn bán hàng cấm... nhưng chủ yếu vẫn tập trung vào 3 hành vi, tội danh sau:
1. Tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng: Trong năm 2022, lực lượng Công an toàn tỉnh đã phát hiện, tiếp nhận điều tra 30 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng internet (chiếm 50% số vụ phạm tội sử dụng công nghệ cao) trong đó khởi tố hình sự 23 vụ, 06 bị can. Các đối tượng chủ yếu vẫn sử dụng phương thức thủ đoạn chủ yếu là giả danh, giả mạo các nhà mạng, cán bộ công chức ngân hàng, viện kiểm sát, công an, nhân viên giao hàng, lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin của người dân để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
2. Tội phạm đánh bạc và tổ chức đánh bạc trên không gian mạng có nhiều hoạt động phức tạp, phương thức thủ đoạn tinh vi và quy mô hoạt động lớn. Bên cạnh việc tham gia đánh bạc trên các ứng dụng, website được đặt máy chủ tại nước ngoài, để thu hút con bạc và tránh sự phát hiện của các cơ quan chức năng, các đối tượng đánh bạc và tổ chức đánh bạc sử dụng nhiều thủ đoạn mới, tinh vi. Năm 2022, Công an tỉnh đã xác lập 7 chuyên án, bắt giữ 12 vụ, 75 đối tượng; đã khởi tố hình sự 11 vụ, 71 bị can về loại tội phạm này.
3. Tội phạm và các vi phạm pháp luật trong lĩnh vực công nghệ thông tin, viễn thông nổi lên phương thức mới là sử dụng thiết bị điện tử có tính năng trạm phát sóng di động chèn vào sóng của các nhà mạng để phát tán tin nhắn SMS đến các điện thoại di động thuộc phạm vi, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn hệ thống thông tin, gây thiệt hại cho các đơn vị cung cấp dịch vụ viễn thông.
Dự báo trong thời gian tới, dịch bệnh Covid-19 tiếp tục được kiểm soát, hoạt động giao thương, kinh doanh, du lịch, đi lại giữa các địa phương trong cả nước và giữa Việt Nam với nước ngoài gia tăng nên tiềm ẩn nguy cơ các đối tượng người nước ngoài móc nối, cấu kết với các đối tượng trong nước thực hiện hành vi phạm tội sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự, bức xúc trong dư luận xã hội. Bên cạnh đó, thực hiện đề án đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ, nhiều công nghệ, phương thức thanh toán ngày càng trở nên phổ biến như: Công nghệ thanh toán không tiếp xúc NFC, công nghệ thanh toán bằng mã QR code,... đặt ra những thách thức lớn đối với công tác phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao trong lĩnh vực thanh toán. Do đó, để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh, ngăn chặn loại tội phạm này, Công an tỉnh sẽ tập trung thực hiện các giải pháp sau:
Một là, tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền huy động cả hệ thống chính trị, trước hết là Ban Chỉ đạo 138 các cấp vào công tác tuyên truyền sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân biết được phương thức, thủ đoạn phạm tội của các đối tượng, nhất là tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng.
Hai là, đẩy mạnh công tác phòng ngừa tội phạm sử dụng công nghệ cao, xác định công tác phòng ngừa là chính, là trọng tâm. Tiếp tục phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Trung tâm Truyền thông tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, sử dụng mạng xã hội (nhất là trên các trang Fanpage Facebook, Zalo) về phương thức, thủ đoạn của tội phạm sử dụng công nghệ cao, nhất là các hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng để phổ biến rộng rãi, nâng cao ý thức cảnh giác cho quần chúng nhân dân. Phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành triển khai các biện pháp phòng ngừa hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, thương mại điện tử; thường xuyên kiểm tra, phát hiện, xử lý sai phạm của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử và các mô hình hoạt động kinh doanh trên các ứng dụng công nghệ số; nắm tình hình và kịp thời kiểm tra, quản lý các hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp, kinh doanh dịch vụ như công ty tài chính, cầm đồ, môi giới làm việc.
Ba là, tập trung chỉ đạo lực lượng Cảnh sát hình sự, an ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao triển khai các mặt công tác nghiệp vụ, chủ động nắm tình hình, thường xuyên rà soát trên không gian mạng nhằm phát hiện, thu thập thông tin, kịp thời đấu tranh, xử lý các trường hợp vi phạm. Nâng cao hiệu quả công tác tiếp nhận tin báo, tố giác của nhân dân, đổi mới hình thức tiếp nhận tin báo tố giác tội phạm. Tập trung lực lượng đấu tranh, điều tra khám phá nhanh các vụ án có liên quan đến tội phạm sử dụng không gian mạng xâm phạm trật tự xã hội; phối hợp với Viện kiểm sát, Toà án xác lập án điểm để tập trung điều tra, truy tố, xét xử các vụ án liên quan đến tội phạm này để răn đe, phòng ngừa chung.
Bốn là, tăng cường công tác kiểm tra, quản lý tình hình đăng ký tạm trú của người nước ngoài nhập cảnh vào địa bàn tỉnh, chú ý các địa bàn trọng điểm về du lịch, biên giới như: TP Hạ Long, Móng Cái, Uông Bí, Hải Hà, TX Đông Triều, Quảng Yên… không để tình trạng người nước ngoài nhập cảnh trái phép để thực hiện các hành vi lừa đảo, tổ chức đánh bạc trên không gian mạng. Đồng thời đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao.
Đặng Dung (biên soạn)
Liên kết website
Ý kiến ()