Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 15:15 (GMT +7)
Chủ động phòng chống, giảm nhẹ thiên tai
Thứ 6, 30/09/2022 | 07:58:42 [GMT +7] A A
Từ đầu năm 2022 đến nay, địa bàn tỉnh chịu ảnh hưởng của 3 cơn bão, 8 đợt mưa lớn và 4 đợt rét hại. Trong đó, có những tình huống thiên tai mang tính cực đoan, trái quy luật, như: Đợt rét hại kéo dài cuối tháng 2/2022 với nhiệt độ trung bình từ 8-10 độ C, được đánh giá là một trong những đợt rét hại có nhiệt độ thấp nhất trong vòng 40 năm trở lại đây; mưa lớn ảnh hưởng của bão số 3 với lưu lượng 322,1mm/ngày tại huyện Tiên Yên..., gây nhiều khó khăn cho công tác ứng phó.
Để chủ động ứng phó với thiên tai, hạn chế thấp nhất thiệt hại thiên tai gây ra, bám sát chỉ đạo của tỉnh, thời gian qua các địa phương, đơn vị trong tỉnh đã có nhiều giải pháp, nhất là tăng cường rà soát, nắm chắc địa bàn, xây dựng phương án, kịch bản phòng, chống thiên tai theo từng thời điểm, thực tế từng địa phương.
Đơn cử, TX Quảng Yên nằm ở khu vực cửa sông, phần lớn diện tích của địa phương được bao bọc bởi tuyến đê. Điều kiện tự nhiên này tiềm ẩn nhiều nguy cơ thiệt hại khi có thiên tai. Theo đó, TX Quảng Yên chú trọng kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT&TKCN từ thị xã đến cơ sở; giao nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên phù hợp với từng thời điểm, diễn biến của thiên tai. Đặc biệt, trước mùa mưa bão, thị xã thành lập đoàn kiểm tra, rà soát, đánh giá hiện trạng các công trình đê điều, phòng chống lụt bão trọng điểm và phương án ứng phó thiên tai của các đơn vị; đồng thời, xây dựng, cập nhật kế hoạch và phương án PCTT theo phương châm "4 tại chỗ", trong đó, quan tâm rà soát các hộ dân có nhà ở không đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão để có phương án di dời, đảm bảo an toàn cho người và tài sản. Đối với khu vực Hà Nam, thị xã yêu cầu xây dựng chi tiết phương án di dân tại chỗ và di dân sang các phường, xã khu vực Hà Bắc khi có thiên tai; có phương án hoàn thiện hệ thống thoát nước ứng phó với biến đổi khí hậu khu vực Hà Nam, đảm bảo yêu cầu tiêu thoát nước kịp thời cho các phường, xã khu vực này... Thị xã cũng quan tâm điều chỉnh các quy hoạch, nhất là Quy hoạch khu kinh tế ven biển, quy hoạch chung xây dựng và quy hoạch các phân khu chức năng, quy hoạch của các dự án công nghiệp... để đảm bảo cho công tác phòng ngừa, ứng phó hiệu quả với các hoại hình thế thiên tai thường xuyên xảy ra trên địa bàn.
Với tốc độ đô thị hoá cao, thời gian gần đây, TP Hạ Long thường xảy ra ngập lụt mỗi khi có mưa lớn, gần đây do ảnh hưởng của cơn bão số 3, gây ngập lụt và sạt lở tại một số khu vực khu dân cư. TP Hạ Long đã khẩn trương chỉ đạo rà soát các khu vực, địa điểm có nguy cơ để đánh giá mức độ; hoàn thiện các thủ tục đầu tư các công trình, nhất là tuyến kè ngăn chặn sạt lở ở khu 1 (phường Hà Trung), khu 4B (phường Cao Xanh), khu 4 (phường Cao Thắng), khu 1 (phường Hà Khánh)...; phân bổ kinh phí cho các xã đầu tư, nâng cấp các công trình giao thông, cống tiêu thoát nước, ngầm tràn qua các khe, suối... Thành phố cũng tập trung chỉ đạo đầu tư các công trình hạ tầng đô thị trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2022-2025 của thành phố và các dự án thực hiện theo Nghị quyết số 21-NQ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy Hạ Long...
Trước mức độ nguy hiểm của bão Noru, các địa phương, đơn vị trong tỉnh đã chủ động phương án ứng phó. Theo đó, Thường trực PCLB và TKCN (Chi cục Thủy sản) đã chỉ đạo theo dõi thông tin của bão để kịp thông báo cho các nghiệp đoàn nghề cá, các tổ đội sản xuất và liên lạc trực tiếp bằng điện thoại với các chủ tàu cá hoạt động vùng khơi, thông báo vị trí, hướng di chuyển của bão để các tàu thông tin trong nhóm, tổ đội, nghiệp đoàn. Theo đó, các tàu cá đã nhanh chóng trở về neo đậu các vị trí tránh trú bão an toàn.
Các cơ quan chức năng của tỉnh cũng liên lạc hướng dẫn chủ tàu nắm bắt thông tin để chủ động phòng chống bão; chủ động nắm bắt lịch trình các tàu qua thiết bị giám sát hành trình; phối hợp lực lượng biên phòng nắm địa bàn hỗ trợ việc gia cố, neo buộc phương tiện để chống chịu bão...
Theo thông tin của Trung tâm Khí tượng thuỷ văn quốc gia, dự báo từ nay đến cuối năm 2022, khả năng có khoảng 5-7 cơn bão và áp thấp nhiệt đới trên biển Đông, trong đó nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta từ 2-4 cơn bão. Khả năng không khí lạnh cũng xuất hiện sớm trong tháng 10 này, dự báo nền nhiệt các tháng đầu mùa đông ở các tỉnh miền Bắc thấp hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.
Để chủ động ứng phó với thiên tai, UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương, đơn vị chủ động các biện pháp phòng ngừa, ứng phó và tăng cường phương án phòng chống mưa bão, thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; theo dõi sát diễn biến thời tiết, tình huống thiên tai, nhất là áp thấp nhiệt đới, bão, mưa lớn diện rộng, lũ quét, sạt lở đất..., đảm bảo an toàn cho người dân trong mọi tình huống khi thiên tai xảy ra.
Đồng thời, tăng cường kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ cao; xác định các hình thái thiên tai có khả năng cao xảy ra trên địa bàn để bổ sung phương án ứng phó hiệu quả, nhất là vùng núi, khu mỏ nguy cơ gây lũ, lũ quét, sạt lở đất; vùng biển tiềm ẩn mất an toàn đê điều, tàu thuyền; khu vực đô thị khi mưa lớn khả năng cao gây ngập lụt, sạt lở, gió mạnh gây đổ các kiến trúc, cây xanh... Các thành viên Ban chỉ huy PCTT-TKCN và phòng thủ dân sự tỉnh chủ động nắm địa bàn được phân công, phối hợp tốt với các địa phương trong phòng ngừa, ứng phó với các loại hình thiên tai có thể xảy ra.
Nguyễn Huế
Liên kết website
Ý kiến ()