Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 25/12/2024 20:10 (GMT +7)
Kiên quyết, xử lý nghiêm các dự án chậm tiến độ, vi phạm pháp luật
Thứ 6, 05/08/2022 | 08:17:25 [GMT +7] A A
Thay mặt cử tri thành phố Uông Bí, tại kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh khóa XIV, đại biểu Thượng tọa Thích Đạo Hiển, Tổ đại biểu thành phố Uông Bí chất vấn: Trong những năm qua, thực hiện chủ trương, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã thường xuyên tiến hành rà soát, xử lý các dự án có sử dụng đất chậm tiến độ vi phạm pháp luật nhưng đến nay kết quả đạt được không có nhiều chuyển biến tích cực. Việc cập nhật, theo dõi, kiểm soát tiến độ thực hiện các dự án trên phần mềm quản lý dự án đến nay không hiệu quả, nhiều dự án chậm tiến độ kéo dài nhiều năm, gây lãng phí nguồn lực đất đai nhưng đến nay chậm được xử lý, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân trong phạm vi GPMB dự án, gây bức xúc trong dư luận, nhân dân. Đề nghị đồng chí Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết về kết quả rà soát, xử lý dự án chậm tiến độ, vi phạm pháp luật của tỉnh trong thời gian qua. Đến nay toàn tỉnh còn bao nhiêu dự án chậm tiến độ, quá thời hạn thực hiện phải thu hồi; bao nhiêu dự án chậm, đã tiến hành rà soát, có cam kết tiến độ và kết quả thực hiện cam kết tiến độ của chủ đầu tư đến nay như thế nào; bao nhiêu chủ trương, địa điểm, quy hoạch đã hết thời gian hiệu lực cần hủy bỏ; làm rõ đến bao giờ thì hoàn thành việc rà soát, xử lý, thu hồi các dự án, chủ trương, quy hoạch chậm tiến độ, vi phạm pháp luật; giải pháp để kiểm soát tiến độ thực hiện các dự án mà nhân dân, cử tri có thể cùng theo dõi, giám sát để không xảy ra tình trạng chậm tiến độ như hiện nay.
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Trần Như Long trả lời:
Nhằm sử dụng tiết kiệm, hiệu quả bền vững nguồn tài nguyên đất đai, những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh luôn đặc biệt quan tâm và thường xuyên chỉ đạo quyết liệt đối với công tác rà soát, xử lý các dự án chậm tiến độ, vi phạm pháp luật, không còn phù hợp với định hướng phát triển mới của tỉnh.
Để triển khai đồng bộ, có hiệu quả, UBND tỉnh đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường làm đầu mối tổng hợp báo cáo chung và chủ trì kiểm tra, rà soát đối với các dự án đã được giao đất, cho thuê đất; Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì kiểm tra, rà soát đối với các dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư/cấp giấy chứng nhận đầu tư; Sở Xây dựng chủ trì kiểm tra, rà soát đối với các dự án đã được phê duyệt địa điểm, quy hoạch dự án; Ban Quản lý khu kinh tế chủ trì kiểm tra, rà soát các dự án trong khu kinh tế, khu công nghiệp; UBND các huyện, thị xã, thành phố thường xuyên rà soát cập nhật thông tin về tiến độ triển khai thực hiện dự án trên hệ thống phần mềm quản lý các dự án chậm tiến độ. Thông qua đó, các sở, ban, ngành và UBND các địa phương có trách nhiệm xác định rõ hành vi vi phạm, nguyên nhân chậm tiến độ, năng lực tài chính của chủ đầu tư, trách nhiệm của các cơ quan có liên quan và đề xuất biện pháp xử lý đối với từng dự án cụ thể.
Định kỳ (6 tháng một lần) Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh nghe báo cáo kết quả rà soát và có ý kiến chỉ đạo xử lý đối với từng nhóm dự án (chậm dưới 1 năm, chậm từ 1-2 năm, chậm từ 2-5 năm và chậm trên 5 năm) đảm bảo theo đúng chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, đảm bảo lợi ích của Nhà nước, quyền lợi ích chính đáng của người dân và doanh nghiệp.
Kết quả đến nay, Sở Tài nguyên và Môi trường đã thanh kiểm tra trình UBND tỉnh thu hồi đất đối với 432 dự án, với tổng diện tích 12.000 ha (trong đó có 124 dự án chậm tiến độ, 300 dự án hết thời hạn thuê đất không được gia hạn hoặc tự nguyện trả lại đất).
Các sở, ban, ngành đã chấm dứt hoạt động đầu tư đối với 135 dự án; thu hồi, hủy bỏ 87 quy hoạch, 162 địa điểm.
Thu hồi các dự án chậm tiến độ, vi phạm pháp luật là việc làm rất khó khăn, phức tạp, đan xen lợi ích. Song với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, hiện nay công tác thu hồi các dự án vi phạm pháp luật đã có nhiều chuyển biến tích cực, các dự án chậm tiến độ, vi phạm pháp luật đang có chiều hướng giảm xuống, các chủ đầu tư đã dần thay đổi nhận thức, tập trung mọi nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án. Qua đó đã góp phần ngăn chặn được tình trạng đầu cơ, trục lợi, gây lãng phí về nguồn lực đất đai, đặc biệt là vẫn giữ được tính ổn định và môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, việc xử lý các dự án chậm tiến độ vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc cụ thể như: Sau khi có quyết định thu hồi đất, chủ đầu tư không bàn giao đất cho địa phương quản lý, đề nghị được bồi thường tài sản trên đất đã đầu tư, có đơn thư khiếu kiện chưa được giải quyết dứt điểm. Một số dự án phải chờ quy hoạch chung/quy hoạch phân khu được phê duyệt (Hạ Long, Đầm Hà, Quảng Yên, Đông Triều... đang hoàn thành việc lập, thẩm định, trình phê duyệt/điều chỉnh quy hoạch chung, quy hoạch phân khu) mới có cơ sở xử lý tiếp theo. Một số dự án đã chậm tiến độ đưa đất vào sử dụng nhiều năm trong khi chủ đầu tư không đủ năng lực tài chính để triển khai tiếp, không tự nguyện trả lại đất cho nhà nước, nếu thu hồi ngay sẽ không đảm bảo quy định của pháp luật đất đai, phát sinh đơn thư khiếu kiện, nhưng nếu gia hạn tiến độ sử dụng đất thì dự án sẽ tiếp tục kéo dài, làm ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội, thông thường thì các dự án này đã triển khai thực hiện được một số hạng mục công trình chính của dự án và đưa đất vào sử dụng, còn lại một số hạng mục công trình khác chưa đầu tư thực hiện, theo quy định tại Điểm i, Khoản 1, Điều 64 Luật Đất đai năm 2013 thì phải thu hồi toàn bộ dự án, chứ không thu hồi một phần diện tích của dự án, dẫn đến khó khăn trong công tác thu hồi đất.
Để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu cho UBND tỉnh các giải pháp sau: Tiếp tục triển khai quyết liệt có hiệu quả các thông báo, kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, tiếp tục kiểm tra rà soát làm rõ trách nhiệm, nguyên nhân và có biện pháp xử lý dứt điểm đối với từng dự án cụ thể, đồng thời gắn trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu địa phương và các sở ngành liên quan.
UBND các địa phương phải tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường, GPMB để sớm bàn giao đất cho chủ đầu tư thực hiện; đối với các dự án còn một phần diện tích nhỏ không thể GPMB, không ảnh hưởng đển tổng thể của dự án thì xem xét điều chỉnh quy hoạch, đôn đôc chủ đầu tư nghiệm thu, bàn giao hạ tầng, kết thúc dự án.
Các sở, ngành và UBND các địa phương cần nâng cao chất lượng thẩm định đối với các dự án đầu tư mới, đặc biệt về năng lực tài chính, rà soát kỹ những chủ đầu tư chưa vi phạm pháp luật về đất đai trên địa bàn toàn quốc để giao làm chủ đầu tư thực hiện dự án.
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng phần mềm quản lý dự án; UBND các địa phương phải thường xuyên cập nhật dữ liệu thông tin đối với từng dự án cụ thể; kịp thời đôn đốc, giám sát, phát hiện và xử lý theo quy định của pháp luật.
Không tiếp nhận sản phẩm hồ sơ quy hoạch từ các tổ chức, cá nhân. UBND các địa phương và các cơ quan chức năng của nhà nước cần bố trí kinh phí từ ngân sách thực hiện lập, phê duyệt các đồ án quy hoạch để lựa chọn nhà đầu tư theo quy định pháp luật về đất đai, đầu tư. Yêu cầu thường xuyên rà soát các địa điểm, quy hoạch đã được phê duyệt (đã 03 năm đã đến thời kỳ rà soát) để tham mưu, đề xuất thu hồi địa điểm, hủy bỏ quy hoạch (nếu không còn phù hợp với định hướng quy hoạch chung, quy hoạch phân khu) theo quy định Luật Quy hoạch và Luật Xây dựng.
Ngọc Ánh (biên soạn)
Liên kết website
Ý kiến ()