Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 01:02 (GMT +7)
Giảm thiểu rác thải nhựa để phát triển du lịch Việt Nam bền vững
Thứ 6, 17/02/2023 | 07:51:04 [GMT +7] A A
Du lịch đã góp phần vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đóng góp vào mức tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế Việt Nam, tuy nhiên hoạt động của du khách cũng góp phần làm tăng rác thải nhựa.
Việt Nam bị đánh giá là quốc gia có lượng lớn rác thải nhựa xả ra biển. Việt Nam có 4 chỉ số bị xếp hạng thấp nhất là Y tế và vệ sinh, xếp hạng 73; Hạ tầng dịch vụ du lịch xếp hạng 86; Mức độ ưu tiên cho ngành du lịch, xếp hạng 87; Sự bền vững cho môi trường, xếp hạng 4.
Thông tin trên được tiến sỹ Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, Tổng cục du lịch đưa ra nhân Chương trình khởi động dự án giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch Việt Nam vào ngày 16/2.
Dự án hướng đến việc thúc đẩy các hoạt động giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch, góp phần bảo vệ môi trường, phát triển du lịch cũng như kinh tế bền vững.
Dự án kéo dài từ ngày 1/1/2023 đến ngày 30/6/2024, được thực hiện với sự phối hợp của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch, Sở Du lịch Ninh Bình, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Nam, Hiệp hội Du lịch Ninh Bình, Quảng Nam, chính quyền các xã triển khai dự án.
Dự án gồm 3 hợp phần. Đó là truyền thông nâng cao nhận thức về giảm rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch; thí điểm áp dụng các giải pháp, sáng kiến giảm thiểu rác thải nhựa tại một số khu, điểm du lịch ở 2 tỉnh Ninh Bình, Quảng Nam; xây dựng kế hoạch hành động giảm thiểu rác thải nhựa trong ngành du lịch và ứng dụng (app) quản lý rác thải nhựa đối với doanh nghiệp du lịch.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Hà Văn Siêu cho biết, những năm gần đây, ngành du lịch tăng trưởng đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đóng góp tích cực vào mức tăng trưởng chung.
Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam cũng nêu rõ: Phát triển du lịch luôn gắn với bảo vệ môi trường, coi chất lượng môi trường là yếu tố hấp dẫn của du lịch. Phó Tổng cục trưởng kỳ vọng các giải pháp, sáng kiến giảm thiểu rác thải nhựa được triển khai tại Ninh Bình và Quảng Nam sẽ hiệu quả, trở thành điểm nhấn để nhân rộng trên phạm vi cả nước...
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình chia sẻ, dự án là hướng tới những người sản sinh nguồn rác thải nhựa như người kinh doanh, hoạt động trong lĩnh vực du lịch, du khách... Các chiến dịch truyền thông, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi hướng tới giảm rác thải nhựa trong du lịch sẽ được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, doanh nghiệp, người dân, khách du lịch.
Theo ban tổ chức, ô nhiễm rác thải nhựa đang là vấn đề thách thức lớn trên toàn cầu, gây ra tác động rất nguy hại tới môi trường, đặc biệt là môi trường biển. Nhằm quản lý hiệu quả và giảm thiểu ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa, các quốc gia trên thế giới, tổ chức quốc tế đã có chiến dịch, sáng kiến ở nhiều cấp độ khác nhau nhằm sớm hiện thực hoá các mục tiêu của Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc về phát triển bền vững.
Ngày càng có nhiều quốc gia nêu ra sáng kiến tuyên bố khu vực nhằm kêu gọi hành động toàn cầu về ô nhiễm nhựa, xem xét các yếu tố có tính ràng buộc về mặt pháp lý.
Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề rác thải nhựa, ngày 16/8/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1407/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Việt Nam chủ động chuẩn bị và tham gia xây dựng Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa đại dương.
Tăng trưởng của ngành du lịch nước ta đã góp phần vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đóng góp vào mức tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế. Tuy nhiên, hoạt động của du khách cũng góp phần làm tăng rác thải nhựa ra môi trường. Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã chủ động huy động các nguồn lực, sự tham gia của các doanh nghiệp trong hành động giảm thiểu rác thải nhựa.../.
Theo TTXVN/Vietnam+
Liên kết website
Ý kiến ()