Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 14:20 (GMT +7)
Bộ LĐTB&XH trả lời kiến nghị về giảm tuổi nghỉ hưu đối với một số nghề đặc thù
Thứ 6, 03/11/2023 | 08:50:00 [GMT +7] A A
Cử tri Quảng Ninh kiến nghị: “Đề nghị xem xét giảm tuổi nghỉ hưu xuống 55 đối với nữ và 60 đối với nam cho các công nhân lao động trực tiếp tại các khu công nghiệp, làm các công việc nặng nhọc, độc hại, giáo viên mầm non... nhằm hạn chế việc rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần và người lao động có cơ hội nhận lương hưu để trang trải cuộc sống khi về già”.
“Đề nghị sửa đổi Luật BHXH theo hướng tách quy định độ tuổi hưởng lương hưu của nhóm đối tượng là công chức, viên chức, lao động khối hành chính - sự nghiệp với nhóm đối tượng người lao động khối sản xuất, kinh doanh; trong đó công nhân lao động khối sản xuất, kinh doanh được hưởng lương hưu khi đủ 60 tuổi đối với nam và 55 tuổi đối với nữ và giáo viên mầm non cần được nghỉ hưu ở độ tuổi 55, nữ giáo viên trung học cơ sở, trung học phổ thông là 58 tuổi. Thực tế hiện nay, điều kiện lao động của công nhân lao động có mức độ nặng nhọc hơn, dẫn đến việc suy giảm sức khỏe lao động nhanh hơn; còn đối với giáo viên trong các cơ sở giáo dục, nhất là giáo viên mầm non đòi hỏi sự trẻ khỏe để chăm sóc các cháu tốt hơn. Việc thực hiện tuổi hưởng lương hưu theo tuổi nghỉ hưu quy định tại Bộ luật Lao động (tăng dần theo lộ trình đến mốc nam 62 tuổi, nữ 60 tuổi) đối với người lao động trong các doanh nghiệp và giáo viên rất bất hợp lý; đa số người lao động sẽ không thể làm việc đến khi đủ tuổi nghỉ hưu mà sẽ phải nghỉ trước tuổi và bị trừ tỷ lệ hưởng lương hưu (mỗi năm bị trừ 2%); gây thiệt thòi lớn cho người lao động. Kiến nghị Chính phủ chỉ đạo việc đánh giá và nghiên cứu, báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét, sửa đổi, bổ sung, quy định cho hợp lý”.
“Đề nghị nghiên cứu xem xét điều chỉnh độ tuổi nghỉ hưu đối với giáo viên mầm non và giáo viên các cấp học tiểu học và trung học cơ sở; cán bộ xã, phường thuộc vùng sâu, vùng xa, hải đảo; công nhân lao động làm ở lĩnh vực ngành nghề độc hại. Theo Bộ luật Lao động năm 2019 và theo lộ trình quy định tại Điều 4 Nghị định số 135/2020/NĐ-CP quy định về tuổi nghỉ hưu trong điều kiện lao động bình thường thì năm 2023 tuổi nghỉ hưu của lao động nữ là 56 tuổi và tăng dần đến năm 2035 trở đi, giáo viên nữ nghỉ hưu ở 60 tuổi. Trên thực tế, ở độ tuổi này điều kiện sức khỏe và kỹ năng để bảo đảm việc giảng dạy rất hạn chế, đặc biệt đối với giáo viên mầm non phải dạy dỗ, chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ nhỏ từ 18 tháng đến dưới 6 tuổi, phải dạy hát, múa, 60 tuổi mới được nghỉ hưu là không phù hợp, không bảo đảm sức khỏe và kỹ năng để dạy trẻ mầm non”.
"Việc sửa đổi Luật BHXH thì cách tính BHXH còn nhiều bất cập như tuổi nghỉ hưu của công nhân tại các xưởng, xí nghiệp sản xuất, công trường xây dựng,... thì đến 50-55 tuổi người lao động không còn đủ sức khỏe để làm việc. Người lao động phải chờ đến đủ tuổi mới được nhận lương hưu, trong khi không thể duy trì công việc đến lúc nghỉ hưu. Cử tri kiến nghị giảm tuổi hưởng lương hưu của công nhân lao động”.
"Theo quy định của Bộ luật Lao động (sửa đổi) thì người lao động được nghỉ hưu khi đủ 62 tuổi đối với nam và 60 tuổi đối với nữ và được thực hiện theo lộ trình cụ thể quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định số 135/2020/NĐ-CP ngày 18/11/2020. Tuy nhiên, do tính chất và đặc thù công việc giữa các ngành, nghề có sự khác nhau. Do vậy, cử tri đề nghị nghiên cứu điều chỉnh áp dụng theo từng đối tượng cho phù hợp. Theo đó, đối với người lao động là cán bộ, công chức, viên chức thì áp dụng tuổi nghỉ hưu là 60 tuổi đối với lao động nữ, 62 tuổi đối với lao động nam; đối với đối tượng là công nhân lao động thì áp dụng tuổi nghỉ hưu là 55 tuổi đối với lao động nữ và 60 tuổi đối với lao động nam”.
"Đề nghị cần nghiên cứu, đề xuất cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh độ tuổi nghỉ hưu thấp hơn so với quy định hiện hành đối với công chức, viên chức và người lao động công tác trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, vì đặc thù công việc phải thường xuyên làm việc tại các địa bàn rừng núi, vùng sâu, vùng xa..., điều kiện và môi trường làm việc ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của người lao động”.
"Căn cứ Điều 169 Bộ luật Lao động năm 2019, người lao động bảo đảm điều kiện về thời gian đóng BHXH theo quy định của pháp luật về BHXH được hưởng lương hưu khi đủ tuổi về hưu. Theo đó, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.
Cử tri đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu trình cấp có thẩm quyền xem xét điều chỉnh quy định giảm độ tuổi nghỉ hưu với đối tượng công tác lĩnh vực có tính chất đặc thù như đội ngũ giáo viên mầm non, công tác tại các tỉnh miền núi, vùng đặc biệt khó khăn. Kiến nghị giữ nguyên độ tuổi nghỉ hưu là 55 tuổi”.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trả lời như sau:
Chế độ hưu trí hay được gọi là chế độ tuổi già, là một trong các chế độ của chính sách BHXH nhằm đảm bảo nguồn thu nhập hàng tháng cho người lao động khi về già (đến tuổi nghỉ hưu).
Theo quy định của pháp luật về BHXH, người lao động để được hưởng lương hưu hàng tháng phải đáp ứng đồng thời hai điều kiện về tuổi đời và điều kiện về thời gian đóng BHXH nhằm đảm bảo hài hòa, cân đối giữa thời gian đóng góp và thời gian thụ hưởng chế độ BHXH của người lao động, từ đó đảm bảo cân đối và bền vững lâu dài của Quỹ BHXH.
Vấn đề tuổi nghỉ hưu đã được thảo luận, thống nhất thông qua tại Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII. Thể chế hóa chủ trương tăng tuổi nghỉ hưu tại Nghị quyết số 28-NQ/TW, Quốc hội đã thống nhất ban hành Bộ luật Lao động năm 2019, trong đó Điều 169 và Điều 219 quy định về tuổi nghỉ hưu, điều kiện về tuổi hưởng lương hưu.
Trong quá trình nghiên cứu, xây dựng Bộ luật Lao động năm 2019, vấn đề tuổi nghỉ hưu đã được trao đổi, thảo luận, đánh giá một cách kỹ lưỡng, tổng thể các mặt có liên quan. Vì vậy, Bộ luật Lao động năm 2019 quy định việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu hay điều kiện về tuổi hưởng lương hưu của người lao động không thực hiện tăng ngay lên 62 tuổi đối với nam và 60 tuổi đối với nữ mà được điều chỉnh theo lộ trình mỗi năm chỉ tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam và 4 tháng đối với lao động nữ. Bên cạnh đó, việc tăng tuổi nghỉ hưu cũng đã xem xét tính đến các yếu tố về tính chất, loại hình lao động và sức khỏe của người lao động, đối với những người lao động làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn hoặc những người lao động sức khỏe yếu (bị suy giảm khả năng lao động) thì cũng có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn so với người làm việc trong điều kiện lao động bình thường (nghỉ hưu sớm hơn tối đa 5 tuổi hoặc 10 tuổi tùy từng trường hợp).
Trong thời gian tới, trên cơ sở đề xuất của các bộ, ngành, địa phương, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, rà soát để sửa đổi, bổ sung danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm nhằm đảm bảo thực hiện tốt các chế độ, chính sách cho người lao động, trong đó có việc làm cơ sở xét điều kiện về tuổi hưởng lương hưu của người lao động.
Hà Thanh (biên soạn)
Liên kết website
Ý kiến ()