Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 10:07 (GMT +7)
Giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám tại khu vực miền Đông tỉnh Quảng Ninh
Thứ 3, 25/07/2023 | 09:39:01 [GMT +7] A A
Theo Lịch sử Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Quảng Ninh (1928-1945), ở khu vực miền Đông của tỉnh (thuộc tỉnh Hải Ninh cũ), ngay sau khi Nhật đầu hàng Đồng minh, bọn Việt Cách và bọn phỉ người Hoa đã chiếm đóng ở nhiều nơi, đến cuối tháng 9 năm 1945, một số quân Tưởng đã kéo vào. Vì vậy, ta phải dùng một lực lượng quân sự tương đối mạnh phối hợp với lực lượng quần chúng tại chỗ tiến đánh tiêu diệt bọn phản động và bọn phỉ người Hoa để lập chính quyền cách mạng.
Về thực chất ở khu vực miền Đông của tỉnh, ta đã giành chính quyền không phải từ tay bọn bù nhìn thân Nhật, mà từ tay bọn phản động theo Tưởng. Việc cướp chính quyền phải giành đi giật lại nhiều lần, diễn ra rất gay go, quyết liệt.
Tháng 9 năm 1945, quân giải phóng chiến khu Trần Hưng Đạo (lúc này đã được bổ sung vào lực lượng quân sự của Khu 3) được giao nhiệm vụ ra giải phóng các huyện miền Đông. Bộ đội ta nhanh chóng gây cơ sở trong nhân dân các dân tộc, lập được một số tiểu đội du kích. Nhân dân hết lòng ủng hộ bộ đội, có người còn lấy được súng đạn của địch cho bộ đội. Trong tình hình thù trong giặc ngoài rất phức tạp, ta phải cử người đến thương lượng với quân Tưởng. Trước sức mạnh của quần chúng và trước thắng lợi của ta ở toàn quốc, quân Tưởng buộc phải tuyên bố không can thiệp vào công việc nội bộ của ta.
Đầu tháng 10 năm 1945, quân và dân Tiên Yên tiến đánh huyện lỵ, bọn phỉ người Hoa phải rút chạy về Đầm Hà, ta đã chiếm được huyện lỵ. Nhưng lực lượng của bọn Việt Cách và bọn phỉ khá đông, nên chỉ vài ngày sau, chúng trở lại đánh chiếm Tiên Yên. Quân ta tạm thời phân tán về các xã trong vùng.
Giữa tháng 10 năm 1945, được chi viện thêm lực lượng, quân ta đánh chiếm lại Tiên Yên. Lúc này, quân Tưởng cũng đã rút về Hà Cối. Bọn Việt Cách và bọn phỉ hết chỗ dựa và thấy lực lượng ta mạnh, nên chúng phải rút chạy. Tiên Yên hoàn toàn được giải phóng, ta tổ chức mít tinh, tuyên bố thành lập Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời huyện Tiên Yên và công bố đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ.
Ngày 18 tháng 11 năm 1945, Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời huyện Đình Lập đã được thành lập.
Sau khi chính quyền cách mạng được thành lập ở Tiên Yên và Đình Lập, cán bộ ta đã lên Bình Liêu, tuyên truyền chính sách của Mặt trận Việt Minh trong nhân dân và thành lập Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời huyện Bình Liêu vào cuối tháng 11 năm 1945. Đồng bào các dân tộc nhiệt liệt hoan nghênh chính quyền cách mạng, hăng hái tham gia các đoàn thể Việt Minh và dân quân du kích. Người dân ra sức bảo vệ bản làng, trừ gian, tiễu phỉ, giúp đỡ bộ đội, cán bộ ta hoạt động.
Vào hạ tuần tháng 1 năm 1946, quân Giải phóng phối hợp với dân quân du kích 3 huyện Tiên Yên, Đình Lập, Bình Liêu, tiến đánh bọn phỉ ở Đầm Hà. Nhân dân rất phấn khởi, hết lòng ủng hộ lực lượng vũ trang ta và tham gia truy quét bọn phỉ. Trước sức tiến công mạnh mẽ của ta, bọn phỉ bị thua đau phải rút chạy về Hà Cối. Huyện Đầm Hà được hoàn toàn giải phóng. Ngày 27 tháng 1 năm 1946, Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời huyện Đầm Hà được thành lập.
Như thế là đến cuối tháng 1 năm 1946, quá một nửa số huyện ở tỉnh Hải Ninh (cũ) đã được giải phóng và thành lập chính quyền cách mạng. Một yêu cầu bức thiết lúc này là phải có cơ quan chính quyền cấp tỉnh để chỉ đạo Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời các huyện, nhằm phát huy và bảo vệ những thành quả cách mạng đã giành được. Đầu tháng 2 năm 1946, Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh Hải Ninh đã ra đời, đáp ứng kịp thời nguyện vọng của nhân dân các dân tộc trong tỉnh, đồng bào rất vui mừng, phấn khởi. Song, chính quyền cách mạng tỉnh Hải Ninh lúc này cũng chưa quản lý được các địa bàn trong tỉnh. Các huyện Móng Cái, Hà Cối, Ba Chẽ vẫn còn bị bọn Việt Cách và bọn phi người Hoa chiếm đóng.
Trừ Hà Cối và Ba Chẽ, do tương quan lực lượng giữa ta và địch, trong Cách mạng tháng Tám ta chưa giành được chính quyền, nơi gặp khó khăn và phức tạp nhất trong việc giành chính quyền ở miền Đông của tỉnh vẫn là huyện Móng Cái (tức TP Móng Cái ngày nay).
Tháng 4 năm 1946, bộ đội ta có 3 tiểu đoàn, một tiểu đoàn quân chính quy và hai tiểu đoàn quân du kích, tiến từ Tiên Yên, Đầm Hà ra Móng Cái. Được nhân dân tại đây tích cực ủng hộ, quân ta đánh chiếm được gần hết thị xã, tiến đến sát cầu Bắc Luân. Song, do lực lượng quá chênh lệch, quân ta đã rút ra xã Trà Cổ, Bình Ngọc và một số xã ven biển. Được nhân dân các xã này nuôi nấng, đùm bọc, các đơn vị quân ta đã hành quân an toàn về Tiên Yên, Đầm Hà.
Quân ta vừa rút đi, quân Tưởng, bọn Việt Cách và bọn phỉ người Hoa tràn ra các xã người Kinh tàn sát nhân dân, kích động hận thù dân tộc. Chính phủ ta đã kịch liệt phản đối hành động ngang ngược đó của quân Tưởng và bọn phản động. Nhân dân ta rất căm thù bọn địch, đoàn kết chặt chẽ chống lại chúng và một lòng hướng về Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa và bộ đội cách mạng, nên âm mưu đen tối của chúng bị thất bại.
Trước sức mạnh đấu tranh của quần chúng cách mạng với những chủ trương, biện pháp cực kỳ sáng suốt của Trung ương Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, quân Tưởng phải rút về nước, bọn Việt Cách và bọn phỉ người Hoa hết chỗ dựa cũng phải cuốn gói chạy theo. Tháng 7 năm 1946, Chính phủ ta cử cán bộ ra cùng với địa phương lập chính quyền cách mạng. Lúc này, do phải làm công tác ngoại giao với chính quyền Tưởng và phân hóa bọn Việt Cách, nên mặc dù chính quyền cấp tỉnh của ta đã được lập ở huyện Tiên Yên, ta vẫn lập Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh Hải Ninh ở Móng Cái, trong đó có một vài phần tử tiến bộ trong tổ chức Việt Cách tham gia.
Như vậy, thời kỳ này, ở Hải Ninh có hai chính quyền cấp tỉnh cùng tồn tại, nhưng về thực chất Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh Hải Ninh được lập ở Móng Cái chỉ nhằm giải quyết vấn đề sách lược mềm dẻo với kẻ thù và chỉ quản lý trong phạm vi huyện Móng Cái. Ủy ban này cũng chỉ tồn tại trong một thời gian rất ngắn, cho đến khi quân Pháp đổ bộ vào thị xã Móng Cái để tiến hành xâm chiếm tỉnh Hải Ninh.
Tóm lại, sau gần một năm trời, ta mới lập được chính quyền cách mạng ở hầu hết các địa phương trong tỉnh. Điều đó chứng tỏ việc lập chính quyền cách mạng ở Quảng Ninh diễn ra rất gay go, phức tạp và có những điểm rất khác so ra với nhiều nơi trong nước.
Ở đây, ta không những chỉ phải đối phó với quân Nhật và bọn bù nhìn thân Nhật, với quân Tưởng và bọn phản động theo Tưởng, mà còn phải đối phó với bọn phỉ và tàn quân Pháp. Vì vậy, có nơi ta giành chính quyền từ tay bọn bù nhìn tay sai của Nhật, có nơi ta giành chính quyền từ tay bọn Việt Cách tay sai của Tưởng, có nơi ta lại phải giành giật với địch vài ba lần mới lập được chính quyền cách mạng. Thậm chí có nơi như huyện Hà Cối, huyện Ba Chẽ, đảo Vạn Hoa, đảo Cô Tô (thuộc huyện Vân Đồn ngày nay) mãi đến khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp nổ ra, ta vẫn chưa lập được chính quyền cách mạng.
Mặc dù cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Quảng Ninh đã không giành được thắng lợi hoàn toàn trên khắp các địa bàn trong tỉnh song nó vẫn là một thắng lợi hết sức to lớn chưa từng có trong lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Quảng Ninh; có ý nghĩa vô cùng sâu sắc về nhiều mặt, nổi bật nhất là công nhân và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, từ người nô lệ, làm thuê với nỗi tủi nhục, cay đắng của người dân mất nước, nay đã trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình.
Thu Hoài (Tổng hợp)
Liên kết website
Ý kiến ()