Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 15/01/2025 17:26 (GMT +7)
Giáo dục di sản ở thành phố bên bờ di sản
Chủ nhật, 18/08/2024 | 10:56:40 [GMT +7] A A
Giáo dục thông qua việc tổ chức hoạt động trải nghiệm tại các di tích văn hóa, hay các hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm địa phương là những cách làm hữu ích, thiết thực nhằm khai thác tiềm năng, quảng bá giá trị di sản của TP Hạ Long cũng như khơi dậy, bồi đắp tình yêu quê hương cho thế hệ trẻ.
TP Hạ Long hiện có gần 100 di tích lịch sử, văn hóa, thắng cảnh và là vùng đất có bản sắc văn hóa độc đáo. Đặc biệt, nhiều di tích như đền Đức Ông Trần Quốc Nghiễn, Bài Thơ cổ dưới chân núi Bài Thơ, chùa Long Tiên, đền thờ vua Lê Thái Tổ... đã được nhắc nhiều qua bài học trên lớp, các tài liệu giáo dục văn hóa, lịch sử, địa lý của địa phương.
Tuy nhiên, việc được tận mắt thấy dấu tích, được nghe thuyết minh trực tiếp tại các di tích sẽ sinh động hơn, giúp các em nhớ lâu hơn và càng hiểu thêm, tự hào thêm về lịch sử, thêm yêu quê hương đất nước.
Nhiều trường học trên địa bàn thành phố đã rất tích cực tổ chức các chương trình ngoại khóa cho học sinh. Trường THCS Lê Văn Tám là một trong những trường tiên phong đi đầu trong việc lựa chọn những “địa chỉ đỏ” mang ý nghĩa lịch sử, văn hóa của thành phố, hoặc là đưa học sinh đến bảo tàng để giáo dục di sản. Thông qua việc tham quan, tìm hiểu, trải nghiệm tại các di tích lịch sử giúp các em thêm yêu nơi mình sinh sống, từ đó nâng cao trách nhiệm trong công tác bảo vệ, giữ gìn, tôn tạo, phát huy giá trị của di tích.
Cô giáo Nguyễn Thùy Chi, Trường THCS Lê Văn Tám, chia sẻ: Những năm qua, Trường THCS Lê Văn Tám rất chú trọng đến việc tổ chức các hoạt động ngoại khoá, nhằm phát huy năng lực toàn diện, kỹ năng sống cho học sinh. Để từ đó chúng tôi có thể giúp học sinh hình thành tình yêu với di sản văn hóa của thành phố và ý thức chung tay bảo vệ các di tích lịch sử trên địa bàn.
Cùng với tham quan, tìm hiểu thực tế tại các di tích lịch sử, văn hóa, nhiều trường học của thành phố cũng tổ chức các hoạt động quảng bá sản phẩm vùng miền để lan tỏa những giá trị văn hóa tốt đẹp của địa phương, phát triển du lịch. Cùng với kiến thức từ sách vở, những trải nghiệm thực tế sẽ giúp thế hệ trẻ tiếp thu nhiều điều bổ ích, góp phần giáo dục lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc và kích cầu hoạt động du lịch tại địa phương.
Các giá trị văn hóa phi vật thể cũng được học sinh nâng niu, gìn giữ. Tuổi trẻ TP Hạ Long đã có nhiều cách làm chủ động sáng tạo cùng chung tay bảo tồn và phát huy giá trị di sản gắn với phát triển du lịch. Đoàn Thanh niên xã Bằng Cả và Hội Liên hiệp Phụ nữ xã phối hợp tổ chức lớp dạy thêu, may trang phục dân tộc cho thanh thiếu nhi, học sinh, người dân trên địa bàn tại Khu Bảo tồn văn hoá người Dao Thanh Y. Lớp học có nhiều độ tuổi tham gia, chủ yếu các em từ 10-15 tuổi. Với 3 buổi/tuần, duy trì từ đầu tháng 7 đến nay, các em đã được các nghệ nhân hướng dẫn thuần thục kỹ năng thêu các họa tiết cơ bản.
Không riêng xã Bằng Cả, mô hình CLB thêu may trang phục dân tộc còn được Đoàn Thanh niên phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ các xã Đồng Lâm, Đồng Sơn, Kỳ Thượng tổ chức. Ngoài ra còn có các mô hình CLB hát then - đàn tính của dân tộc Tày xã Dân Chủ, mô hình khu du lịch Kỳ Thượng Am Váp farm (xã Kỳ Thượng) của thành viên CLB Đầu tư và khởi nghiệp TP Hạ Long với các hoạt động trải nghiệm, khám phá những nét văn hóa truyền thống, kiến trúc, đời sống sinh hoạt, phong tục, tập quán của đồng bào dân tộc Dao Thanh Phán.
Tuổi trẻ toàn thành phố cũng đã tiên phong ứng dụng chuyển đổi số trong xây dựng và triển khai gắn mã QR các địa chỉ đỏ, di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn, nhằm cung cấp thông tin, thuyết minh tự động trong quảng bá văn hóa, du lịch cho học sinh. Nhìn chung, các hoạt động giáo dục di sản đã giúp thế hệ trẻ hiểu sâu sắc hơn về truyền thống văn hóa, lịch sử cách mạng, quyết tâm thi đua, học tập và ra sức xây dựng TP Hạ Long thêm giàu đẹp.
Huỳnh Đăng
Liên kết website
Ý kiến ()