Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 23/11/2024 01:43 (GMT +7)
Giao khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân - Vì sao khó triển khai?
Thứ 2, 21/03/2022 | 09:34:30 [GMT +7] A A
Ngày 30/3/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định 11/2021/NĐ-CP quy định việc giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác sử dụng tài nguyên biển. Nghị định này được đánh giá là khắc phục những tồn tại, bất cập của Nghị định số 51/2014/NĐ-CP của Chính phủ ban hành tháng 5/2014, khi đã đẩy mạnh phân cấp thẩm quyền giao khu vực biển cho chính quyền địa phương, mở rộng thẩm quyền của UBND cấp tỉnh ra đến 6 hải lý so với trước đây chỉ đến 3 hải lý; thêm thẩm quyền giao khu vực biển cho UBND cấp huyện đối với NTTS.
Theo định hướng của tỉnh, đến năm 2025, tổng diện tích khu vực biển nuôi là 8.820ha với tổng sản lượng nuôi khoảng 110.000 tấn, tốc độ tăng trưởng bình quân 9%/năm. Trong đó, từ 3 hải lý trở vào bờ là đạt khoảng 3.800ha; từ 3-6 hải lý là khoảng 4.820ha; từ 6 hải lý trở ra là 200ha. Để đạt được mục tiêu trên, việc giao khu vực biển cho các tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển theo Nghị định 11 được cho là sẽ giúp sử dụng hợp lý tài nguyên biển, nâng cao hiệu quả của sự phát triển kinh tế biển.
Tuy nhiên, kể từ khi có Nghị định 11 đến nay, Sở TN&MT chưa nhận được hồ sơ đề nghị giao khu vực biển của tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng khu vực biển để NTTS trên biển. UBND các địa phương vẫn chưa thực hiện việc giao các khu vực biển cho cá nhân.
Qua công tác rà soát, tổng hợp, đánh giá của Sở NN&PTNT, một trong những vướng mắc dẫn đến việc chưa thực hiện giao khu vực biển là do việc giao khu vực biển hiện tại vẫn dựa vào quy hoạch ngành, địa phương, thế nhưng các quy hoạch này đã hết kỳ quy hoạch. Trong khi đó, phương án sử dụng không gian biển của tỉnh giai đoạn 2020-2030 đang trong quá trình triển khai dẫn đến việc quản lý khu vực biển còn chạy theo nhu cầu của tổ chức, cá nhân. Vướng mắc tiếp theo là việc điều chỉnh, bổ sung đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm, xác định vùng biển 3 hải lý, 6 hải lý phù hợp với hiện trạng tài nguyên của tỉnh vẫn chưa được Bộ TN&MT phê duyệt, công bố. Do đó, việc xác định thẩm quyền giao khu vực biển và hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thực hiện thủ tục giao khu vực biển, cấp giấy phép NTTS trên biển gặp không ít khó khăn. Một số hồ sơ đề nghị giao khu vực biển phải trải qua nhiều bước, hỏi ý kiến nhiều bộ, ngành khác nhau. Đơn cử như với một hồ sơ thuộc thẩm quyền giao của UBND tỉnh thì ngoài lấy ý kiến của cơ quan quân đội, công an cấp tỉnh còn phải lấy ý kiến của 4 bộ, ngành liên quan: Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ TN&MT, Bộ Ngoại giao.
Nghị định cũng chưa quy định trách nhiệm cụ thể của UBND các cấp trong việc quản lý khu vực biển thuộc ranh giới trong khi chờ các cơ quan có thẩm quyền giao khu vực biển theo quy định. Các quy định về xử phạt vi phạm chính trong lĩnh vực khai thác, sử dụng tài nguyên biển chưa được cấp có thẩm quyền ban hành dẫn đến nhiều sai phạm được phát hiện nhưng chưa có chế tài để xử lý, răn đe.
Bên cạnh những vướng mắc trên, việc Nghị định 11 chưa đi vào cuộc sống được cho là công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, tập huấn cho các tổ chức, cá nhân chưa được đẩy mạnh. Ông Phạm Văn Dương, khu 9, thị trấn Cái Rồng, huyện Vân Đồn, cho biết: Tôi mới được huyện tuyên truyền, hướng dẫn về việc chuyển đổi phao xốp trong NTTS sang các vật liệu phù hợp với quy chuẩn địa phương. Còn việc giao khu vực biển để làm gì và cần phải thực hiện những thủ tục nào thì chúng tôi vẫn chưa nắm được. Cá nhân tôi thấy, nếu người dân được giao khu vực biển là một điều rất tốt. Chúng tôi sẽ có một khu vực ổn định để mạnh dạn đầu tư trong NTTS.
Mặc dù Nghị định 11 còn nhiều bất cập khách quan tuy nhiêu, điều đáng nói là nhiều địa phương trong nước đã từng bước khắc phục bất cập để đưa Nghị định 11 từng bước đi vào cuộc sống và phát huy được hiệu quả. Ví dụ ở tỉnh Cà Mau, chỉ sau 3 tháng Nghị định 11 có hiệu lực, tỉnh này đã thu hút được 2 dự án đầu tư xây dựng nhà máy điện gió ở khu vực biển. Được biết, để triển khai Nghị định 11, Sở TN&MT tỉnh Cà Mau đã tổ chức họp hội đồng thẩm định và gửi văn bản xin ý kiến các sở, ngành, đơn vị có liên quan; đồng thời tham mưu UBND tỉnh có văn bản gửi các bộ có thẩm quyền để xin ý chỉ đạo. Hay như tỉnh Bạc Liêu, địa phương này cũng thu hút thêm gần 20 dự án điện gió khác, tổng công suất hơn 4.000MW, hiện đang chờ bổ sung vào quy hoạch. Cách làm của tỉnh Bạc Liêu là Sở TN&MT tham mưu UBND tỉnh ban hành công văn triển khai thực hiện từ tỉnh đến cơ sở, đến doanh nghiệp và nhân dân, tạo được sự thống nhất cao trong việc triển khai thực hiện. Còn tại TP Hải Phòng cũng đã xây dựng bộ thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của UBND thành phố và UBND cấp huyện có biển theo quy định của Nghị định 11, qua đó đưa việc giao khu vực biển ở TP Hải Phòng bắt đầu đi vào nền nếp, bảo đảm quyền lợi hài hòa giữa nhà nước, người dân và doanh nghiệp.
Thực tế cho thấy, bất cứ một chính sách mới nào của Trung ương hay của tỉnh khi triển khai vào cuộc sống cũng sẽ bổ sung nhiều điểm mới, phát sinh một số tồn tại, bất cập do còn liên quan đến đặc thù, tình hình thực tế tại các địa phương. Thế nhưng, nếu các địa phương, sở, ngành liên quan có sự chủ động, phối hợp chặt chẽ và quyết tâm cao thì sẽ sớm tìm được phương án, giải pháp để tháo gỡ, giải quyết theo thẩm quyền. Việc triển khai Nghị định 11 cũng là một câu chuyện như thế.
Nghị định 11/2021/NĐ-CP là cơ sở pháp lý quan trọng trong quản lý không gian biển theo phương thức tổng hợp dựa trên tiếp cận hệ sinh thái, đảm bảo việc giao, sử dụng biển phù hợp với quy luật tự nhiên và chức năng sử dụng của khu vực biển. Nghị định đảm bảo việc sử dụng biển phải phù hợp với các quy hoạch; loại trừ những mâu thuẫn, xung đột trong hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên biển giữa các tổ chức, cá nhân với các mục đích khác nhau; đảm bảo lợi ích của tổ chức, cá nhân được tiến hành hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên biển hợp pháp... góp phần phát triển bền vững kinh tế biển gắn liền với bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ; đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh và an toàn. |
Hoàng Nga
Liên kết website
Ý kiến ()