Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 23/11/2024 00:27 (GMT +7)
Giáo viên chờ phụ cấp
Thứ 5, 27/04/2023 | 09:52:18 [GMT +7] A A
Cuối năm 2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đề xuất phương án nâng mức phụ cấp ưu đãi đối với giáo viên mầm non lên tối đa 100%. Tuy nhiên việc này vẫn chưa được thực hiện.
Giáo viên ủng hộ
Tại dự thảo tờ trình Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đề xuất 8 mức phụ cấp mới, áp dụng cho từng đối tượng giáo viên được hưởng.
Theo đó, mức phụ cấp thấp nhất là 25%, áp dụng với giáo viên đang trực tiếp giảng dạy trong các trường đại học, cao đẳng, học viện, trường bồi dưỡng của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các trường chính trị - xã hội ở Trung ương (trừ giáo viên giảng dạy trong các trường sư phạm, khoa sư phạm và dạy môn khoa học Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh).
Thầy cô đang giảng dạy trong các trường THCS, THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên; trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên ở đồng bằng, thành phố, thị xã; cơ sở giáo dục nghề nghiệp; các trung tâm bồi dưỡng chính trị của huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh sẽ được hưởng mức phụ cấp 30%.
Mức phụ cấp 35%, áp dụng với giáo viên giảng dạy trong các trường THCS, THPT, các trung tâm giáo dục thường xuyên; trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên tại xã khu vực II thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi, xã đảo, xã biên giới. Thời gian hưởng 3 năm kể từ ngày được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Mức phụ cấp 40%, áp dụng với giảng viên đang dạy trong các trường sư phạm, khoa sư phạm (đại học, cao đẳng, trung học), trường cán bộ quản lý GDĐT và dạy môn chính trị trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Mức phụ cấp 45%, áp dụng với những người đang dạy các môn khoa học Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh trong các trường đại học, cao đẳng.
Mức phụ cấp 50%, áp dụng đối với thầy cô đang dạy ở các trường tiểu học ở xã khu vực I, II thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi, xã đảo, xã biên giới. Mức phụ cấp 70% áp dụng với giáo viên đang dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập.
Các thầy cô giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập ở các xã khu vực III thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi, xã đảo, xã biên giới được hưởng mức phụ cấp cao nhất - 100%.
Với mức đề xuất này, có khoảng hơn 200.000 giáo viên mầm non thuộc đối tượng điều chỉnh. Dự kiến nguồn kinh phí do ngân sách Nhà nước cấp tăng thêm khoảng 336 tỉ đồng/tháng (4.032 tỉ đồng/năm).
Trao đổi với Báo Lao Động, chị Lưu Thanh Thảo (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) nói: “Tôi rất ủng hộ việc tăng phụ cấp cho giáo viên mầm non. So với giáo viên bậc tiểu học, THCS hay THPT, giáo viên mầm non có phần thiệt thòi hơn bởi công việc đặc thù, vất vả, trách nhiệm cao, thường xuyên phải làm thêm giờ. Trong khi đó, đồng lương lại thấp nên cuộc sống vô cùng khó khăn”. Còn cô giáo Lê Thị Sáu, giáo viên mầm non tại Thanh Hoá hi vọng về ngày có thể sống được bằng chính đồng lương nhà giáo: “Tăng phụ cấp, ưu đãi nghề cho giáo viên mầm non sẽ giúp chúng tôi yên tâm bám trụ với nghề, toàn tâm toàn ý chăm trẻ, cống hiến cho ngành”.
Phải đưa vào chiến lược giáo dục
Mới đây, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà làm việc với lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, các chuyên gia, nhà quản lí giáo dục về nội dung dự thảo Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (dự thảo Chiến lược).
Phó Thủ tướng yêu cầu: “Đề án này phải khắc phục ngay những điểm nghẽn trong nghị định, thông tư về giáo dục, tích hợp thực chất quy hoạch hệ thống giáo dục, đào tạo gắn với quy hoạch phát triển vùng, địa phương” - Phó Thủ tướng nói.
Để đổi mới dạy và học ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu hội nhập, Phó Thủ tướng cho rằng, công tác đào tạo đội ngũ giáo viên cần “đi trước một bước” và huy động nguồn lực xã hội cùng tham gia để đạt được kết quả thực chất cho người học.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà lưu ý, tại những khu vực có điều kiện thuận lợi, cần thúc đẩy mạnh mẽ xã hội hóa giáo dục, để dành nguồn lực Nhà nước đầu tư cho phổ cập giáo dục, xóa mù chữ tại vùng sâu, vùng xa, khu vực khó khăn, tạo điều kiện để giáo viên yên tâm làm việc.
Tại đây, nhiều ý kiến cho rằng cần làm rõ trách nhiệm và cơ chế phối hợp của các bộ, ngành, địa phương trong chiến lược phát triển giáo dục để đảm bảo chất lượng và hiệu quả; giải quyết điểm nghẽn hiện nay trong tự chủ các cơ sở giáo dục; tăng cường tính chủ động, trách nhiệm của địa phương trong phát triển giáo dục; thúc đẩy thể chế, chính sách về thu nhập của giáo viên, học phí, học bổng, quản trị trong nhà trường; tối ưu hóa nguồn lực cho giáo dục…
Bên cạnh đó, một số chuyên gia, nhà quản lí cho rằng, giải pháp thực hiện phải xác định điểm đột phá thay vì “chung chung, dàn trải”, từ đó có thể tính toán nguồn lực khả thi, đánh giá được kết quả thực hiện cụ thể; đồng thời, cần tập trung xây dựng hành lang pháp lí đầy đủ cho khu vực giáo dục tư nhân và có yếu tố nước ngoài như là một thành tố quan trọng của hệ thống giáo dục…
Việc dự thảo phụ cấp giáo viên cho đến giờ này chưa được triển khai sẽ ảnh hưởng ít nhiều tới tâm tư của các thầy cô đặc biệt những thầy cô ở khu vực khó khăn.
Theo laodong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()