Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 18:19 (GMT +7)
Món ăn đặc sản Tiên Yên ngày Tết
Thứ 4, 02/02/2022 | 09:54:41 [GMT +7] A A
Vùng đất ngã ba sông Tiên Yênkhông chỉ gây ấn tượng với những giá trị văn hoá độc đáo, nơi đây còn là "quê hương" của những món ăn ngon mà bạn không thể tìm thấy ở nơi nào khác. Nhiều món trong đó đã trở thành món ăn đặc sản của Quảng Ninh, thành những sản phẩm OCOP được nhiều người tìm kiếm.
Sắc màu bánh chưng cơm lông
Ngày Tết, lữ khách có dịp về các xã vùng xa ở Tiên Yên như Điền Xá, Phong Dụ, Hà Lâu…, bạn sẽ được thưởng thức món bánh chưng cơm lông (bánh Tày) ruột đỏ, tuyệt ngon. Sản phẩm được chứng nhận OCOP của tỉnh.
Theo người dân ở đây, xưa kia vốn hiếm đỗ xanh, người Tày đã thay thế bằng lá cơm lông, thảo dược phổ biến ở địa phương, hương thơm, tính mát, có vị ngọt bùi, có tác dụng thanh nhiệt, tăng cường sức khoẻ.
Để làm bánh ngon, người Tày dùng gạo nếp nương ngon nhất, hạt tròn, mẩy, thơm ngon; thịt lợn ba chỉ và quan trọng nhất là lá cơm lông xay nhuyễn, rắc xen kẽ giữa lớp gạo. Bánh được gói chặt tay, hình trụ tròn 2 đầu, rồi luộc từ 10-12h. Bánh Tày rền, có vị thơm bùi của lá cơm lông, gạo nếp nhuyễn cùng vị ngậy của thịt mỡ, tạo nên hương vị riêng có. Đặc biệt, bánh chưng khi cắt ra để ăn, nhân bánh có màu đỏ tía, càng để lâu nhân bánh sẽ chuyển sang màu đỏ thẫm trông rất đẹp mắt. Từng khoanh bánh tròn được bày trên mâm như những bông hoa nhiều màu.
Đặc sắc cà sáy
Từ các xã Hà Lâu, Điền Xá, chúng ta quay về các xã Đông Hải, Đại Dực để thưởng thức một đặc sản ngon: Cà sáy. Ngày Tết, ngoài gà Tiên Yên nức tiếng, cà sáy cũng là một món ăn đặc sản được người dân yêu thích, bởi thịt thơm, nạc mà không khô. Cà sáy là một giống vịt nhưng được lai với ngan được người dân Tiên Yên nuôi từ rất lâu.
Cà sáy được nuôi thả bán tự nhiên, ngon nức tiếng vẫn là ở vùng Đông Hải, Đại Dực… Cà sáy có thể chế biến thành các món nướng, luộc, quay, kho... như bất kỳ giống gia cầm nào, nhưng thịt ngon và thơm hơn hẳn.
Tết là dịp để chế biến các món ăn cầu kỳ, độc đáo. Với rựa mận cà sáy, cần chọn cà sáy từ 7 tháng đến 1 năm tuổi, trọng lượng từ 2,5-2,7kg, có cánh đủ dài đan chéo vào nhau, không cần quá to, sẽ dai. Rựa mận cà sáy được nấu cùng giềng mẻ, mắm tôm, lá nếp, nước cốt dừa, bơ nấu từ lạc rang lên, một chút tiết cà sáy và khoai môn giúp hút mỡ, tránh béo.
Phần xương, cánh, cổ cà sáy có thể bỏ vào ninh lấy nước nấu cháo đỗ thanh mát. Với cà sáy, ẩm thực Tết sẽ bớt phần đơn điệu, dễ ăn mà không ngấy.
Bánh chả - Hương vị phố cổ
Khi những tia nắng xuân tràn về, cũng là lúc người dân phố cổ Tiên Yên chuẩn bị làm món bánh chả. Bánh chả Tiên Yên có từ thời bao cấp, được những nghệ nhân sản xuất kết hợp với đặc trưng ẩm thực người Hoa ở vùng này, càng ngày được sáng tạo thêm hương, thêm vị.
Một trong bánh chả nức tiếng là bánh chả Vân Dương (phố Lý Thường Kiệt, thị trấn Tiên Yên) xuất hiện từ năm 1976. Theo nghệ nhân có tiếng ở đây, thì bánh chả Tiên Yên nổi tiếng thơm ngon, có mùi vị đặc trưng cũng bởi có bí quyết riêng trong khâu chế biến. Ngoài bột mì, lạc vừng, đường lá chanh, yếu quyết chính là phối trộn các nguyên liệu và chế biến mỡ vai gáy lợn, lọc bì và thịt nạc thật riêng, công phu, ướp đường trắng từ 20-25 ngày.
Phần nhân bánh là sự hòa quyện của lạc, vừng, lá chanh, đường, bột mì và những miếng thịt mỡ trong suốt, giòn, thơm mà ngậy cùng dầu vừng thêm kết dính. Phần vỏ bánh gồm đường và bột mì với độ dẻo phù hợp. Bánh chả trước khi đem nướng được cắt nhỏ cỡ đồng xu. Các khâu làm bánh đều được thực hiện thủ công.
Ăn chiếc bánh chả vàng đậm, béo ngậy, thơm, giòn, nhâm nhi 1 ly trà nóng, gợi nhớ trong chúng ta ký ức Tết xưa...
Khâu nhục - Hương vị sum họp, gắn kết
Tiên Yên còn nổi tiếng với món ăn khâu nhục. Theo người dân ở đây, món ăn này được biến tấu từ một món ăn của người Hoa, với sự khéo léo, tài tình, sáng tạo của đầu bếp Việt, tạo nên công thức ẩm thực riêng.
Món ăn này là sự kết hợp tinh tế của hàng chục loại gia vị và cách chế biến công phu. Khi chế biến chọn thịt ba chỉ ngon, luộc chín treo lên, dùng kim xăm kỹ bì để mỡ thoát hết ra ngoài, rồi phết mật ong cho ngấm, rán vàng. Nhân món ăn quyết định hương vị món ăn, được chế biến công phu từ thịt nạc ngon băm nhỏ, mộc nhĩ, nấm hương cùng gần 40 loại gia vị, như rau thàu xôi, hành, tỏi, địa liền, thảo quả, phùi nhủi (đậu phụ), chăm chắm (chanh muối), mắm, muối, mì chính, xì dầu, mật ong, ngũ vị hương, hạt sen, húng lìu…
Nhân sau đó rải đều quanh các miếng thịt được thái đều, xếp ngửa trên bát, cho vào hấp kỹ lửa nhỏ chừng 2-3h. Khi chín chỉ việc úp ngửa bát tạo khuôn tròn đẹp mắt trên đĩa.
Vùng đất giàu bản sắc văn hóa Tiên Yên còn có nhiều món ăn ngon độc đáo, như: Bánh cốc mò, miến dong, bánh hạnh nhân, xôi ngũ sắc, bánh gật gù, gà Tiên Yên… làm mâm cỗ Tết của người dân nơi đây thêm hấp dẫn, khó quên.
Tạ Quân
Liên kết website
Ý kiến ()