Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 24/11/2024 20:01 (GMT +7)
Gieo hạt giống tâm hồn
Thứ 7, 16/09/2017 | 08:27:45 [GMT +7] A A
Tôi đã đi bộ nửa ngày đến những điểm trường ở các xã Minh Cầm, Lương Mông, Nam Sơn (Ba Chẽ), cũng đã men lòng suối đến các điểm trường thật sâu, thật xa của huyện Tiên Yên, cũng đã từng vứt giày, treo túi ở gốc cây để bò dốc lên các điểm trường của huyện Bình Liêu… 17 năm làm báo, tôi đã đến hầu hết các xã trên vùng đất địa đầu Đông Bắc, dù không theo mảng giáo dục nhưng lần nào đến các thôn, xã vùng sâu, xa đều cố gắng dành thời gian đến các trường học. Mỗi lần nhìn những đứa trẻ áo quần mong manh, chân đi dép rách trong giá rét, nhìn gió lùa từ trong ra ngoài, từ ngoài vào trong ở các lớp học, phòng ở của các thầy, cô giáo lại thấy trong lòng dâng lên niềm cảm xúc khó tả.
Tôi lớn lên ở vùng quê nghèo khó, mẹ tôi cũng là cô giáo nên tôi rất thấm sự khó khăn của các em học sinh ở các điểm trường miền núi, vùng cao, cũng rất đồng cảm điều kiện công tác của các thầy, cô giáo nơi vùng đất phên dậu của Tổ quốc. Khó khăn là vậy nhưng những người tôi gặp, những câu chuyện với các thầy, cô, tôi cảm nhận họ thật giống mẹ tôi năm xưa đều rất yêu những ánh mắt trẻ thơ, yêu nghề giáo viên đến thắt lòng. Cô giáo tôi gặp ở điểm trường Khe Phương, xã Kỳ Thượng (Hoành Bồ) khi đó đang có bầu vượt mặt nhưng ngày nào cũng vượt hơn chục km đường rừng vào dạy lớp học ghép có 5 em học sinh, nói với tôi: Nghề chọn người rồi chị ạ, những ngày mưa lũ không vào điểm trường được, lòng em cứ như có lửa đốt, vừa lo lỡ một buổi học của các con vừa thương lũ trẻ đến lớp mà không có cô.
Những ngày qua tâm sự bỏ nghề của thầy giáo Đoàn Hùng Cường đã thu hút rất nhiều sự quan tâm của xã hội. Thầy giáo Cường chắc chắn đã rất yêu nghề mới xa gia đình gắn bó tới 16 năm ở địa bàn khó khăn nhất nhì tỉnh Quảng Ninh. Và những em học sinh ở Trường PTDTNT huyện Bình Liêu chắc cũng rất lưu luyến khi chia xa thầy. Mỗi người đều có quyền lựa chọn con đường đi cho tương lai của mình, việc thầy giáo Cường nghỉ dạy rẽ lối sang công việc khác cũng là điều hết sức bình thường. Thầy giáo dạy cấp 3 của tôi khi chia sẻ trên facebook việc của thầy giáo Cường nhận được các comment của học trò đã trả lời “mỗi người đều chịu trách nhiệm với quyết định của mình, dù bạn cùng nghề với thầy không làm nghề giáo nữa nhưng thầy rất trân trọng 16 năm tuổi xuân đã cống hiến cho nghề của thầy giáo đó”.
Tỉnh Quảng Ninh hiện có trên 20.000 giáo viên, với đặc thù ở tỉnh miền núi, biên giới, hải đảo, dân cư sinh sống phân tán, địa hình phức tạp nên điều kiện cơ sở vật chất, dạy và học của thầy và trò ở nhiều nơi còn rất khó khăn. Để từng bước khắc phục tình trạng này, theo Đề án 25 tỉnh đã thực hiện việc dồn các điểm trường lẻ, linh hoạt nhiều giải pháp hỗ trợ đưa học sinh về học ở các điểm trường chính. Về đây các em được tiếp thu, được sử dụng, được học tập trong điều kiện cơ sở vật chất tốt hơn, được hòa đồng với nhịp sống mới ở nơi trung tâm của xã, các thầy cô giáo cũng bớt vất vả, cực nhọc hơn trên con đường đi dạy.
Khi tôi làm hồ sơ đăng ký dự thi đại học, mẹ tôi bảo: “Mẹ luôn rất hạnh phúc khi đứng trên bục giảng, trong ánh nhìn trong veo của những đôi mắt trẻ thơ hay nụ cười hở cả hàm răng sún của lũ trẻ. Nghề của mẹ dù không lương cao, bổng lộc nhưng nếu phải lựa chọn lại mẹ vẫn chọn làm nghề giáo.” Vâng “trên những nẻo đường của Tổ quốc xinh tươi. Có những loài hoa thơm đậm đà sắc hương. Có những bài ca nghe rạo rực lòng người. Bài ca ấy loài hoa ấy đẹp như em người giáo viên nhân dân. Tâm hồn em tươi mát xanh như bóng lá bàng. Trái tim em đỏ nhiệt tình như hoa phượng vĩ.” Trong cuộc đời mình chúng ta luôn kính trọng, yêu quý, biết ơn các thầy, cô giáo của mình- những người đã gieo hạt giống cho tâm hồn ta!
Ngọc Lan
Liên kết website
Ý kiến ()