Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 00:20 (GMT +7)
Gìn giữ các giá trị văn hóa gia đình truyền thống trong xã hội hiện đại
Thứ 3, 13/12/2022 | 09:00:04 [GMT +7] A A
Văn hóa gia đình là một trong những cốt lõi của văn hóa Việt Nam, là nơi khởi nguồn sinh ra và nuôi dưỡng con người trưởng thành. Nhiều gia đình Việt hiện gìn giữ, phát huy những nét đẹp truyền thống gia đình...
Chung sống nhiều thế hệ
Xu hướng ở riêng hiện nay ngày một mạnh mẽ. Tuy nhiên, có nhiều gia đình vẫn lựa chọn sống chung nhiều thế hệ trong một ngôi nhà. Điển hình như gia đình cụ Đỗ Thị Dụ (80 tuổi, Hà Đông, Hà Nội). Gia đình cụ Dụ với 4 thế hệ tổng có 39 thành viên cùng chung sống dưới 1 mái nhà gồm 11 con trai, con gái, con dâu, con rể, 15 cháu trai, cháu gái, cháu dâu, cháu rể và 12 chắt.
4 thế hệ với những cách sống, suy nghĩ khác nhau, nhưng các thành viên trong gia đình cụ luôn biết cách ứng xử để giữ hòa khí, yêu thương, tôn trọng và giúp nhau. Bên cạnh đó, các thành viên còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống, tránh xa các tệ nạn xã hội.
Cụ Đỗ Thị Dụ chia sẻ: “Tuy đã nghỉ hưu nhưng tôi luôn tích cực tham gia các hoạt động xã hội, các phong trào, các cuộc vận động do địa phương phát động. Các con tôi ngoài thời gian làm việc ở cơ quan cũng tích cực tham gia các phong trào do địa phương tổ chức”.
Hay như gia đình ông Nguyễn Lê Mạnh Sơn (sinh năm 1951, Ba Đình, Hà Nội) và bà Trần Bích Thủy (sinh năm 1958) luôn được chính quyền địa phương ghi nhận là gia đình văn hóa. Gia đình ông có 4 thế hệ với 8 người cùng chung sống. Vợ chồng ông Sơn đã nghỉ hưu nhưng vẫn luôn tích cực tham gia công tác tại địa phương, đặc biệt quan tâm đến khuyến học, khuyến tài.
Hằng năm, ông bà đều tặng học bổng cho các cháu học sinh vượt khó vươn lên trong học tập; tham gia hỗ trợ các quỹ “Nghĩa tình tuổi thơ”, “Đền ơn đáp nghĩa”, tham gia hoạt động thiện nguyện vùng cao như Hà Giang, Điện Biên, Lai Châu… Với quan niệm “mỗi hành động của người lớn trong gia đình là tấm gương để con cháu học tập và noi theo”, ông bà luôn dạy các con, cháu tinh thần tương thân tương ái, giúp đỡ người khác lúc khó khăn, hoạn nạn.
Là gia đình tứ đại đồng đường hiếm hoi ở Hà thành còn giữ nếp sống chung, ông Nguyễn Anh Cường (sinh năm 1945) và bà Nguyễn Hà Thạch (sinh năm 1949) luôn lưu tâm đến việc giáo dục các thành viên về giá trị truyền thống, tinh thần tương thân tương ái, hướng về cội nguồn, yêu thương quê cha, đất tổ. Trong căn nhà trên phố Thụy Khuê, nhịp sống như chậm lại và những đứa trẻ được lớn lên trong ký ức của ông Cường, được đến gần hơn với những giá trị truyền thống từ nhiều đời truyền lại.
Trong thời đại công nghệ phát triển, không ít bạn trẻ xa rời những giá trị truyền thống gia đình, cảm thấy khó hòa hợp với ông bà, bố mẹ. Dù vậy, chị Nguyễn Thạch Ánh - con gái ông Cường khẳng định, những khoảng cách về tuổi tác, thế hệ không thể là rào cản nếu các thành viên trong nhà yêu thương, gắn bó với nhau.
Được chứng kiến xã hội phát triển từ thời bao cấp, xếp hàng đổi tem phiếu đến khi laptop, điện thoại trở nên phổ biến, chị Ánh cho hay, sự giáo dục của gia đình là yếu tố quan trọng để các bạn trẻ gắn bó, hướng về gia đình nguồn cội.
Lan tỏa các giá trị yêu thương
Theo PGS.TS Đặng Thị Hoa - Viện Tâm lý học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, văn hóa gia đình là một trong những cốt lõi của văn hóa Việt Nam, là nơi khởi nguồn sinh ra và nuôi dưỡng con người trưởng thành. Xây dựng, phát triển nền văn hóa dựa trên các giá trị gia đình được coi là giá trị nội sinh, có ý nghĩa tích cực về thuần phong mỹ tục của gia đình. Trong văn hóa gia đình Việt Nam, các yếu tố văn hóa mới, các yếu tố văn minh, hiện đại tác động đến gia đình, làm thay đổi nếp sống, thói quen mang ý nghĩa tích cực hơn, đồng thời cũng làm giảm đi đáng kể những giá trị được coi là bảo thủ, truyền thống và trì trệ.
PGS.TS Đặng Thị Hoa nhận định, trước những hỗn dung về văn hóa xâm nhập vào mỗi gia đình Việt Nam, việc bảo vệ, giữ gìn các giá trị văn hóa gia đình truyền thống cần được coi trọng với những thuần phong, mỹ tục của gia đình. Cách đối xử trọng già, thương trẻ; anh em hòa thuận, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau cùng phát triển; cách thức coi trọng chữ hiếu trong gia đình, nuôi dưỡng đức tính hiếu thuận và nhân nghĩa của con trẻ đã làm cho gia đình Việt Nam có tính bền vững và trường tồn.
Bên cạnh đó, việc phát huy, tiếp nhận các giá trị mới của gia đình trong cuộc sống hiện đại cũng làm cho gia đình có đủ sức mạnh lan tỏa các giá trị yêu thương, chăm sóc không phụ thuộc vào thời gian, khoảng cách địa lý và khoảng cách về thế hệ. Việc phát huy những yếu tố tích cực trong các giá trị gia đình truyền thống và tiếp thu những giá trị mới làm phong phú thêm hệ giá trị gia đình Việt Nam, tăng thêm tính cố kết trong mỗi gia đình, dòng họ, cộng đồng làng xã.
Theo TS Trần Tuyết Ánh - Vụ trưởng Vụ Gia đình (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch), Đảng, Nhà nước luôn quan tâm tới công tác chăm lo xây dựng gia đình bằng nhiều chủ trương, chính sách cụ thể, thể hiện quan điểm là muốn có một xã hội phát triển lành mạnh thì trước hết, từng tế bào gia đình phải phát triển bền vững. Hiện nay, Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình đang dần tạo ra sự chuyển biến trong nhận thức, hành động của mỗi người dân.
Bộ tiêu chí nhằm góp phần xác định và từng bước đưa vào cuộc sống các chuẩn mực giá trị đạo đức, văn hóa con người Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; củng cố ý thức pháp luật, đề cao đạo đức, lương tâm, trách nhiệm của mỗi người với bản thân, gia đình, cộng đồng, xã hội và đất nước; ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức trong gia đình và xã hội; nâng cao nhận thức về xây dựng, giữ gìn hạnh phúc bền vững của mỗi gia đình hướng tới sự ổn định, văn minh cho toàn xã hội.
Bên cạnh các tiêu chí “Tôn trọng, bình đẳng, yêu thương, chia sẻ” được áp dụng chung cho các thành viên trong gia đình, Bộ tiêu chí còn có các tiêu chí cụ thể trong ứng xử vợ chồng; cha mẹ với con, ông bà với cháu; các anh, chị, em với nhau.
Theo laodong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()