Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 13:07 (GMT +7)
Gìn giữ nét đẹp văn hoá truyền thống
Chủ nhật, 21/01/2024 | 07:52:14 [GMT +7] A A
Du xuân - hay đi lễ hội đầu xuân cầu tài cầu lộc, cầu bình an, sức khoẻ cho bản thân, gia đình, cầu cho đất nước phồn vinh, phát triển là một nhu cầu tín ngưỡng tự nhiên của người Việt bao đời nay. Không chỉ là nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh, du xuân đã trở thành một nét đẹp văn hoá trong tâm thức người Việt, vì thế rất cần được gìn giữ, phát huy.
Cách nay 90 năm về trước (năm 1934), cũng vào dịp đầu xuân, nhân chuyến du xuân vãng cảnh chùa Hương, nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp (1914-1938) đã sáng tác nên bài thơ nổi tiếng “Chùa Hương”, mở đầu bằng những vần rất đẹp: “Hôm nay đi chùa Hương/ Hoa cỏ mờ hơi sương/ Cùng thầy me em dậy/ Em vấn đầu soi gương”. Về sau, bài thơ đã được Nghệ sĩ Trung Đức phổ thành ca khúc “Em đi chùa Hương” mà hẳn nhiều người đã thuộc. Chỉ bằng những câu thơ như thế đủ cho người đọc cảm nhận được vẻ đẹp của mùa xuân, khí của đất trời, cỏ cây, không khí hội xuân đi lễ chùa đầu năm. Bài thơ được đánh giá cao và là một trong các lý do để Nguyễn Nhược Pháp được Hoài Thanh - Hoài Trân chọn đưa vào giới thiệu trong cuốn “Thi nhân Việt Nam”.
Du xuân lễ chùa xuất phát tự nhiên theo nhu cầu của người Việt, không kể tuổi tác, giới tính. Mùa xuân là mùa cây cỏ đâm chồi nảy lộc. Lòng người nhiều cảm xúc trước sự chuyển vận của đất trời. Người Việt tin rằng, đi lễ đầu năm không đơn giản chỉ để ước nguyện, mà đó còn là khoảnh khắc để con người hòa mình vào chốn tâm linh, bỏ lại phía sau bao vất vả của một năm lao động sản xuất, làm ăn buôn bán trong cuộc mưu sinh. Mỗi người đi lễ với những mục đích khác nhau, người thì cầu tài, cầu lộc, cầu duyên; người thì cầu bình an, sức khỏe cho bản thân và gia đình. Cũng có những người đi lễ chỉ để tìm lấy những giây phút bình yên, nhằm xua tan đi những lo toan bộn bề trong cuộc sống. Không ít người du xuân còn để xin chữ đầu năm hay những câu đối có ý nghĩa để đem về nhà treo ở nơi trang trọng nhất, cầu nguyện thành đạt cho cuộc sống và học hành thi cử cho con cái.
Nhìn chung, đối với mỗi người dân Việt Nam, du xuân, đi lễ đầu năm là nét văn hóa truyền thống được hình thành từ lâu, tạo nên bức tranh đa sắc trong nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Qua đó, không chỉ thể hiện khát vọng về một cuộc sống hạnh phúc, no đủ mà còn là dịp để vun đắp cho tinh thần người Việt thêm yêu và trân trọng những giá trị cội nguồn. Tại những nơi tâm linh, tín ngưỡng, giữa không gian thanh tịnh, hương trầm lan tỏa hòa cùng sắc màu của đèn hoa, mới thấy lòng mình lắng lại, thanh thản và nhẹ nhàng hơn.
Cuộc sống ngày càng hiện đại, văn minh nhưng nét đẹp văn hóa đi lễ chùa đầu năm vẫn luôn được người dân lưu giữ. Có khác chăng là sự thay đổi phần nào đó về chất. Các cụ xưa có câu “Trẻ vui nhà, già vui chùa” nhưng giờ xu hướng người trẻ đi chùa, đi lễ đầu năm ngày càng nhiều. Những bạn trẻ đi lễ đầu xuân không chỉ để cầu nguyện những điều tốt đẹp cho bản thân và gia đình mà còn là dịp thưởng lãm cảnh đẹp, nét thanh tịnh chốn linh thiêng trong tiết xuân và hiểu hơn về truyền thống văn hóa của dân tộc.
Trong những năm qua, tại các điểm du xuân, di tích, danh lam, thắng cảnh của Quảng Ninh nói riêng, cả nước nói chung công tác tổ chức, quản lý hội xuân ngày càng được thực hiện tốt hơn. Các tệ nạn cờ bạc, móc túi, chèo kéo, chặt chém về giá cả, ăn xin... đã bị xử lý gần như triệt để, nhiều nơi không còn nữa. Giao thông đi lại ngày một thuận tiện. Đặc biệt là ý thức, trách nhiệm ứng xử văn hoá của người dân, du khách khi du xuân đến các chốn tâm linh, tín ngưỡng đã ngày càng tốt hơn. Những nét đẹp văn hoá truyền thống thuần Việt đã và đang được gìn giữ, phát huy.
Một mùa xuân mới đang tới. Hẳn ai cũng ấp ủ từ lâu cho một chuyến du xuân đầu năm của mình.
Đại Dương
Liên kết website
Ý kiến ()