Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 17/11/2024 10:23 (GMT +7)
Giữ gìn và phát huy truyền thống “Tôn sư trọng đạo”
Chủ nhật, 19/11/2023 | 13:47:03 [GMT +7] A A
Trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt Nam đã hình thành, xây dựng và giữ gìn rất nhiều truyền thống tốt đẹp, trong đó có truyền thống “Tôn sư trọng đạo” thể hiện lòng trân trọng, kính yêu của nhân dân dành cho những người thầy. Cùng sự phát triển của xã hội với nhiều thăng trầm biến đổi, nhưng truyền thống “Tôn sư trọng đạo” vẫn luôn được gìn giữ, vun bồi, trở thành vốn quý, bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam.
Thay lời tri ân
Đã thành thông lệ, khi tháng 11 về trong nồng nàn hương hoa sữa, lớp lớp các thế hệ học trò lại cùng nhau hội tụ dưới mái trường thân yêu của tuổi học trò. Những buổi họp lớp, hội ngộ để những học trò có cơ hội tri ân thầy cô - những người đã dìu dắt, dạy dỗ chúng ta nên người.
Từ đầu tháng 11 tới nay, mỗi dịp cuối tuần dưới mái trường THCS Trọng Điểm (TP Hạ Long), không khí lại thêm vui tươi, náo nức, ríu rít tiếng nói cười của học sinh các khóa từ khắp nơi trở về họp lớp, tri ân thầy cô, chào mừng kỷ niệm 30 năm ngày thành lập trường.
Đặc biệt, trên fanpage Trường THCS Trọng Điểm của nhà trường cũng thu hút được vô vàn lượt quan tâm, thể hiện cảm xúc, khi nhiều bức thư của học sinh được đăng tải với chủ đề “Trọng Điểm trong trái tim tôi”. Đó là những lời tâm sự, sẻ chia đầy xúc động của rất nhiều thế hệ học sinh về thầy cô, bè bạn, tuổi học trò đẹp đẽ, trong sáng dưới mái nhà chung THCS Trọng Điểm.
“Tôi nhớ cô chủ nhiệm, cô giáo dạy Văn, người cô giáo thân yêu nhất của chúng tôi, cô Thành. Từng nề nếp, cách tư duy, cách làm văn và cách sống với nhau sau này chúng tôi đều ảnh hưởng từ cô... Tôi cũng nhớ những bữa cơm khi đến nhà cô. Nhớ những tiếng cười chẳng bao giờ dứt. Lần nào đến thăm, cô cũng cầm tay hỏi thăm từng đứa, kể cả vắng mặt” (trích thư của Lê Hồng Minh, cựu học sinh lớp 9A khóa 1995-1999). Hay “Và đặc biệt hơn là hôm đó, lần đầu tôi được gặp cô Ngọc Hà - cô giáo chủ nhiệm của tôi trong bốn năm ở ngôi trường Trọng Điểm... Tôi giống như những mảng màu vương trên tờ giấy trắng, cô Ngọc Hà lại uốn nắn tôi vào đường nét, có thanh có đậm... Và hơn hết, nhờ định hướng, tôi cũng thay đổi cách nhìn, cách học môn văn. Học văn là học làm người” (trích thư của Vũ Lan Tâm, cựu học sinh A5, niên khóa 2018-2022)...
Mỗi dòng thư là một kỷ niệm, một cảm xúc lưu luyến song đều in đậm dấu ấn về tình cảm thầy trò, về lòng biết ơn của mỗi học sinh dành cho những thầy cô của mình. Anh Trần Anh Tuấn, cựu học sinh Trường THCS Trọng Điểm, chia sẻ: Cảm giác ngày trở lại trường, được hội ngộ thầy cô, bạn bè khiến tôi bồi hồi và xúc động vô cùng. Các bạn và cả chính tôi đã trưởng thành, thầy cô cũng nhiều tuổi hơn, nhưng tình yêu thương, sự ân cần với chúng tôi thì vẫn nguyên vẹn, dường như chẳng bao giờ hết lo lắng, quan tâm, động viên.
Không riêng Trường THCS Trọng Điểm, trong không khí vui tươi hướng về chào mừng kỷ niệm 41 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 (1982-2023), tất cả các trường học bậc học từ mầm non đến đại học trên toàn tỉnh đều tổ chức nhiều hoạt động sôi nổi, thiết thực như giao lưu văn nghệ, thể thao, thi giờ dạy học, thi trường sạch, lớp đẹp, làm báo tường, thi vẽ tranh, sinh hoạt dưới cờ với chủ đề về thầy cô, mái trường. Cùng với đó, là sự nỗ lực của rất nhiều học sinh để giành những thành tích, giải thưởng cao trong học tập dành tặng, đền đáp công ơn thầy cô. Những lời tri ân thầy cô đôi khi không dễ để thể hiện thành lời song bằng nhiều cách khác nhau, sự kính trọng, biết ơn sâu sắc ấy vẫn được mỗi học sinh trao gửi đến thầy cô bằng tất cả tình cảm yêu mến chân thành.
Gìn giữ nét đẹp văn hóa ngàn đời
“Tôn sư” là thái độ tôn kính, biết ơn thầy cô, những người đã dạy dỗ mình; “Trọng đạo” là coi trọng học vấn, đạo lý và những điều học tập được qua thầy cô. Truyền thống tôn sư trọng đạo thể hiện ở việc rèn luyện đạo đức, chăm học để xứng đáng với sự dạy dỗ của thầy cô, là coi trọng và làm theo những điều đúng đắn mà thầy đã truyền dạy. Trò luôn kính trọng thầy. Sự kính trọng ấy thể hiện ở mỗi dịp lễ, Tết, học trò lại cùng nhau tới gửi những lời chúc, thăm hỏi sức khỏe cô thầy. Bởi vậy, dân gian có câu: "Mồng một tết cha, mồng hai tết mẹ, mồng ba tết thầy” với ngụ ý khẳng định vị trí công lao của người thầy. Việt Nam đã chọn ngày 20/11 hằng năm làm Ngày Nhà giáo Việt Nam, là dịp để học sinh bày tỏ tình cảm, tấm lòng của mình tới thầy cô.
Theo đà phát triển của xã hội, một số quan niệm không còn phù hợp trong xã hội hiện đại, trong đó liên quan đến môi trường giáo dục. Vai trò, vị thế của người thầy và quan hệ giữa thầy cô với học sinh, với cha mẹ học sinh cũng có những thay đổi. Giáo dục không còn đơn thuần một chiều, thụ động. Tư duy mới và hiện đại đã coi học sinh là trung tâm của quá trình giáo dục, khác với trước kia người thầy là hạt nhân duy nhất, và sự dịch chuyển này là tất yếu và kéo theo nhiều kết quả tích cực.
Từ đây, đòi hỏi đội ngũ nhà giáo không ngừng nêu cao sứ mệnh và trách nhiệm của mình trong sự nghiệp trồng người. Mỗi cán bộ, giáo viên không chỉ là một chiến sĩ cách mạng trên mặt trận truyền thụ tri thức, kỹ năng mà phải là những tấm gương về đạo đức, lối sống, tự học, tự rèn luyện, tận tụy, nhiệt tình, trách nhiệm với công việc và hết lòng yêu thương học sinh. Qua đó, góp phần hình thành lối sống, đạo đức cho học sinh, để các em luôn thực hiện đúng đạo làm trò, kính yêu và tôn trọng thầy cô, cố gắng phấn đấu học tập và rèn luyện, trở thành những công dân có ích cho xã hội.
Ngành giáo dục Quảng Ninh luôn tự hào khi có biết bao thầy, cô giáo vì sự nghiệp “trồng người”, vì thế hệ tương lai của đất nước đã vượt qua khó khăn, gian khổ sẵn sàng “cõng” chữ lên non. Biết bao tấm gương thầy, cô luôn tận tâm truyền lửa đam mê giúp học sinh giành những vinh quang cho quê hương, đất nước trong các kỳ thi quốc gia và quốc tế. Tất cả điều đó là niềm tự hào của mỗi người dân Quảng Ninh, tự hào về một miền đất đã được hun đúc bởi truyền thống “Tôn sư trọng đạo”, “Kỷ luật và đồng tâm”.
Tin tưởng, sự song hành của một nền giáo dục phát triển tiên tiến, hiện đại cùng việc trân trọng, gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống “Tôn sư trọng đạo” sẽ là động lực góp phần đưa sự nghiệp “trồng người” của Quảng Ninh nói riêng, Việt Nam nói chung không ngừng phát triển, giành nhiều hơn nữa những đỉnh cao trong thời đại mới.
Gửi lời yêu thương tới cô thầy
Bà Linh Thị Mùi, thôn Khe Tre, xã Kỳ Thượng (TP Hạ Long): “Các thầy cô giáo đã không quản ngại khó khăn, vất vả để mang tri thức đến với học sinh vùng sâu, vùng xa” Xã Kỳ Thượng là địa phương vùng cao với điều kiện còn nhiều khó khăn. Những năm qua, được sự quan tâm của tỉnh, thành phố trường lớp được xây dựng khang trang, con em đồng bào dân tộc thiểu số được đi học, quan tâm, chăm lo đầy đủ. Đặc biệt, có nhiều thầy cô giáo ở miền xuôi tình nguyện lên miền núi để công tác, giảng dạy kiến thức cho học sinh. Bà con chúng tôi thật sự rất vui mừng và cảm ơn vì các thầy cô đã không quản ngại khó khăn vất vả, sẵn sàng trèo đèo, lội suối đến từng nhà học sinh vận động các em đi học. Ở trường các thầy cô cũng quan tâm, chăm lo cho học sinh nội trú từ bữa ăn đến giấc ngủ, cháu nào cũng khỏe mạnh, học hành tiến bộ nên phụ huynh ở nhà rất yên tâm. |
Em Dương Thị Quỳnh Anh, sinh viên Lớp Giáo dục tiểu học K1A Trường Đại học Hạ Long: “Phấn đấu trở thành giáo viên giỏi, là tấm gương sáng để học sinh noi theo” Tôi cảm thấy vô cùng may mắn khi được gặp gỡ, được chỉ dạy bởi những thầy giáo, cô giáo hết lòng yêu thương học sinh, tận tâm, nhiệt huyết với nghề. Vì vậy, tình cảm yêu mến, kính trọng thầy cô đã trở thành động lực để tôi phấn đấu, rèn luyện học tập với mơ ước một ngày được đứng trên bục giảng. Hiện tôi là sinh viên sư phạm năm thứ 3 của Trường Đại học Hạ Long và chuẩn bị hiện thực hóa ước mơ trở thành cô giáo. Noi gương các thầy cô giáo của mình, tôi sẽ phấn đấu học tập, rèn luyện nhiều hơn không chỉ về chuyên môn nghiệp vụ mà còn cả đạo đức, lối sống, giữ “lửa” đam mê, tình yêu nghề để thật sự trở thành một tấm gương sáng cho học sinh noi theo. Để từ đây, có thể tiếp bước thầy cô của mình nâng đỡ, chắp cánh ước mơ cho các thế hệ học sinh tiếp theo, đóng góp nhiều hơn vào sự nghiệp “trồng người” nhiều vất vả, hy sinh nhưng cũng đầy vinh quang và tự hào. |
Em Lê Tuệ Anh, học sinh lớp 9A, Trường THCS Lê Quý Đôn (TX Quảng Yên): “Kính chúc thầy cô luôn luôn mạnh khỏe để mang đến cho chúng em thật nhiều những bài học hay và bổ ích” Năm học này cũng là năm học cuối cùng em được gắn bó với mái trường THCS Lê Quý Đôn thân yêu, nơi có thầy giáo, cô giáo đã luôn tận tụy chăm sóc, dạy dỗ chúng em biết bao điều hay lẽ phải. Không chỉ là những người truyền dạy tri thức, các thầy cô còn luôn là người truyền cảm hứng, khơi dậy ở chúng em sự sáng tạo, dám thử sức, tự tin khám phá và thể hiện bản thân trong mọi lĩnh vực từ học tập đến phát triển năng khiếu, sáng tạo khoa học... Nhân dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, em muốn gửi lời cảm ơn sâu sắc và kính chúc thầy cô luôn luôn mạnh khỏe, hạnh phúc để mang đến cho chúng em thật nhiều những bài học hay, bổ ích và luôn tràn đầy nhiệt huyết để tiếp tục đưa những “chuyến đò” tri thức cập bến thành công. |
Cô giáo Hoàng Thị Hằng, Trường PTDT Nội trú Bình Liêu (huyện Bình Liêu): “Khi trở thành nhà giáo tôi càng thêm biết ơn, tự hào về thầy cô của mình” Trở thành cô giáo và được quay lại ngôi trường mình được học tập đối với tôi là một điều vô cùng hạnh phúc. Đến nay, khi đang đứng trên bục giảng, ở vị trí của một giáo viên, tôi đã hiểu được phần nào tâm tư, lo lắng, niềm vui khi thấy học sinh chăm ngoan, tiến bộ, nỗi buồn khi học sinh còn chưa ngoan ngoãn của thầy cô giáo của mình trước kia và càng trân trọng, cảm phục tâm huyết, cách mà thầy cô đã luôn yêu thương, dạy dỗ, chỉ bảo giúp mình khôn lớn, trưởng thành. Chắc chắn tôi sẽ luôn luôn cố gắng thật nhiều để tiếp bước các thầy cô của mình trên hành trình gieo tri thức, đóng góp vào sự phát triển của nhà trường, vào sự nghiệp trồng người, để những thế hệ tương lai của Bình Liêu sẽ trưởng thành, góp sức xây dựng quê hương đẹp giàu. |
Nguyễn Dung
Liên kết website
Ý kiến ()