Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 06:56 (GMT +7)
Bình Phước Giữ hồn văn hóa S’tiêng
Thứ 7, 20/05/2023 | 10:03:36 [GMT +7] A A
Đối với đồng bào S’tiêng, gùi không chỉ là vật dụng quan trọng, gắn liền với đời sống sinh hoạt hằng ngày mà còn là biểu tượng văn hóa. Và đan gùi là một trong những nghề truyền thống của đồng bào S’tiêng. Tuy nhiên hiện nay, số lượng người S’tiêng biết đan gùi ngày càng ít và chủ yếu là người lớn tuổi. Để bảo tồn nghề truyền thống, ngày 6-3-2023, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành quyết định công nhận nghề đan gùi của người S’tiêng là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Những người gìn giữ nghề di sản
Ở độ tuổi gần 70, ông Điểu Oanh và vợ là bà Điểu Thị Ốt ở thôn 1, xã Thống Nhất, huyện Bù Đăng hằng ngày vẫn chăm chỉ chuốt từng sợi nan và tỉ mỉ đan thành những chiếc gùi xinh xắn. 15 năm gắn bó với nghề, ông Điểu Oanh cũng không nhớ nổi mình đã đan và bán được bao nhiêu chiếc gùi. Ông Điểu Oanh cho biết, gùi của đồng bào S’tiêng có rất nhiều loại, nhưng ông chỉ đan những loại thông dụng, được nhiều người ưa chuộng. Suốt những năm qua, ông bà chỉ đan 3 loại gùi, loại nhỏ cao khoảng 35cm, loại trung cao 50cm và loại có hoa văn.
Đồng bào S’tiêng đan gùi từ cây lồ ô. Để đan 1 chiếc gùi phải trải qua nhiều công đoạn, trong đó việc chọn cây lồ ô là quan trọng nhất, phải chọn những cây thẳng, có lóng dài, không non quá và cũng không già quá. Cây lồ ô đủ tiêu chuẩn có độ tuổi khoảng 2 năm. Sau khi chọn được cây vừa ý, người làm nghề dùng dao cạo lớp vỏ bên ngoài, chẻ mỏng, sau đó vót trơn bề mặt mỗi nan, tẩm màu cho nan để tạo hoa văn theo ý muốn, cuối cùng là đan. Cây lồ ô mà ông Oanh chọn đan gùi không phải phơi khô như những loại tre, nứa khác mà được đan ngay khi còn tươi nhưng gùi không bị co lại theo thời gian sử dụng.
Ông Oanh cho biết, đan gùi phải đan từ phần đáy trước và đây cũng là phần khó nhất. Để có thể đan vuông phần đáy, mỗi đường nan được đan lượn sóng và phải kéo thật chặt để nan không bị xộc xệch. Trong quá trình đan đáy, người đan cài chéo góc 2 thanh lồ ô già đã chuốt bóng để giữ vuông 4 góc của phần đáy và gắn đế của gùi sau khi đan xong. Tiếp đến, người đan làm khung để đan thân gùi, vừa đan vừa dịch khung để đảm bảo khung tròn từ đáy lên đến miệng. Gùi đan xong thường được gác lên gác bếp để tăng độ bền. Đan 1 chiếc gùi hoàn chỉnh mất 5 ngày, nếu gùi có đan hoa văn thì 6 ngày. Với mỗi chiếc gùi như vậy ông Điểu Oanh bán giá từ 300.000-400.000 đồng/chiếc, loại gùi có hoa văn thì bán 500.000 đồng/chiếc.
Bà Ngô Thị Kim Chi, Bí thư chi bộ, Trưởng thôn 1 cho biết: “Do kỹ thuật đan gùi khó, thu nhập thấp nên hiện trong thôn có rất ít người S’tiêng biết đan gùi. Thời gian qua, tôi đã quảng bá những chiếc gùi của người S’tiêng qua Zalo, Facebook, vì thế có rất nhiều người ở TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành khác biết đến và tìm đặt mua”.
Cần bảo tồn và phát triển nghề
Ông Điểu Oanh luôn suy nghĩ về việc duy trì nghề đan gùi của đồng bào mình. Vì ông lo một ngày nào đó nghề đan gùi sẽ mất đi. Ông bắt đầu tuyên truyền, vận động người trẻ học đan gùi và chính ông là người chỉ dạy.
Chị Điểu Thị Sẻ và Điểu Thị Ro đang theo học nghề đan gùi cho biết: Ngay từ nhỏ mình đã thấy ông bà đan gùi, nên muốn học để giữ nghề truyền thống của dân tộc. Đan gùi rất khó, mình đã học lâu rồi nhưng mới chỉ biết đan phần thân, chưa đan được cả chiếc gùi.
Ông Điểu Lon, Tổ trưởng Tổ làng nghề đan lát sóc Bom Bo rất trăn trở về nghề đan gùi truyền thống của dân tộc mình. Ông cho biết, ở sóc Bom Bo, những người biết đan gùi còn rất ít và đã lớn tuổi. Người trẻ không thích học đan gùi bởi vót nan thường dễ bị đứt tay, vì thế không kiên nhẫn theo nghề. Để giữ nghề truyền thống của dân tộc, ông đã dạy các con trai của mình đan gùi và tích cực vận động những người trẻ trong sóc tham gia lớp học đan gùi.
Hiện nay, với sự quan tâm của UBND huyện và các cơ quan chuyên môn, nghề đan gùi truyền thống của đồng bào S’tiêng không chỉ được bảo tồn mà còn được quảng bá, phát huy. Những người S’tiêng lớn tuổi như ông Điểu Oanh, bà Điểu Thị Ốt, ông Điểu Lon sẽ có người kế thừa. Và những chiếc gùi sẽ được bán đi khắp nơi, mang theo ước mơ của người S’tiêng và góp phần gìn giữ, bảo tồn, phát huy truyền thống văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số.
Theo baobinhphuoc.com.vn
Liên kết website
Ý kiến ()