Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 23:19 (GMT +7)
Giữ "lửa" cho các môn thể thao dân tộc
Chủ nhật, 29/11/2020 | 11:22:58 [GMT +7] A A
Song song với việc dành nhiều nguồn lực đầu tư cho các môn thể thao thành tích cao, ngành thể thao của tỉnh đã quan tâm đẩy mạnh phong trào thể dục thể thao quần chúng, trong đó đặc biệt chú trọng gìn giữ, phát triển các môn thể thao dân tộc (TTDT).
Qua đó, không ngừng nâng cao đời sống tinh thần, sức khỏe cho nhân dân, đồng thời, bảo tồn, phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc, nhân lên tinh thần đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng, góp phần xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, du lịch địa phương.
Những kết quả đáng ghi nhận
Với nhiều dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn thuộc 13 huyện, thị xã, thành phố, Quảng Ninh có các môn TTDT truyền thống rất đa dạng và đã tồn tại từ lâu đời trong cộng đồng các dân tộc, đặc biệt là ở các khu vực vùng cao, miền núi.
Thời gian gần đây, một số môn TTDT như đẩy gậy, đua thuyền chải, võ thuật cổ truyền, bắn cung, bắn nỏ, kéo co... đã được đưa vào thi đấu chính thức tại các giải thể thao thường niên và Đại hội Thể dục thể thao tỉnh. Từ các cuộc thi đấu này, nhiều môn TTDT đã được bảo tồn, phát triển, nhân rộng. Cũng thông qua các hội thi đã lựa chọn được những hạt nhân tiêu biểu vào các đội tuyển của tỉnh để tham gia Hội thi thể thao các dân tộc thiểu số toàn quốc cũng như các giải thể thao khu vực, quốc gia đạt nhiều thành tích cao.
Thi đấu ném còn tại Hội thi các môn TTDT trong khuôn khổ Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc vùng Đông Bắc tỉnh Quảng Ninh lần thứ III, năm 2020. Ảnh: Tạ Quân |
Cuối tháng 10 vừa qua, trong khuôn khổ Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc vùng Đông Bắc tỉnh Quảng Ninh lần thứ III, năm 2020, đã diễn ra Hội thi các môn TTDT với sự tham gia của 200 vận động viên, đến từ 8 địa phương trong tỉnh: Móng Cái, Hải Hà, Đầm Hà, Bình Liêu, Ba Chẽ, Tiên Yên, Hạ Long, Quảng Yên. Hội thi được tổ chức với 5 bộ môn thi đấu, gồm: Kéo co, đẩy gậy, bắn nỏ, ném còn, chạy vượt đồi núi.
Sau 3 lần tổ chức, đến nay Hội thi các môn TTDT đã trở thành hoạt động không thể thiếu trong Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc vùng Đông Bắc, góp phần thúc đẩy phong trào thể dục thể thao của đồng bào các dân tộc thiểu số phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng.
Qua mỗi kỳ hội thi vừa là dịp để đồng bào các dân tộc thiểu số đua tài, thể hiện sự khéo léo trong thi đấu thể thao, vừa là dịp trao đổi, học tập kinh nghiệm gìn giữ, bảo tồn và phát triển các môn TTDT, phát huy giá trị các di sản văn hóa truyền thống.
Chị em phụ nữ Sán Chỉ thi đánh quay tại lễ hội đình Lục Nà (huyện Bình Liêu) năm 2019. |
Không chỉ ở cấp tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố đặc biệt là các địa phương có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao, cũng thường xuyên tổ chức các ngày hội văn hóa - thể thao thu hút đông đảo nhân dân tham gia.
Tiêu biểu: Huyện Bình Liêu tại hầu hết các lễ hội, ngày hội như Lễ hội Đình Lục Nà, ngày hội Kiêng gió, Hội mùa vàng... đều tổ chức giao lưu, thi đấu các môn TTDT như đánh quay, ném còn, kéo co, đẩy gậy. TX Đông Triều tổ chức thi đấu môn võ cổ truyền, giải cờ tướng truyền thống trong khuôn khổ lễ hội đền An Sinh hằng năm.
Huyện Tiên Yên sẽ tổ chức Ngày hội văn hóa - thể thao dân tộc Sán Dìu năm 2020 vào ngày 28, 29/11 này, trong đó nội dung thi đấu thể thao gồm các môn: Kéo co, đẩy gậy, đi cà kheo nhanh, bắn súng chạc trúng đích, biểu diễn võ thuật cổ truyền dân tộc.
Ông Tạ Vĩnh Thắng, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Tiên Yên, cho biết: Các môn TTDT có đặc điểm chung là không đòi hỏi kỹ thuật, dễ tập, dễ chơi. Thêm vào đó, dụng cụ thể thao cũng rất đơn giản, người dân có thể tự chế tác từ những vật liệu dễ kiếm...
Các môn thể thao truyền thống thường được tổ chức vào dịp đầu xuân, trở thành hình ảnh đặc trưng của lễ hội miền núi nên có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng. Vì vậy, ngoài việc các xã, thôn, bản duy trì tổ chức các hoạt động giao lưu các môn TTDT vào các dịp lễ, tết, định kỳ huyện Tiên Yên đều tổ chức các ngày hội văn hóa - thể thao, các giải đấu dành riêng cho các môn TTDT. Qua đó, không chỉ tạo sân chơi bổ ích, chăm lo đời sống tinh thần cho nhân dân mà còn góp phần gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống của địa phương.
Thi đấu đẩy gậy trong khuôn khổ Hội Mùa vàng Bình Liêu, tháng 11/2020. Ảnh: Tạ Quân |
Đẩy mạnh gìn giữ và phát triển
Có thể nói, công tác gìn giữ, phát triển các môn thể thao dân tộc trên địa bàn tỉnh đang được các cấp, ngành đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, công tác này vẫn còn gặp không ít khó khăn như: Chưa có sự thống nhất và phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các sở, ngành, địa phương nên chưa tạo được những khâu đột phá mang tính chiến lược, bền vững trong công tác phát triển thể dục thể thao quần chúng cũng như bảo tồn và phát triển các môn TTDT trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa, thể thao ở các địa phương còn thiếu, đa phần làm công tác kiêm nhiệm, trình độ không đồng đều, chưa được đào tạo sâu về chuyên môn, nhiều nơi còn yếu. Nguồn kinh phí nhà nước đầu tư còn thấp; việc huy động các nguồn xã hội hóa phát triển TTDT còn hạn chế khi chưa thu hút được các doanh nghiệp đầu tư...
Đua thuyền rồng trên sông Ba Chẽ trong lễ hội Miếu Ông - Miếu Bà (huyện Ba Chẽ) hằng năm. Ảnh: Tạ Quân |
Để phát triển hiệu quả phong trào thể dục thể thao quần chúng, trong đó có việc gìn giữ, phát huy các môn TTDT trên địa bàn tỉnh, Sở Văn hóa và Thể thao đang tiến hành xây dựng Đề án “Bảo tồn, khôi phục và phát huy các môn thể thao dân tộc giai đoạn 2020-2025, định hướng đến 2030”.
Theo đó, Đề án sẽ tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp về: Tuyên truyền nâng cao nhận thức về bảo tồn, khôi phục và phát huy những môn TTDT; xây dựng cơ chế, chính sách; đào tạo nguồn nhân lực; củng cố, thành lập các liên đoàn môn TTDT; xây dựng và hoàn thiện hệ thống thi đấu môn TTDT; mở rộng nhiều mô hình hoạt động các môn TTDT và tăng ngân sách đầu tư cho bảo tồn, khôi phục và phát huy các môn TTDT.
Đồng chí Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, cho biết: Trong các nhóm giải pháp nhằm đưa công tác bảo tồn, gìn giữ, phát triển các môn TTDT đạt hiệu quả, trước mắt các địa phương trong tỉnh cần đẩy mạnh tổ chức lồng ghép giao lưu, thi đấu TTDT, coi đó là sản phẩm du lịch mới, đặc sắc của vùng miền để thu hút du khách, phát triển du lịch.
Đồng thời tích cực truyền dạy cho thế hệ trẻ, tăng cường phát hiện, tuyển chọn những tài năng trẻ, triển vọng, duy trì, nhân rộng câu lạc bộ TTDT ở khắp các địa phương, làm lan tỏa tình yêu đối với TTDT nói riêng, truyền thống văn hóa dân tộc nói chung.
Cùng với đó, việc thu hút doanh nghiệp đầu tư, tăng cường nguồn kinh phí xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao là rất cần thiết để tạo động lực mạnh mẽ, khuyến khích phong trào rèn luyện, phát triển các môn TTDT.
Thi bắn nỏ tại Ngày hội Văn hóa, Thể thao dân tộc Dao (xã Hà Lâu, huyện Tiên Yên), tháng 6/2020. Ảnh:Minh Thương |
Có thể thấy, công tác bảo tồn, gìn giữ và phát triển các môn TTDT đã và đang được tỉnh quan tâm, đầu tư đúng hướng, hiệu quả. Đây cũng chính là nền tảng vững chắc để tỉnh phát huy thế mạnh, huy động mạnh mẽ sự vào cuộc của các tầng lớp nhân dân tham gia giữ gìn các nét đẹp văn hóa truyền thống, giá trị bản sắc văn hóa của dân tộc, góp phần vào việc xây dựng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” thêm chặt chẽ và thiết thực.
Nguyễn Dung
Liên kết website
Ý kiến ()