Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 14:18 (GMT +7)
Giữ vững đà tăng trưởng nông nghiệp
Thứ 5, 14/10/2021 | 16:37:54 [GMT +7] A A
Theo Tổng cục Thống kê, 9 tháng đầu năm 2021, GDP khu vực nông, lâm, thủy sản tăng 2,74%, đóng góp 23,52% vào mức tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế, đóng vai trò trụ đỡ trong đại dịch Covid-19.
Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Văn Việt cho biết: 9 tháng đầu năm 2021, ngành nông nghiệp gặp vô vàn khó khăn và thách thức do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, làm đứt gãy các chuỗi cung ứng - tiêu thụ nông sản. Tuy nhiên, với sự chung sức của các bộ, ngành, địa phương, sự sáng tạo vượt khó của doanh nghiệp, toàn ngành đã thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa đẩy mạnh sản xuất, bảo đảm cung ứng lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả
Khi dịch Covid-19 bùng phát nặng nề tại các tỉnh phía nam, ngay đầu tháng 7/2021, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thành lập Tổ công tác chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản tại các tỉnh, thành phố phía nam trong điều kiện dịch Covid-19 (Tổ công tác 970).
Ông Trần Minh Hải - Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Tư vấn Kinh tế hợp tác (CCD)- thành viên Tổ công tác 970 chia sẻ: Ngay sau khi được thành lập, Tổ công tác 970 đã xây dựng và đưa vào vận hành hiệu quả website: http://htx.cooplink.com.vn nhằm kết nối cung cầu - nông sản. Ngoài ra còn chủ động xây dựng phương án bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm thiết yếu cho TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Nam Bộ trong thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Đến cuối tháng 8, Diễn đàn kết nối nông sản 970 được thành lập, và liên tiếp trong các tuần gần đây đều diễn ra các diễn đàn kết nối tiêu thụ nông sản các vùng miền, địa phương; các phiên giao thương giữa đơn vị thu mua và nhà cung cấp, mang đến “sinh khí” mới cho cả nền kinh tế nông nghiệp.
Cà Mau là tỉnh trọng điểm về sản xuất và xuất khẩu tôm, nhưng đợt dịch Covid-19 vừa qua đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng khiến nông dân, doanh nghiệp có thời điểm lâm vào “bế tắc”. “Nhưng thông qua Tổ công tác 970, tỉnh đã phối hợp tiêu thụ được một lượng lớn tôm, góp phần giải tỏa nỗi lo cho người nuôi”- ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau cho biết.
Còn theo ông Lê Văn Sử - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, các hoạt động của Tổ công tác 970 không chỉ giúp tỉnh tháo gỡ vướng mắc, duy trì sản xuất nông nghiệp trong thời gian dịch bệnh phức tạp mà còn mở ra cách làm mới trong xúc tiến thương mại nông, thủy sản Cà Mau thời gian tới.
Đối với các tỉnh Tây Nguyên, dịch Covid-19 cũng khiến hàng loạt nông sản chủ lực như bơ, sầu riêng, chanh leo… ứ hàng, rớt giá.
Ông Vũ Đức Côn - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk cho biết: Giữa tháng 9/2021, tỉnh có tới 20.000 tấn sầu riêng, 10.000 tấn bơ đến kỳ thu hoạch cần kết nối tiêu thụ sớm nhưng do dịch Covid-19, việc lưu thông giữa các vùng nguyên liệu đến các cơ sở chế biến và tiêu thụ gặp khó khăn nên hàng tồn đọng nhiều. Thông qua kết nối với Tổ công tác 970, một lượng hàng lớn đã được tiêu thụ. Không những thế, nhiều đơn vị cũng biết thêm thông tin về các vùng trồng của tỉnh để liên hệ hợp tác.
Riêng với các tỉnh phía bắc, để thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn về hàng rào kỹ thuật, mở cửa thị trường xuất khẩu, nhất là thị trường trọng điểm Trung Quốc. Vào thời điểm xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc gặp nhiều khó khăn, Bộ đã kiến nghị Trung Quốc nhập khẩu trở lại các mặt hàng hoa quả tươi đã được phép xuất khẩu chính ngạch; thông báo cho các địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội về khôi phục thông quan chuối, thanh long sang Trung Quốc qua một số cửa khẩu; Hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản như: vải, nhãn, xoài, khoai lang, ớt đạt tiêu chuẩn sang các thị trường EU, Anh, Trung Quốc…
Nhờ những giải pháp nhanh nhạy, kịp thời, hiệu quả, việc tiêu thụ nông sản của các địa phương trên cả nước được thuận lợi hơn trong đại dịch, từ đó thúc đẩy trở lại sản xuất, giúp nông dân có nguồn thu phục vụ tái sản xuất; đồng thời yên tâm hơn về thị trường tiêu thụ.
Tập trung phục hồi sản xuất và xuất khẩu
9 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt 35,5 tỷ USD, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm 2020. Đây là con số tăng trưởng khá ấn tượng trong bối cảnh dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đến hầu hết các vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm.
Để đạt mục tiêu 44 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu cả năm 2021, toàn ngành không thể bỏ lỡ nhịp tăng trưởng. Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, hiện nay nền kinh tế các quốc gia châu Âu, Mỹ… đang có sự phục hồi nhanh chóng, đẩy nhu cầu hàng hóa lên rất cao, trong đó có hàng nông sản, nên Việt Nam cần tận dụng cơ hội này để phục hồi sản xuất và xuất khẩu.
Tại các địa phương, hoạt động sản xuất nông nghiệp cũng đang phục hồi rõ nét sau một thời gian dài thực hiện giãn cách xã hội, nhất là tại các tỉnh phía nam. Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt Lê Thanh Tùng thông tin: Vụ lúa đông xuân - vụ lúa quan trọng nhất của các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đang được triển khai với sự hỗ trợ về giống, bình ổn giá phân bón, thực hiện các giải pháp canh tác “xanh” nhằm giảm giá thành sản xuất, tăng chất lượng sản phẩm, tăng lợi nhuận cho nông dân.
Bên cạnh đó, chuỗi sản xuất và cung ứng ngành thủy sản cũng được tập trung khôi phục, đặc biệt là với ngành hàng cá tra, tôm để bảo đảm nguồn nguyên liệu ổn định cho những tháng cuối năm và tạo đà phát triển cho năm 2022.
Mặc dù vậy, bên cạnh sự lạc quan về tốc độ khôi phục sản xuất thì việc giữ vững đà tăng trưởng của ngành nông nghiệp những tháng cuối năm 2021 cũng vẫn còn những thách thức lớn. Chính vì vậy, trụ đỡ nông nghiệp cần nhận được sự trợ lực từ Chính phủ, các bộ, ngành liên quan về các vấn đề như: ưu tiên tiêm vaccine cho lực lượng lao động trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản; hỗ trợ nông dân về giống cây trồng vật nuôi, kỹ thuật canh tác, vốn để khôi phục sản xuất, bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm trong dịch Covid-19; hỗ trợ các doanh nghiệp về vốn, lãi suất, lưu thông, vận chuyển trong quá trình khôi phục chế biến và xuất khẩu…, nhằm mục tiêu đưa toàn ngành nông nghiệp bắt nhịp kịp thời cơ hội phục hồi và tăng trưởng thời gian tới.
Theo nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()