Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 06/11/2024 03:56 (GMT +7)
Gỡ điểm nghẽn trong quản lý nhà nước về hải quan tại các khu vực cảng nổi
Thứ 6, 25/02/2022 | 09:05:19 [GMT +7] A A
Thời gian qua, công tác quản lý nhà nước về hải quan đối với hàng hóa XNK, phương tiện vận tải xuất nhập cảnh (XNC) tại khu vực cảng nổi (cảng nước sâu không có cầu tàu, bến cảng) trên địa bàn tỉnh còn nhiều bất cập. Điều này đòi hỏi các ngành chức năng cần sớm có giải pháp tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế, chính sách quản lý, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong thủ tục giao nhận hàng hóa, thủ tục khai báo hải quan.
Cảng chuyển tải Hòn Nét (TP Cẩm Phả) gồm 2 khu chính là Hòn Nét và hòn Con Ong. Trong đó, khu vực Hòn Nét có chiều dài gần 7km gồm 29 điểm neo đậu, tiếp nhận tàu trọng tải đến 120.000 tấn; khu vực hòn Con Ong có chiều dài khoảng 10,5km, gồm 44 điểm neo đậu, tiếp nhận tàu tải trọng đến 65.000 tấn. Trong toàn bộ khu vực miền Bắc hiện cũng chỉ có khu neo đậu ở cảng Hòn Nét - Con Ong có khả năng tiếp nhận tàu chở hàng xô, rời, rắn cỡ lớn. Ngoài ra, đây là khu vực duy nhất cho phép bốc xếp hàng hóa dạng rời, như: Than, clinker, xi măng, đá... kích thước nhỏ, phục vụ cho hoạt động xuất khẩu.
Tuy nhiên, do đặc thù tại khu vực cảng nổi Cẩm Phả nằm cách xa bến cảng (trên 10 hải lý) không có cổng cảng, hàng hóa chủ yếu là hàng rời, do đó, không thể áp dụng được phương thức giám sát bằng “niêm phong hải quan”, “sử dụng phương tiện kỹ thuật” mà chỉ có thể áp dụng phương thức giám sát trực tiếp cho tất cả các trường hợp rủi ro cao, rủi ro trung bình, rủi ro thấp.
Ông Ngô Xuân Hiệp, Trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Cẩm Phả chia sẻ: Việc quy định doanh nghiệp tập kết đủ hàng hóa trên các sà lan tại khu vực cảng nổi trước khi tiến hành kiểm tra và lấy mẫu đối với hàng xuất khẩu đã và đang gặp rất nhiều khó khăn, như: Không đủ vị trí neo đậu cho sà lan; khu vực cảng nổi thời tiết có diễn biến rất bất thường hay có sóng to, gió mạnh... không an toàn cho phương tiện, cơ quan hải quan phải tổ chức giám sát cùng lúc nhiều phương tiện. Do đó trong công tác giám sát có nhiều khó khăn vướng mắc. Trong khi đó, khu neo đậu hiện hữu tại khu vực này đang quá tải, thậm chí có nhiều thời điểm, phương tiện vận tải XNK phải neo đậu tại phao số 0 để chờ đợi điểm neo tại khu chuyển tải Hòn Nét, gây thiệt hại không nhỏ cho doanh nghiệp do bị hãng tàu phạt dôi nhật.
Thực tế cho thấy, tại các khu vực cảng nổi trên địa bàn tỉnh hiện nay thường xuyên có nhiều phương tiện thủy nội địa di chuyển trong khu vực cảng để chở hàng hóa XNK, vận chuyển hàng nội địa. Chính vì vậy, việc tổ chức thực hiện giám sát đối với hàng xuất khẩu được chở trên các sà lan trong khu vực cảng nổi để giao nhận, bốc xếp hàng hóa là rất khó khăn.
Trước yêu cầu cần có hành lang pháp lý hoàn thiện, phù hợp, giúp thúc đẩy hoạt động XNK hàng hóa tại các các khu cảng nổi trên địa bàn tỉnh và giúp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước của cơ quan hải quan cũng như các đơn vị chức năng, ngày 16/2/2022, Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh đã phối hợp với Cục Giám sát quản lý (Tổng cục Hải quan) thực hiện khảo sát thực tiễn hoạt động XNK hàng hóa, XNC phương tiện tại khu vực Cảng Hòn Nét. Đồng thời tổ chức Hội nghị về công tác quản lý, giám sát đối với hàng hóa XNK, phương tiện vận tải XNC chuyển tải, sang mạn tại các khu vực cảng nổi, khu neo đậu.
Qua thực trạng đối với hoạt động kiểm tra thực tế hàng hóa, lấy mẫu, giám sát hải quan, Cục Hải quan tỉnh đã đề xuất một số nội dung trọng tâm liên quan đến hoạt động này và đề nghị đưa vào quy định tại Thông tư sửa đổi Thông tư số 38/2015/TT-BTC và Thông tư số 39/2018/TT-BTC của Bộ Tài chính ban hành năm 2018 các vấn đề về thời điểm khai báo hải quan đối với hàng rời, thời điểm nhóm hàng hóa là hàng rời xuất khẩu được xếp lên tàu biển xuất cảnh, việc áp dụng phương thức giám sát hải quan, việc lấy mẫu đối với hàng hóa là hàng rời như: Than, quặng, đá vôi...
Đồng thời đề xuất phương án kiểm tra, giám sát hàng hóa, phương tiện vận tải xuất nhập cảnh tại các khu vực cảng nổi, khu neo đậu (Hòn Nét, Cửa Dứa, Vạn Gia...) như: Đối với công tác kiểm tra thực tế hàng hóa xuất khẩu là hàng rời tại các cảng nổi, ngoài việc thực hiện theo quy định hiện hành, nếu phát sinh trường hợp doanh nghiệp không đủ phương tiện sà lan chở hàng đến địa điểm tập kết tại cảng nổi hoặc do điều kiện thời tiết, điều kiện an toàn hàng hải, nếu doanh nghiệp có nhu cầu tập kết, xuất trình hàng hóa trên tàu biển quốc tế (tàu sẽ chở hàng xuất khẩu) để kiểm tra thì cho phép doanh nghiệp được xếp lên tàu biển quốc tế. Áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro khi thực hiện hoạt động giám sát hải quan đối với hàng hóa và phương tiện vận tải trên cơ sở thu thập thông tin về phương tiện, hàng hóa xuất khẩu, Chi cục trưởng các đơn vị cảng biển có trách nhiệm tổ chức phân công công chức thực hiện giám sát trực tiếp đối với phương tiện, hàng hóa có rủi ro cao.
Trường hợp phương tiện, hàng hóa có mức độ rủi ro trung bình, rủi ro thấp thực hiện giám sát cơ động, giám sát theo khu vực, kết hợp với hoạt động tuần tra, kiểm soát địa bàn và phối hợp với lực lượng chống buôn lậu, các lực lượng chức năng trên địa bàn. Cho phép cơ quan hải quan thực hiện giám sát đối với hàng hóa kể từ khi phương tiện nội địa chở hàng hóa xuất khẩu cập mạn tàu biển quốc tế để giao nhận, bốc xếp hàng hóa.
Ông Đào Duy Tám, Phó cục trưởng Cục giám sát quản lý (Tổng cục Hải quan) khẳng định: Sau khi đi khảo sát thực tế và lắng nghe ý kiến góp ý của các đơn vị chức năng liên quan, đơn vị sẽ tiếp thu các nội dung đề xuất của Cục Hải quan Quảng Ninh để đưa vào Dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư 38 và Thông tư 39 về công tác quản lý hải quan đối với phương tiện vận tải XN cảng và hàng hóa XNK tại cảng nổi. Từ đó tháo gỡ được những điểm nghẽn trong công tác quản lý, giám sát đối với hàng hoá và phương tiện vận tải sang mạn tại các khu vực cảng nổi, thúc đẩy hoạt động XNK qua khu vực cảng biển của Quảng Ninh được thuận lợi hơn nữa.
Hoàng Nga
Liên kết website
Ý kiến ()