Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 13:23 (GMT +7)
Gỡ khó cho thuỷ sản Vân Đồn
Chủ nhật, 19/09/2021 | 08:11:15 [GMT +7] A A
Lượng thuỷ sản tồn lớn, giá thành giảm sâu, đứt gẫy chuỗi tiêu thụ… là thực trạng khiến nhiều hộ nuôi trồng ở Vân Đồn điêu đứng. Ngoài các giải pháp hỗ trợ tiêu thụ, phương án lâu dài là cách mà huyện, các ngành đang triển khai nhằm tháo gỡ khó khăn.
Trước tác động của dịch Covid-19 khiến các hoạt động du lịch tạm dừng, chuỗi tiêu thụ nhất là xuất khẩu bị đứt gẫy, gián đoạn trong khi thuỷ sản đến mùa thu hoạch làm cho các hộ dân điêu đứng. Bởi không tiêu thụ, khó quay vòng vốn mà vẫn phải bù, tăng chi phí chăm nuôi.
Trong chuyến khảo sát thực tế của cơ quan chức năng vừa qua, tại bè nuôi cá song của hộ ông Hoàng Văn Dương ở khu 9, thị trấn Cái Rồng vẫn đang tồn khoảng 250 tấn cá song. "Mỗi con cá đạt 4kg - 7,5kg, cá đặc sản đang lúc ngon nhất mà vẫn phải duy trì chăm, nuôi do chưa có đầu ra. Với chi phí thức ăn là 75-80 triệu đồng/lần (cho ăn 4 ngày/lần), chi phí chăm nuôi mỗi tháng vẫn đội lên hàng trăm triệu đồng” - ông Dương chia sẻ.
Không chỉ ông Dương, hộ ông Long Văn Quảng ở HTX Thắng Lợi cũng còn gần 600 tấn cá song đen kích cỡ từ 3-8kg/con. Đó là chưa kể khoảng 50 tấn cá song vang - cá đặc sản chuyên xuất khẩu khi đạt kích cỡ từ 20 - 30kg trở lên. Đây cũng là thực trạng của nhiều hộ nuôi hàu, ngao...
Theo thống kê, trên toàn huyện Vân Đồn có khoảng 3.500ha nuôi trồng thuỷ hải sản, trong đó nuôi hàu chiếm 70-80%, với khoảng gần 1.400 hộ. Có khoảng 4.800 lồng cá cộng với ước khoảng 300.000 tấn hàu cần tiêu thụ.
Thực trạng này là do "tắc" đầu ra do thị trường chính là xuất khẩu đang suy giảm hoặc đóng băng. Hoạt động du lịch nội tỉnh gần như không có nên việc tiêu thụ càng khó hơn. “Đứng trước thực trạng này, huyện đã tính toán, phối hợp với các doanh nghiệp, cơ quan chức năng thúc đẩy tiêu thụ, đồng thời tích cực đẩy nhanh quy hoạch, các giải pháp bền vững” - ông Hà Văn Ninh, Phó phòng NN&PTNT huyện chia sẻ.
Trước mắt, huyện Vân Đồn đã thiết lập đầu mối qua HTX Thắng Lợi kết nối với Công ty Hà Trang (Lạng Sơn) xuất khẩu cá song. Trung bình được 2 - 3 ngày/chuyến, từ 2,5 - 3 tấn/chuyến. Đồng thời cũng kết nối với chuỗi tiêu thụ nhỏ, linh hoạt chế biến sản phẩm mới như vận động chuỗi nhà hàng Hồng Hạnh (TP Hạ Long) phục vụ thực khách, vừa chế biến (cắt khúc, hút chân không) bán trong và ngoài tỉnh. Nhờ đó từ trung tuần tháng 8 tới nay đã tiêu thụ được khoảng 8 - 10 tấn cá song. Đây cũng là gợi mở cho sản phẩm vốn đang khó tiêu thụ này.
Huyện cũng kết nối với các sở, ngành Công thương, Nông nghiệp; thông tin các doanh nghiệp tiêu thụ nội địa; kết nối sản xuất đa dạng hoá sản phẩm, đưa vào hệ thống siêu thị... Tuy nhiên trên thực tế, các giải pháp tiêu thụ nội địa chỉ là tình thế hỗ trợ các hộ nuôi trồng. Về lâu dài, huyện đang đẩy nhanh cách làm bài bản, quan tâm quy hoạch, nâng chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm.
Cách làm căn cơ hơn là huyện đã khuyến khích thúc đẩy chế biến các sản phẩm gia tăng. Huyện có 38 cơ sở chế biến, gia công hàu đảm bảo hỗ trợ cho các đơn vị chuyên sản xuất xuất khẩu. Trên địa bàn huyện đã có 2 nhà máy chế biến của Tập đoàn Bim, thương hiệu Bavabi có thể chế biến, xuất khẩu hàu, giảm tải cho vùng nuôi hàu.
Để phát triển quy củ, hiện các cơ sở chế biến thuỷ sản đã được huyện Vân Đồn tập trung vào Khu tiểu thủ công nghiệp Tràng Hương (xã Đoàn Kết) rộng 50ha, giúp các cơ sở đầu tư, mở rộng sản xuất. Huyện cũng đã thu hút được dự án lớn như: Công ty CP Green Aquatech và đối tác quy mô chế biến khoảng 150 tấn thuỷ sản/ngày; một nhà đầu tư lớn khác mở chuỗi sản xuất khép kín từ giống tới chế biến thành phẩm với khả năng bao tiêu nguyên liệu trên quy mô 150ha nuôi trồng.
Xa hơn, huyện Vân Đồn tập trung sắp xếp lại, giao mặt biển, hạn chế theo hình thức nuôi tự phát, quảng canh; quy hoạch lại toàn diện từ khâu giống, nuôi trồng, chăn nuôi, tới bao tiêu, chế biến… tránh việc nuôi quảng canh lớn, chất lượng sản phẩm chưa cao. Trung tâm sản xuất giống đã được tỉnh và Bộ NN&PTNT quan tâm phê duyệt, đã hoàn thiện hạ tầng tại Lỗ Ố (Vườn Quốc gia Bái Tử Long và xã Vạn Yên), đang kêu gọi đầu tư; mời các nhà đầu tư có tiềm lực chăm lo được đầu ra cho các hộ nuôi trồng...
Hy vọng, với các giải pháp đồng bộ, sự quan tâm của các sở ngành và huyện sẽ góp phần giải quyết được căn cơ những khó khăn trong nuôi thuỷ sản ở Vân Đồn cho người dân.
Tạ Quân
- Tiêu thụ thủy sản: Cần thêm giải pháp cấp bách hỗ trợ ngư dân mùa dịch
- Quảng Ninh: Lên kế hoạch hỗ trợ tiêu thụ thủy sản
- Khơi thông tiêu thụ nông sản, thủy sản
- Tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu nông thủy sản: Ba giải pháp trọng tâm
- Tháo gỡ khó khăn trong sản xuất thủy sản do dịch bệnh
- Bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành thủy sản
Liên kết website
Ý kiến ()