Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 04:25 (GMT +7)
Gỡ “thẻ vàng” thuỷ sản
Thứ 4, 27/04/2022 | 08:26:06 [GMT +7] A A
Quảng Ninh có bờ biển dài, vùng biển rộng là lợi thế vô cùng lớn trong nuôi trồng, đánh bắt hải sản. Thế nhưng, cũng như nhiều địa phương có biển khác trong cả nước, Quảng Ninh đang gặp khó trong triển khai đồng bộ các giải pháp để sớm gỡ “thẻ vàng” về khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo, không theo quy định về chống đánh bắt hải sản (IUU).
Tháng 10/2017, Ủy ban châu Âu đã ra cảnh báo “thẻ vàng” đối với thủy sản Việt Nam do vi phạm quy định về khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định. Trong đó lỗi phổ biến đó là các tàu không có chứng nhận khai thác; nhiều tàu có hành vi khai thác thủy sản ở vùng biển nước ngoài; thủy sản chưa chứng nhận về nguồn gốc, an toàn thực phẩm… Để khắc phục những khuyến nghị của Uỷ ban châu Âu trong khai thác thủy sản, cùng với nỗ lực chung của cả nước, Quảng Ninh cũng đang gấp rút triển khai, phấn đấu hoàn thành việc gỡ “thẻ vàng” trong năm nay.
Hiện Quảng Ninh có tổng số 7.966 tàu khai thác thủy sản. Triển khai Chỉ thị số 45/CT-TTg ngày 13/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của Ủy ban châu Âu về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định, đến nay Quảng Ninh đã cấp giấy phép khai thác thuỷ sản cho 672/1.243 tàu khai thác ở vùng lộng. 209/209 tàu cá hoạt động tại vùng khơi thuộc diện bắt buộc phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đều đã lắp đặt xong và được trang bị đầy đủ thiết bị thông tin liên lạc theo quy định, được cấp giấy phép khai thác. Trước mỗi chuyến đi biển, các chủ tàu đã ý thức việc khai đăng ký lịch trình đi và về bến với cơ quan chức năng. Đây là những quy định bắt buộc mà các tàu cá phải thực hiện để có thể xuất khẩu thủy sản vào thị trường châu Âu.
Có một thực tế là số lượng tàu chưa tuân thủ các quy định IUU của Quảng Ninh còn rất lớn. Như tại Vân Đồn - địa phương có đội tàu khai thác vùng ven, vùng lộng lớn, tuy nhiên, một trong những hạn chế đối với công tác quản lý đội tàu cá này là thiếu nhiều thủ tục hành chính trong hoạt động đi biển.
Theo rà soát thì đội tàu cá của huyện Vân Đồn hiện có trên 900 phương tiện. Trong đó số tàu cá theo phân cấp do huyện quản lý có chiều dài từ 6m đến dưới 12m là hơn 650 phương tiện. Những tàu này hầu hết còn chưa có giấy phép khai thác thủy sản. Số tàu có chứng nhận đăng kiểm, chứng chỉ thuyền trưởng, sổ nhật ký thành viên trên tàu của huyện mới chỉ đạt khoảng 30%. Đây cũng là điểm yếu đã được Ủy ban châu Âu chỉ ra đối với các tàu cá vi phạm quy định về khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định.
Không riêng gì Vân Đồn, hiện số tàu cá chưa đăng kiểm, chưa được cấp phép giấy khai thác thủy sản do cấp huyện quản lý của Quảng Ninh còn nhiều. Trong số 4.725 tàu có chiều dài từ 6m đến dưới 12m mới có 3.012 tàu có chứng nhận đăng kiểm. 1.155 tàu được cấp phép khai thác thủy sản, đạt khoảng 40%.
Để nhanh chóng gỡ được “thẻ vàng” trong khai thác thuỷ sản, Quảng Ninh đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó có thí điểm thành lập, đưa Văn phòng đại diện, thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá tại cảng Cái Rồng vào hoạt động 24/24h để thực hiện kiểm tra, kiểm soát tàu cá, cấp phát mẫu, hướng dẫn trực tiếp thuyền trưởng, chủ tàu cá ghi chép, thu nhật ký khai thác thuỷ sản, báo cáo khai thác thuỷ sản, giám sát sản lượng thuỷ sản bốc dỡ qua cảng. Tuy nhiên, hiệu quả cũng chưa được như mong muốn.
Bên cạnh kết quả đạt được, công tác chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn đó là địa bàn quản lý rộng, số lượng tàu cá nhiều, neo đậu phân tán ở nhiều nơi gây khó khăn cho công tác kiểm soát tàu cá. Tỷ lệ tàu cá hoạt động vùng lộng, vùng ven bờ đăng kiểm cấp phép tương đối thấp so với số lượng tàu cá trên địa bàn. Quảng Ninh vẫn chưa có cảng cá chuyên dụng đủ điều kiện cho tàu cá vùng khơi cập cảng gây khó khăn cho công tác kiểm soát tàu cá tại cảng, cấp phát mẫu, thu hồi nhật ký khai thác thuỷ sản.
Gỡ “thẻ vàng” thuỷ sản là điều kiện quan trọng để cả nước nói chung, Quảng Ninh nói riêng có thể xuất khẩu thủy hải sản khai thác vào thị trường châu Âu, qua đó phát triển thủy sản có trách nhiệm, bền vững, giá trị cao. Chính vì vậy, các địa phương cần sớm chấn chỉnh, khắc phục các thiếu sót mà Ủy ban châu Âu đã cảnh báo.
Thái Bình
Liên kết website
Ý kiến ()