Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 05:42 (GMT +7)
Góp ý vào dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV
Chủ nhật, 09/08/2015 | 17:19:31 [GMT +7] A A
Chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành y
Theo Dự thảo báo cáo, trong 5 năm qua, lĩnh vực y tế tỉnh ta đã đạt được những kết quả khá toàn diện, góp phần chăm sóc tốt cho sức khỏe người dân. Nhiều chỉ số y tế của tỉnh đã đạt tương đương và cao hơn bình quân chung của cả nước, như: Số giường bệnh/vạn dân đã tăng từ 36 giường năm 2010 lên 42,3 giường năm 2015, gấp gần 2 lần trung bình cả nước; tỷ lệ bác sĩ/vạn dân đạt 10,5 bác sĩ, cao hơn trung bình cả nước 1,4 lần; 100% các xã, phường, thị trấn cơ bản đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt gần 80%, v.v..
Ảnh minh hoạ. |
Một trong những chỉ tiêu của tỉnh trong nhiệm kỳ tới mà Dự thảo đề ra liên quan tới lĩnh vực y tế là đạt tỷ lệ 12 bác sĩ/vạn dân vào năm 2020, theo tôi là hợp lý. Tuy nhiên, tỉnh và ngành Y tế cần chú trọng đề ra những biện pháp cụ thể để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành Y, đặc biệt là nâng cao trình độ chuyên môn của bác sĩ. Như thế, việc chuyển tuyến sẽ được hạn chế, nhân dân được khám, chữa bệnh ngay tại địa phương, giảm được chi phí, công sức và giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên.
Nguyễn Văn Minh (Thôn Đồng Ý, xã Việt Dân, TX Đông Triều)
Cần có chính sách cụ thể, thiết thực giảm sự chênh lệch giàu nghèo giữa các vùng, miền
Trong Dự thảo báo cáo có đánh giá về vấn đề xây dựng và phát triển con người, thực hiện an sinh, công bằng xã hội: Tỉnh đã thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng quy định các chế độ, chính sách của nhà nước; đồng thời huy động mạnh mẽ nguồn lực xã hội để hỗ trợ, giúp đỡ đối với người có công, đối tượng bảo trợ xã hội. Các hoạt động nhân đạo, từ thiện để góp phần thực hiện giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội được quan tâm, thu hút sự quan tâm của toàn xã hội. Tỉnh đã dành sự quan tâm đặc biệt tới vùng dân tộc, miền núi, biên giới và hải đảo; ban hành nghị quyết, ưu tiên nguồn lực ngân sách và thực hiện tốt các chính sách dân tộc nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo so với khu vực thành thị.
Trao tặng bò giống giúp người nghèo biên giới. (Ảnh minh hoạ) |
Tôi thấy Dự thảo mới chỉ có đánh giá chung chung về việc thực hiện an sinh, công bằng xã hội. Còn vấn đề “Xây dựng và phát triển con người” thì chưa thấy được đề cập đến, hoặc đề cập chưa sâu. Thêm nữa, trên thực tế, sự chênh lệch giàu nghèo giữa các vùng miền trên địa bàn tỉnh ngày càng thể hiện rõ. Do đó, Đảng bộ tỉnh lần này cần có những chính sách cụ thể, thiết thực để cải thiện cuộc sống của đồng bào dân tộc, hộ nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Vi Văn An (Thôn Đồng Thắng, xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu)
Đào tạo cán bộ là “công việc gốc của Đảng”
Bản Dự thảo được chuẩn bị công phu, đã đánh giá khách quan tình hình và kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII; phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2015-2020. Tôi xin tham gia về nội dung đào tạo cán bộ.
Đào tạo cán bộ được xem là “công việc gốc của Đảng”. Đảng ta luôn quan tâm đặc biệt đến công tác cán bộ và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Đặc biệt mỗi kỳ đại hội lại được tổng kết, đánh giá bổ sung và đề ra phương hướng nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Xác định rõ tầm quan trọng của công tác cán bộ, trong phần phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2015-2020, Dự thảo đã đề cập: “Về đào tạo và phát triển nguồn nhân lực: Tập trung triển khai có hiệu quả Quy hoạch phát triển nhân lực, Quy hoạch phát triển GD&ĐT và Quy hoạch mạng lưới cơ sở dạy nghề tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Đề án ”Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng và phát triển toàn diện nguồn nhân lực tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020”. Phát triển Trường Đại học Hạ Long thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh và sớm trở thành cơ sở đào tạo có uy tín trong nước. Hợp tác với các cơ sở GD&ĐT có uy tín trong và ngoài nước trong việc đào tạo các ngành nghề thuộc lĩnh vực ưu tiên của tỉnh. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong giảng dạy và học tập…”.
Học viên lớp bồi dưỡng cập nhật kiến thức cho cán bộ lãnh đạo quản lý và cán bộ dự nguồn lãnh đạo, quản lý tỉnh Quảng Ninh nhận bằng chứng nhận hoàn thành khoá học. (Ảnh minh hoạ) |
Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ có tính đặc thù riêng. Thực tiễn cho thấy, đào tạo cán bộ từ nhiều nguồn khác nhau. Tuyển chọn từ cơ sở, sinh viên giỏi tại các trường đại học và đặc biệt là những người đã có học hàm, học vị. Cách thức đào tạo cán bộ cũng rất phong phú. Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở trong các trường học có uy tín trong nước hoặc nước ngoài. Tỉnh Quảng Ninh hiện nay có Trường Đào tạo cán bộ Nguyễn Văn Cừ. Như vậy cũng không đáp ứng đầy đủ, toàn diện về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Thực tế cũng cho thấy, dù là sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, có bằng thạc sĩ khi mới ra trường cũng không đảm đương được ngay chức trách cán bộ. Vì vậy, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ còn thực hiện ngay trong hoạt động thực tiễn. Đó là cách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ có hiệu quả. Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ phải được thực hiện bằng một quá trình thường xuyên, liên tục. Để đảm đương công việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tại chỗ, tự đào tạo phải là cấp uỷ và chính quyền, ban, ngành ở cơ sở.
Từ những lý do trên, Dự thảo nêu rõ: “… Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, chú trọng đào tạo cán bộ ở các lĩnh vực mà tỉnh có nhu cầu; hoàn thiện cơ chế, chính sách trong đào tạo, bồi dưỡng gắn với trách nhiệm và hiệu quả đóng góp; đổi mới nội dung và chương trình đào tạo theo yêu cầu vị trí công tác. Làm tốt công tác quy hoạch cán bộ, phát hiện tạo nguồn cán bộ có năng lực, chú ý cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số, cán bộ xuất thân từ chuyên gia trên các lĩnh vực...”.
Ở phần này, tôi đề nghị thêm ý “gắn với quy hoạch và bổ nhiệm cán bộ” để có diễn đạt cụ thể như sau: “… Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đổi mới nội dung và chương trình đào tạo theo yêu cầu vị trí công tác; chú trọng đào tạo cán bộ ở các ngành, lĩnh vực tỉnh có nhu cầu; hoàn thiện cơ chế, chính sách trong đào tạo, bồi dưỡng gắn với quy hoạch và bổ nhiệm cán bộ. Làm tốt công tác quy hoạch cán bộ, phát hiện tạo nguồn cán bộ có năng lực, chú ý cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số, cán bộ xuất thân từ chuyên gia trên các lĩnh vực”.
Nguyễn Xuân Biên (Trường Đào tạo cán bộ Nguyễn Văn Cừ)
Liên kết website
Ý kiến ()