Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 27/12/2024 08:25 (GMT +7)
GS.TS Nguyễn Văn Kim: "Quảng Ninh có nhiều điều kiện để phát triển kinh tế biển xanh"
Chủ nhật, 30/10/2022 | 08:35:25 [GMT +7] A A
GS.TS. Nguyễn Văn Kim hiện là Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia; Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Hợp tác Quốc tế, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam. Trong những năm qua, ông đã phối hợp với các nhà khoa học Việt Nam, Nhật Bản, Hà Lan, Đức tiến hành thám sát, khai quật khảo cổ học, tìm kiếm tư liệu trong nước cũng như nước ngoài để hoàn chỉnh công trình chuyên khảo “Vân Đồn - Thương cảng quốc tế của Việt Nam”.
Phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh vừa có cuộc phỏng vấn GS.TS Nguyễn Văn Kim về những nội dung ông đã nghiên cứu về biển đảo Quảng Ninh.
- Thưa Giáo sư, Thương cảng cổ Vân Đồn có vị trí như thế nào trong sự phát triển của đất nước ta qua các thời kỳ?
+ Là một thương cảng hoạt động liên tục trong suốt 7 thế kỷ (thế kỷ 12 -19), Vân Đồn là thương cảng chính yếu của quốc gia Đại Việt và là một trong những đầu mối giao thương quan trọng của khu vực Đông Á. Vân Đồn có vai trò kinh tế, chính trị hết sức quan trọng với sự nghiệp phát triển, thiết lập và mở rộng các mối quan hệ, bang giao của quốc gia Đại Việt.
Cùng với hệ thống cảng biển, Thương cảng Vân Đồn còn có sự kết nối chặt chẽ với các bến, cảng đảo ven bờ, các cảng vùng cửa sông với vùng Vạn Ninh, Móng Cái, Quảng Yên, Cát Bà và các làng nghề truyền thống như nghề dệt, nghề gốm sứ cùng nhiều ngành nghề thủ công khác của vùng châu thổ sông Hồng cũng như với các miền núi cao Đông Bắc, Tây Bắc.
Cùng với các cảng sông và cảng cửa sông, Thương cảng Vân Đồn là trường hợp hiếm lạ trong lịch sử Việt Nam và Đông Nam Á bởi đặc tính của một cảng đảo. Vân Đồn là thương cảng hợp tụ nhiều nhóm, tập đoàn thương nhân Đại Việt, khu vực và quốc tế, có năng lực tổ chức cao, hoạt động chuyên nghiệp.
- Theo Giáo sư, tính chất quốc tế của Thương cảng Vân Đồn được thể hiện như thế nào?
+ Do nằm ở vị trí địa chiến lược, địa kinh tế quan trọng cho nên Vân Đồn từng hội tụ đầy đủ những điều kiện tự nhiên và xã hội thiết yếu cho sự hưng khởi của một thương cảng quốc tế đa chức năng. Tính chất quốc tế của Vân Đồn không chỉ được nhìn nhận ở vị trí trọng yếu của thương cảng trong hệ thống giao thương liên Á, là một trong hai tuyến chính của tuyến giao thương châu Á mà còn được thể hiện bởi vai trò của Vân Đồn trong các hoạt động kinh tế đối ngoại. Vân Đồn vừa là điểm khởi phát nhưng cũng là điểm đến của quốc gia Đại Việt để đón nhận các đoàn thuyền buôn quốc tế.
Tính chất quốc tế của Vân Đồn không chỉ được minh chứng bởi sự hiện diện đồng thời của nhiều lớp thương nhân ngoại quốc mà còn được biểu hiện bởi sự tập trung của nhiều loại hàng hóa xuất đi và nhập về có giá trị thương mại cao trên thương trường, mang đẳng cấp quốc tế. Tính chất quốc tế của Vân Đồn không chỉ được thể hiện ở vai trò tập trung, luân chuyển, điều phối các nguồn hàng trong nước, khu vực, quốc tế mà còn được lồng kết với vai trò đầu mối bang giao của đất nước.
- Nếu nhìn từ góc độ văn hóa thì vị thế của Vân Đồn được đánh giá như thế nào, thưa Giáo sư?
+ Vùng biển đảo Vân Đồn có cơ tầng văn hóa biển phong phú với nền văn hóa biển Hạ Long nổi tiếng. Trước những yêu cầu phát triển, khẳng định vị thế của đất nước, từ tầm nhìn Thăng Long, các triều đại Lý, Trần và nhiều triều đại quân chủ sau đó đã thiết lập, củng cố hoạt động của một trung tâm giao thương, bang giao khu vực, quốc tế, đồng thời mở ra một kênh đối thoại văn hóa ở vùng biển đảo. Nếu coi Đại Việt là quốc gia giữ vai trò hội giao giữa hai thế giới Đông Bắc Á và Đông Nam Á thì vùng biển đảo Đông Bắc là một trong những tâm điểm của các hoạt động kinh tế, văn hóa mang tính liên vùng. Vân Đồn còn có đội ngũ thương nhân có tri thức giao thương quốc tế có thể tư vấn về những hàng hóa có giá trị thương phẩm cao, giúp chúng ta khẳng định vai trò của một thương cảng quốc tế quan trọng.
- Thưa Giáo sư, theo sử sách thì những nguồn tài nguyên nào là đáng chú ý nhất ở vùng biển đảo Vân Đồn?
+ Đáng chú ý nhất là ngọc trai, sản phẩm buôn bán quý tộc lúc bấy giờ. Đây là loại sản vật quý được nhiều thị trường quốc tế, nhiều thương nhân ngoại quốc tìm mua. Vào thời Trần Minh Tông, khi Ngô Dẫn đem viên ngọc quý đến Vân Đồn, các chủ thuyền đều muốn có được vật báu. Có thương nhân ngoại quốc đã dốc toàn bộ nguồn vốn để mua được viên ngọc quý. Từ đó, Ngô Dẫn trở nên giàu có, vua Minh Tông vốn có tư duy thương nghiệp và thiện cảm với thương nhân nên đã gả công chúa Nguyệt Sơn cho Ngô Dẫn. Đến thời thuộc Minh (1407 - 1427) do biết rõ ở Vân Đồn sản sinh nhiều ngọc trai nên nhà Minh đã cho khai thác ngọc, hàng ngày có hàng ngàn người dân làm việc ấy. Cùng với ngọc trai, vùng biển đảo Đông Bắc còn có nguồn thủy sản phong phú và đều là những món ngon.
Ngoài ra còn có đồi mồi, châu sa, ốc biển, cá hoàng ngư, con vích. Trải qua bao thế hệ, cư dân vùng biển đảo Đông Bắc đã khai thác các nguồn hải sản đặc biệt là các loài nhuyễn thể, sá sùng, tôm rồng, bào ngư. Người vùng này cũng rất có ý thức trong việc bảo tồn gìn giữ nguồn lợi thủy hải sản. Cùng với các nguồn tài nguyên trên, rừng đảo Vân Đồn có nhiều loại gỗ quý có thể sử dụng cho việc xây dựng các công trình kiến trúc lớn và đóng tàu thuyền. Các đảo có nhiều cây thuốc và động vật quý, có loại trà ngon nổi tiếng và những mỏ cát tự nhiên chất lượng cao để chế tạo thủy tinh cao cấp, pha lê.
- Theo Giáo sư, những tiềm năng lớn của Vân Đồn như vậy do đâu mà có?
+ Tiềm năng sức mạnh của Thương cảng Vân Đồn được hợp tụ bởi nhiều nhân tố. Đó là sự kết hợp giữa vị trí địa lý chiến lược với cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ; là sự giao hòa giữa một vùng tài nguyên giàu có với chính sách khai mở của quốc gia; là địa bàn tập trung nhiều nguồn hàng có giá trị trong nước với các nguồn thương phẩm khu vực dồn tụ về qua các tuyến giao thương vùng và liên vùng.
Thương cảng Vân Đồn có vị trí địa lý, cảnh tự nhiên rất tiềm năng. Đây là vùng biển lý tưởng cho việc giao lưu thương mại luân chuyển hàng hóa. Vùng này gồm Bái Tử Long và một phần của Hạ Long là vùng biển và quần đảo là nơi có thể neo đỗ tàu thuyền tránh trú gió bão, tiếp nhận nước ngọt lương thực thực phẩm và trao đổi hàng hóa rất thuận lợi. Hiếm có một vùng biển nào có được điều kiện lý tưởng như thế.
- Từ câu chuyện của Vân Đồn, Giáo sư đánh giá như thế nào về chiến lược kinh tế biển của Quảng Ninh hiện nay?
+ Quảng Ninh có đường bờ biển dài, không gian biển rộng lớn. Kế thừa truyền thống, kinh nghiệm, hệ tri thức của người xưa, trong các kế hoạch, chiến lược phát triển, Quảng Ninh đang đẩy mạnh chiến lược phát triển kinh tế biển, hòa nhập với xu thế phát triển chung của đất nước, khu vực và thế giới. Quảng Ninh có nhiều điều kiện để phát triển kinh tế biển xanh, tập trung phát triển giao thương biển, khoa học công nghệ biển, dịch vụ biển và du lịch sinh thải nghỉ dưỡng cao cấp. Là tỉnh giàu tiềm năng, Quảng Ninh có nhiều ưu thế trong việc thực hiện thành công Chiến lược biển Việt Nam. Từ ngàn xưa cho đến hôm nay, vùng biển đảo Đông Bắc luôn là môi trường sống, không gian sinh tồn, cửa ngõ tiếp giao văn hóa và là vùng động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội, hội nhập khu vực và quốc tế của dân tộc Việt Nam.
- Trân trọng cảm ơn Giáo sư đã trả lời phỏng vấn!
Phạm Học (Thực hiện)
Liên kết website
Ý kiến ()