Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 13/09/2024 19:12 (GMT +7)
Động lực mới thúc đẩy các xã vùng cao Hạ Long phát triển
Chủ nhật, 11/08/2024 | 18:02:00 [GMT +7] A A
Ngày 9/8, nhân dân TP Hạ Long đã rất vui mừng, phấn khởi trước sự kiện thành phố tổ chức khởi công Dự án xây mới Trường THCS Trọng Điểm và xây dựng Hạ tầng kỹ thuật khu Bệnh viện đa khoa tỉnh và các cơ sở y tế, giáo dục chất lượng cao. Chỉ sau đúng 2 ngày (11/8), thành phố tiếp tục phát lệnh khởi công 4 công trình trọng điểm cho các xã vùng cao. Điều này cho thấy, sự quan tâm, ưu tiên đặc biệt của TP Hạ Long đối với các xã vùng cao luôn được thực hiện nhất quán và xuyên suốt trong hành trình phát triển của thành phố.
Không để lỡ nhịp phát triển
Năm 2020, sau khi sáp nhập thêm huyện Hoành Bồ, với tư duy “có đại lộ là có đại phú” dưới sự quan tâm của tỉnh, TP Hạ Long đã tập trung nguồn lực để đầu tư hạ tầng kỹ thuật, xây dựng những tuyến đường lớn kết nối các phường giữa trung tâm thành phố với các xã, đặc biệt là các xã vùng cao. Nổi bật có thể kể đến như Dự án đường Trại Me - Đồng Trà với tổng mức đầu tư 812 tỷ đồng, Dự án đường Mỏ Đông - Đồng Sơn với tổng mức đầu tư 375 tỷ đồng. Cả 2 dự án này hiện nay đều hoàn thành và đưa vào sử dụng, tạo thuận lợi về giao thông rất lớn cho việc đi lại của nhân dân. Cuối năm 2023 vừa qua, thành phố cũng đã tổ chức khởi công dự án đường qua trung tâm xã Sơn Dương với tổng mức đầu tư gần 820 tỷ đồng…
Thành phố cũng đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng cho các xã ở những lĩnh vực khác. Nhờ có sự quan tâm, đầu tư lớn tính đến hết năm 2021, thành phố có 12/12 xã đạt chuẩn NTM; được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM năm 2021. Đến hết năm 2023, thành phố có 6/12 xã đạt NTM nâng cao. Năm 2019, số hộ nghèo, cận nghèo các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số là 457 hộ thì đến hiện tại thành phố không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo và là địa phương đi đầu trong toàn tỉnh hoàn thành 100% hộ khó khăn mới phát sinh được sửa chữa, xây mới nhà ở và hỗ trợ cho trẻ em mất nguồn nuôi dưỡng đến năm 18 tuổi.
Trong lĩnh vực giáo dục, vùng các xã đồng bào dân tộc thiểu số có 22/25 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia, 25/25 trường đạt cơ sở vật chất mức độ 1. Đối với lĩnh vực y tế, 100% các xã đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế. Các xã cũng đã từng bước hình thành vùng sản xuất tập trung gắn với du lịch sinh thái cộng đồng.
Có thể khẳng định rằng, sau gần 5 năm sáp nhập, cơ sở hạ tầng và đời sống các xã vùng cao của thành phố đã có sự thay đổi, phát triển đáng kể. Đổi thay là vậy thế nhưng do địa bàn rộng lớn, đồng bào dân tộc thiểu số chỉ chiếm 7,3% dân số nhưng cư trú trên 70% diện tích tự nhiên, nhiều người dân còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại… dẫn đến những kết quả đạt được vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của địa phương, nhất là chưa đánh thức được tiềm lực phát triển của khu vực các xã. Sản xuất nông nghiệp chủ yếu vẫn theo phương thức truyền thống, nhỏ lẻ, manh mún, chưa có vùng sản xuất tập trung, chuyên canh lớn, ứng dụng công nghệ cao. Kết cấu hạ tầng của các xã chưa được đầu tư đồng bộ, hệ thống giao thông liên xã, liên thôn chưa có nhiều thay đổi. Các thiết chế văn hóa chưa được sử dụng hiệu quả, bản sắc văn hóa bản địa chưa được phát huy trở thành nguồn lực, động lực cho sự phát triển.
Đáng chú ý là thu nhập bình quân của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số đứng thứ 6/13 địa phương và vẫn thấp hơn mức bình quân chung toàn tỉnh. Tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch đang thấp nhất.
Trước yêu cầu phát triển nhanh và nhằm đẩy mạnh thu hút các nhà đầu tư chiến lược, khơi thông điểm nghẽn về nguồn lực, mở hướng phát triển về khu vực phía Bắc của thành phố, ngày 2/1/2024, Ban Thường vụ Thành uỷ Hạ Long đã ban hành Nghị quyết số 78/NQ-TU về ưu tiên nguồn lực, khai thác tiềm năng, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội các xã đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (gọi tắt là Nghị quyết 78). Nghị quyết đã đặt ra nhiều chỉ tiêu nổi bật đến năm 2025 như sau: Thu nhập bình quân đầu người vùng nông thôn phấn đấu đạt trên 100 triệu đồng/người/năm; mỗi xã ít nhất có một mô hình phát triển sản xuất tập trung; mở rộng thêm 290ha cây ăn quả có giá trị kinh tế cao; đưa Sơn Dương, Bằng Cả, Dân Chủ đạt xã NTM kiểu mẫu nổi trội về phát triển sản xuất, môi trường; thu hút ít nhất 3 doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp; 80% người dân được sử dụng nước sạch… Đến năm 2030, thành phố sẽ có 100% các xã đạt chuẩn NTM nâng cao, ít nhất 30% xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, 98,6% thôn NTM; 100% trục đường liên xã có hệ thống chiếu sáng công cộng; hoàn thành thu hút và triển khai xây dựng nhà máy xử lý rác thải tại xã Sơn Dương.
Ông Vũ Quyết Tiến, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Hạ Long khẳng định: Nghị quyết 78 sẽ là nghị quyết mang tính chiến lược, xương sống cho sự phát triển toàn diện của các xã trong giai đoạn tới. Việc ban hành nghị quyết này thể hiện sự quan tâm, chăm lo rất lớn cho sự phát triển các xã, đồng thời đáp ứng sự mong mỏi nguyện vọng của nhân dân các xã sau khi mở rộng địa giới hành chính. Đặc biệt là ngay sau khi Nghị quyết được ban hành, chỉ chưa đầy 6 tháng thành phố đã phê duyệt Quy hoạch chung đối với các xã; phê duyệt danh mục, lập các đồ án quy hoạch xây dựng, gồm: Quy hoạch phục vụ xúc tiến đầu tư lĩnh vực nông nghiệp; phát triển kinh tế xã hội; các dự án phát triển nhà ở xã hội; các công trình tôn giáo, tín ngưỡng. Từ công tác lập các quy hoạch chung, chi tiết, quy hoạch vùng… vị thế của các xã chắc chắn sẽ thay đổi khác so với trước kia về hạ tầng, cảnh quan, kiến trúc, phát triển vùng sản xuất. Đồng thời cũng tạo “đường dẫn” để thu hút các nhà đầu tư trong phát triển nông nghiệp. Đặc biệt, chúng tôi cũng tin tưởng rằng, với sự chăm lo của thành phố, sẽ ngày một thay đổi tư duy, nếp nghĩ, cách làm của bà con. Đây chính là mục tiêu bao trùm của Nghị quyết 78.
Kéo gần đô thị với vùng cao
Triển khai Nghị quyết số 78-NQ/TU, trong 7 tháng năm 2024, TP Hạ Long đã quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo công tác phổ biến, quán triệt việc triển khai Nghị quyết và các kế hoạch cụ thể hóa các nhiệm vụ giải pháp.
Theo đó, thành phố đã dành gần 600 tỷ đồng từ nguồn ngân sách để đầu tư các hạng mục công trình hạ tầng nông thôn tại 12 xã, gồm: 4 dự án xây dựng hệ thống cấp nước sạch sinh hoạt cho các xã với trên 228 tỷ đồng; các xã đăng ký triển khai thực hiện 45 dự án công trình hạ tầng với gần 327 tỷ đồng; lập 110 đồ án quy hoạch với kinh phí 28,5 tỷ đồng.
Đến nay, các xã đã tổ chức thi công 38 công trình, giải ngân trên 64 tỷ đồng (đạt 79% kế hoạch vốn cấp năm 2024). UBND thành phố đã phê duyệt quy hoạch chung đối với 10 xã và giao các xã chủ động tổ chức lập quy hoạch chi tiết để thu hút đầu tư các dự án phát triển nông nghiệp. Các xã cũng đã thực hiện tuyên truyền, vận động người dân hiến đất, mở rộng đường, mở rộng vùng sản xuất đối với các giống cây ăn quả, cây dược liệu có giá cao. Nhờ được đầu tư hạ tầng, phát triển sản xuất nên diện mạo và chất lượng cuộc sống của người dân các xã nông thôn của thành phố được nâng lên đáng kể.
Không chỉ hoàn thiện về hạ tầng xã hội, để nâng cao điều kiện kinh tế cho người dân, thành phố đã chỉ đạo các phòng ban, cơ quan chuyên môn, UBND các xã tích cực phối hợp, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp có nhu cầu đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp để tạo động lực, khuyến khích phát triển kinh tế - xã hội tại địa bàn 12 xã, đẩy mạnh hợp tác, liên kết trong sản xuất và đa dạng hóa hình thức tiêu thụ nông sản.
Đơn cử như Công ty TNHH Đầu tư phát triển CMT đang nghiên cứu thực hiện đầu tư khu chế biến dược liệu tại xã Quảng La, với diện tích 5ha; triển khai khu trồng dược liệu tập trung, phát triển dược liệu dưới tán rừng trồng khu vực các xã Sơn Dương, Dân Chủ, với diện tích 200ha. Công ty Cổ phần dược liệu KINHSAM đã thực hiện trồng thí điểm cây Sâm Bố chính tại địa bàn các xã Dân Chủ, Tân Dân (khoảng 0,6ha), đồng thời đang nghiên cứu triển khai trồng cây dược liệu tại 2 xã trên. Công ty Cổ phần Tập đoàn Rừng Vàng đề xuất nghiên cứu triển khai trồng dược liệu dưới tán rừng trồng tại khu vực thôn 1, xã Dân Chủ, với diện tích khoảng 30ha và liên kết mở rộng các hộ dân khoảng trên 517ha…
Song song với đó, công tác văn hóa, giáo dục, việc đảm bảo môi trường sống, dịch vụ y tế, an sinh xã hội cho người dân được quan tâm thực hiện. Trong 7 tháng năm 2024, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế khu vực 12 xã là trên 43.000 người (đạt 98,8%); hỗ trợ vay vốn thông qua Ngân hàng chính sách xã hội gần 35,6 tỷ đồng cho 396 hộ dân (đạt 99,9% kế hoạch); tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 89,6%; tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 65,6%. Thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân được củng cố vững chắc. Như vậy là chỉ trong thời gian rất ngắn, Nghị quyết số 78 đã dần đi vào cuộc sống, từng bước khơi dậy được tinh thần tự lực và ý chí chủ động vươn lên của người dân vùng cao của thành phố.
Không dừng lại ở những kết quả trên, ngay sau khi quy hoạch chung các xã được phê duyệt và nhằm hiện thực hóa Quy hoạch chung thành phố đến năm 2040 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thành phố đã ưu tiên nguồn lực để tập trung hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và xác định những hạng mục, công trình thực sự cấp bách, thiết yếu, đảm bảo cuối năm 2024 diện mạo các xã phải có sự thay đổi căn bản và cuối năm 2025 tất cả các xã phải được sử dụng nước sạch.
Theo đó, sáng 11/8, TP Hạ Long đồng loạt tổ chức khởi công các công trình trọng điểm nhằm lập thành tích chào mừng Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025-2030. Bao gồm: Dự án Đầu tư cải tạo hạ tầng khu vực trung tâm xã Bằng Cả; Dự án mở rộng khuôn viên, xây dựng bổ sung phòng học Trường mầm non Bằng Cả; Dự án Đầu tư cải tạo hạ tầng khu vực trung tâm xã Hòa Bình. Tổng kinh phí đầu tư khoảng 70 tỷ đồng.
Có mặt tại lễ khởi công dự án Đầu tư cải tạo hạ tầng khu vực trung tâm xã Bằng Cả sáng 11/8, chúng tôi phần nào cảm nhận được niềm vui, sự phấn khởi của người dân trong xã. Được biết Dự án sẽ góp phần hoàn thiện kết cấu hạ tầng, kiến trúc cảnh quan đồng bộ, hiện đại, với các hạng mục thi công như: Cải tạo hạ tầng trung tâm xã trên tuyến đường giao thông liên huyện Uông Bí – Hoành Bồ; bổ sung các hạng mục hệ thống hạ tầng kỹ thuật, vỉa hè, cây xanh; xây dựng bồn hoa tiểu cảnh, đường giao thông đấu nối…
Chị Bàn Thị Luyện (thôn 2, xã Bằng Cả) chia sẻ: Hân hoan, phấn khởi là tâm trạng của mỗi người dân chúng tôi lúc này. Mặc dù những năm qua, cấp ủy, chính quyền thành phố đã làm rất nhiều việc giúp dân, nào là làm đường giao thông, nào đưa các giống cây con mới về cho bà con sản xuất, rồi xây mới, nâng cấp các công trình trường, trạm, giúp việc đi lại, sinh hoạt của bà con thuận tiện hơn trước. Xã cũng có thêm nhiều hộ khá giả, nhiều mô hình kinh tế mới được phát triển. Thế nhưng sau khi có thêm dự án này, khu vực trung tâm xã của chúng tôi sẽ có cảnh quan hiện đại như những khu đô thị mới, những con đường giao thông sẽ được mở rộng khang trang, to đẹp… Bằng Cả rồi sẽ ngày càng tươi đẹp, là vùng quê đáng sống của chúng tôi.
Chung niềm vui này, tại xã Quảng La, khi Dự án xây dựng bổ sung phòng học Trường mầm non Quảng La chính thức được khởi công đã mang đến những hy vọng lớn cho người dân. Khi tới đây con em được học tập, chăm sóc trong ngôi trường được đầu tư hiện đại.
Chị Lương Thị Mai (thôn 5, xã Quảng La) vui mừng cho biết: Chúng tôi rất cảm ơn sự quan tâm của lãnh đạo các cấp đến vùng đồng bào DTTS miền núi. Vậy là không chỉ có ngôi trường cấp 2-3 Quảng La được xây rất khang trang, to đẹp mà nay lại được thành phố xây dựng bổ sung phòng học cho trường mầm non, phụ huynh chúng tôi rất phấn khởi, tin tưởng vì con em mình đã được quan tâm giáo dục trong môi trường giáo dục tốt nhất, được học trong những ngôi trường tốt nhất.
Sau lễ khởi công những công trình trọng điểm, động lực trên, TP Hạ Long cũng sẽ tập trung thực hiện đợt cao điểm cho công tác GPMB Dự án Tuyến đường nối Tỉnh lộ 342 đến Quốc lộ 279 qua trung tâm xã Sơn Dương; đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư, xây dựng, đấu nối hệ thống cung cấp nước sạch tại các xã Sơn Dương, Đồng Lâm, Vũ Oai, Hòa Bình, Dân Chủ, Quảng La, Bằng Cả, Tân Dân; Đồng Sơn, Kỳ Thượng; hoàn thiện việc xây mới, mở rộng, cải tạo, sửa chữa các trường học đảm bảo đạt chuẩn về cơ sở vật chất chuẩn bị cho năm học mới 2024-2025. Đồng thời tăng cường thực hiện các giải pháp phát triển nông, lâm nghiệp gắn với du lịch cộng đồng; đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển các vùng trồng cây dược liệu dưới tán rừng, gắn với chế biến hàng hóa, xây dựng thương hiệu giá trị cao; xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn theo chuỗi liên kết.
Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP Hạ Long cho biết: Việc tiếp tục tập trung nguồn lực đầu tư hoàn thiện hạ tầng tại các xã vùng cao trên địa bàn là một trong những yếu tố quan trọng để tạo ra diện mạo mới, sức sống mới cho Hạ Long. Từ đó, tạo đà cho thành phố đạt được những bước phát triển mạnh mẽ hơn nữa, toàn diện hơn nữa; tiếp tục khẳng định vị thế đô thị thủ phủ của tỉnh. Đồng thời, góp phần thực hiện thành công 1 trong 3 khâu đột phá được xác định tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV là xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh gắn với thu hẹp nhanh khoảng cách giàu nghèo và chênh lệch vùng miền; nâng cao hơn nữa chất lượng cuộc sống người dân.
Hoàng Nga-Thanh Tùng
- TP Hạ Long đồng loạt khởi công các dự án trọng điểm chào mừng đại hội Đảng các cấp
- "Của để dành" trên Vịnh Hạ Long
- Hạ Long: Tổ chức tập huấn cập nhật kiến thức về Luật Đất đai 2024 đến tận tổ trưởng thôn, khu của 33 xã, phường
- Hạ Long phấn đấu gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO vào năm 2027
- Hạ Long: Khởi công Dự án xây mới Trường THCS Trọng Điểm
- Hạ Long: 65 giáo viên tình nguyện xin luân chuyển đến công tác tại vùng khó
- Xây dựng, phát triển thành phố Hạ Long lên tầm cao mới
Liên kết website
Ý kiến ()