Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 16/11/2024 08:20 (GMT +7)
TP Hạ Long: Quyết tâm nhân rộng những cánh rừng gỗ lớn
Thứ 7, 05/03/2022 | 15:18:06 [GMT +7] A A
TP Hạ Long là một trong những địa phương có diện tích rừng lớn nhất tỉnh với 150.000ha rừng sản xuất và có điều kiện thổ nhưỡng rất thích hợp để phát triển các cây gỗ lớn. Nhằm phát huy lợi thế này, thời gian qua, TP Hạ Long đã tập trung triển khai những giải pháp quan trọng nhất để nhân lên diện tích trồng rừng với những loài cây gỗ lớn, có giá trị kinh tế cao.
Theo thống kê của Phòng Kinh tế TP Hạ Long, sản lượng khai thác hàng năm từ rừng trồng sản xuất trên địa bàn thành phố khoảng 60.000-95.000m3/năm. Tuy nhiên, cũng như nhiều địa phương có rừng, chất lượng rừng của TP Hạ Long còn rất hạn chế, hiệu quả kinh tế chưa cao do người dân chủ yếu trồng cây keo, cây bạch đàn. Vì vậy, các sản phẩm gỗ khai thác từ rừng hiện chủ yếu dùng làm nguyên liệu phục vụ chế biến thô (sản xuất dăm mảnh, ván bóc), nhiều người dân vẫn chưa thật sự làm giàu được từ rừng. Với quyết tâm nhân lên những cánh rừng gỗ lớn phù hợp với đặc thù của địa phương, TP Hạ Long triển khai mạnh mẽ Nghị quyết số 337/2021/NQ-HĐND ngày 24/3/2021 của HĐND tỉnh về việc quy định một số chính sách đặc thù để khuyến khích phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
Để Nghị quyết 337 đi vào cuộc sống, Phòng Kinh tế thành phố đã cùng với Hạt Kiểm lâm, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh làm việc với các xã và các hộ dân có nhu cầu trồng rừng gỗ lớn để hướng dẫn và hỗ trợ người dân viết đơn đăng ký tham gia. Các địa phương của thành phố khuyến khích người dân trồng mới các loại cây lâu năm, chất lượng gỗ tốt, kết hợp với trồng dược liệu dưới tán rừng và khai thác lâm sản phụ để mở hướng phát triển bền vững cho ngành lâm nghiệp trên địa bàn.
Bước vào vụ trồng rừng năm nay, hộ anh Triệu Kim Bằng, thôn Đèo Đọc, xã Đồng Lâm, TP Hạ Long, đã chuyển đổi 4ha rừng trồng keo của gia đình sang trồng cây giổi. Anh Bằng chia sẻ: Được thành phố tuyên truyền về chuyển đổi diện tích rừng sang trồng rừng lâu năm, tôi thấy, đây là biện pháp rất hiệu quả để bảo vệ và phát triển rừng. Không giống như cây keo chỉ trồng mấy năm rồi thu hoạch sẽ ảnh hưởng đến sinh thái và đất đai, với diện tích rừng trồng thay thế là cây giổi sẽ là điều kiện để chúng tôi phát triển kinh tế lâu dài và bền vững cho cả thế hệ mai sau.
Cũng giống như gia đình anh Bằng, năm nay gia đình chị Bàn Thị Miên, thôn Tân Ốc 2, xã Đồng Sơn, quyết định thay thế 3,7ha đất trồng keo để trồng 20.000 cây quế. Chị Miên cho biết: Qua tìm hiểu, tôi thấy rằng việc trồng rừng lâu năm sẽ cho lợi ích bền vững hơn nên tôi cùng với nhiều hộ dân trong xã đã từng bước chuyển đổi diện tích rừng sản xuất hàng năm sang trồng cây lâu năm. Tôi mong rằng, trong thời gian tới chính quyền sẽ tiếp tục có những cơ chế khuyến khích, cũng như hỗ trợ phát triển các sản phẩm lâm sản phụ trợ và tiêu thụ để người dân chúng tôi yên tâm phát triển rừng lâu năm.
Năm 2021, TP Hạ Long đã rà soát, đánh giá hiện trạng diện tích rừng sản xuất của các đơn vị nhà nước đang quản lý, diện tích rừng sản xuất giao cho dân mà có thể triển khai trồng rừng gỗ lớn. Đến nay, các xã, phường có rừng của Hạ Long đã tích cực vận động người dân đăng ký trồng rừng gỗ lớn với các giống: Giổi, long não, lát... Đến hết năm 2021, trên địa bàn thành phố đã trồng 144ha rừng lâu năm với 64 hộ tham gia, tổng số tiền hỗ trợ về giống, phân bón, vật tư là 1,5 tỷ đồng. Năm 2022, trên địa bàn thành phố có 113 hộ dân đăng ký tham gia trồng rừng lâu năm với diện tích chuyển đổi là 238ha.
Để nâng cao hiệu quả diện tích chuyển đổi sang trồng rừng lâu năm, thành phố chỉ đạo các xã, phường hoàn thành công tác kiểm tra sơ bộ hiện trường trồng rừng gỗ lớn, cây bản địa; lập phương án hỗ trợ; thực hiện công tác trồng rừng gỗ lớn, cây bản địa theo các phương án, dự án liên kết sản xuất đã được phê duyệt và thanh quyết toán kinh phí hỗ trợ theo đúng các quy định hiện hành. Đồng thời, tiếp tục vận động cán bộ, công chức, đảng viên và các hộ dân có diện tích được giao, cho thuê đăng ký trồng cây lâu lăm. Để chủ động nguồn giống cây trồng, chất lượng cao, thành phố đã chủ động phối hợp cùng các đơn vị doanh nghiệp, chủ vườn ươm đảm bảo cung ứng giống cây trồng chất lượng cao, phục vụ nhu cầu trồng rừng tập trung và trồng rừng gỗ lớn của người dân trên địa bàn. Riêng đối với các xã có diện tích rừng thuộc lưu vực lòng hồ Yên Lập, TP Hạ Long đã yêu cầu các xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân chuyển từ rừng sản xuất sang rừng phòng hộ và thực hiện trồng cây bản địa gỗ lớn để tăng khả năng giữ nước, hạn chế xói mòn, bồi tụ trong lưu vực của hồ.
Với cách làm tích cực, bài bản, những cánh rừng lâu năm trên địa bàn TP Hạ Long sẽ ngày càng được nhân rộng và phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao độ che phủ rừng, bảo vệ sinh thái và môi trường tự nhiên bền vững.
Nguyễn Thanh
Liên kết website
Ý kiến ()