Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 14:53 (GMT +7)
“Hạ Long sẽ có những lễ hội, sản phẩm du lịch đặc sắc cả 4 mùa trong năm”
Thứ 2, 12/08/2024 | 12:01:01 [GMT +7] A A
Ngày 28/6/2024, UBND TP Hạ Long đã ban hành Quyết định số 7556/QĐ-UBND phê duyệt Đề án “Hạ Long - Thành phố lễ hội”. Mục tiêu của Đề án nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, các di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn qua việc tổ chức các lễ hội, sự kiện, gắn với mục tiêu xây dựng Hạ Long là thành phố lễ hội, trung tâm du lịch quốc gia, mang tầm quốc tế. Phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh đã phỏng vấn ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND thành phố (ảnh) về nội dung này.
- Ông cho biết mục tiêu, ý nghĩa của việc triển khai Đề án “Hạ Long - Thành phố lễ hội”?
+ Sau khi Hoành Bồ sáp nhập vào, Hạ Long trở thành đô thị loại I trực thuộc tỉnh có diện tích tự nhiên lớn nhất nước, đô thị độc đáo “có một không hai” cả về cảnh quan, địa hình và tài nguyên du lịch. Không chỉ được thiên nhiên ban tặng vẻ đẹp hùng vĩ, mà nơi đây còn có nguồn tài nguyên du lịch văn hóa, lịch sử rất phong phú và độc đáo với 96 di tích lịch sử - văn hóa - danh thắng, 13 lễ hội truyền thống và hiện đại. Trong đó, nổi bật nhất là Vịnh Hạ Long được UNESCO 3 lần ghi danh là Di sản thiên nhiên thế giới.
Để đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của người dân và du khách, một số lễ hội, sự kiện mới đã được chính quyền và nhân dân thành phố sáng tạo tổ chức, bước đầu đem lại kết quả tích cực, góp phần quảng bá, xúc tiến đầu tư, xúc tiến du lịch. Những hoạt động này cho thấy cách tiếp cận linh hoạt, mềm dẻo, đáp ứng được những thay đổi trong nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ văn hóa mới của du khách và nhân dân, nhưng vẫn giữ được các giá trị văn hóa truyền thống.
Tuy nhiên, hiện nay một số lễ hội truyền thống tổ chức ở quy mô nhỏ, chưa gắn với các hoạt động quảng bá, kích cầu du lịch. Mặc dù tần suất tổ chức sự kiện nhiều, nhưng chủ yếu tập trung vào các dịp nghỉ lễ, chưa tổ chức đều vào các mùa, các tháng trong năm, đặc biệt vào các mùa thấp điểm du lịch (mùa xuân, mùa thu, mùa đông). Nhiều lễ hội, sự kiện chưa có kế hoạch sớm, nên công tác hiệp đồng, phối hợp chưa chặt chẽ, hiệu quả chưa thực chất. Khắc phục những tồn tại trên, TP Hạ Long đã xây dựng Đề án “Hạ Long - Thành phố lễ hội”.
- Để sớm hiện thực hoá Đề án, TP Hạ Long sẽ có những kế hoạch, giải pháp cụ thể nào?
+ Để thực hiện Đề án, ngoài việc tổ chức lễ hội Carnaval Hạ Long theo quy mô cấp tỉnh, chúng tôi sẽ duy trì tổ chức các lễ hội, sự kiện đang có và đặc biệt là thành phố sẽ điều chỉnh lại thời gian tổ chức một số lễ hội, sự kiện, xây dựng thêm các sự kiện văn hóa du lịch mới để các tháng, các mùa trong năm đều có lễ hội, sự kiện, đặc biệt là các mùa thấp điểm của du lịch Hạ Long. Dự kiến có 16 lễ hội, sự kiện văn hóa cấp thành phố; 14 lễ hội du lịch cấp xã, phường.
Cụ thể từ năm 2024, thành phố sẽ phục dựng và tổ chức lại một số lễ hội truyền thống, như: Lễ mừng cơm mới của người Tày (xã Dân Chủ), Lễ Đại Phan của dân tộc Sán Dìu, Lễ hội chùa Lôi Âm, Lễ hội Đền Cái Lân, Lễ hội chùa Long Tiên; nâng quy mô tổ chức lên cấp thành phố đối với Hội làng Bằng Cả và Lễ hội Đền vua Lê Thái Tổ; xây dựng hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng di sản văn hóa phi vật thể đối với Lễ hội Đền Đức Ông Trần Quốc Nghiễn (năm 2025-2026), Lễ hội Đền vua Lê Thái Tổ (2027). Đồng thời tạo điều kiện, thu hút các nhà đầu tư dàn dựng, tổ chức các chương trình sản xuất phim điện ảnh, âm nhạc, giải trí, biểu diễn thực cảnh, gắn với văn hóa biển, đảo, văn hóa truyền thống của các dân tộc trên địa bàn.
Thành phố cũng đã có những kế hoạch rất chi tiết để tổ chức một số lễ hội, sự kiện văn hóa du lịch mới, đặc sắc với quy mô lớn, tập trung vào những tháng thấp điểm du lịch, như: Lễ hội Hoa anh đào và Tuần văn hóa Nhật Bản (tháng 2); Lễ hội Dù bay có động cơ và dù lượn (tháng 6); Lễ hội Xe Fun Wheels Festival Hạ Long (tháng 7); Đua thuyền buồm thể thao và thuyền rồng truyền thống (tháng 8); Lễ hội Trăng rằm và trình diễn ánh sáng nghệ thuật bên Vịnh Di sản (tháng 8 âm lịch); Lễ hội Khinh khí cầu, Lễ hội Mùa ổi chín (tháng 9); Ngày Di sản Vịnh Hạ Long, Lễ hội Hoa tại thiên đường hoa Quảng La (tháng 12); Lễ hội Hoa xuân Hạ Long (tháng Chạp)…
Thành phố cũng đặt ra những yêu cầu cụ thể với từng đơn vị, địa phương trong triển khai Đề án. Đối với Carnaval Hạ Long sẽ xây dựng kế hoạch, kịch bản tổ chức lễ hội, sự kiện, gửi lấy ý kiến của các đơn vị liên quan đảm bảo thời gian tối thiểu hoàn thành trước 6 tháng; đối với các sự kiện, lễ hội của thành phố sẽ hoàn thành trước 3 tháng, riêng Lễ hội Đền Đức Ông Trần Quốc Nghiễn hoàn thành trước 4 tháng; còn lễ hội cấp xã, phường phải hoàn thành kế hoạch, kịch bản trước 2 tháng.
Chúng tôi tin rằng với việc phê duyệt và ban hành các kế hoạch để triển khai Đề án “Hạ Long - Thành phố lễ hội” thì ngay trong những tháng cuối năm 2024, thành phố sẽ có những bước chuyển mình tích cực hơn nữa, tạo ra ngày càng nhiều sản phẩm du lịch đặc sắc, đẳng cấp, thu hút khách du lịch. Từ đó đóng góp quan trọng vào tăng trưởng của nền kinh tế và là một trong những động lực để xây dựng TP Hạ Long “Kiểu mẫu, hiện đại, giàu đẹp, văn minh, nghĩa tình”, "Thành phố của hoa và lễ hội"; thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ chính trị mà tỉnh đã giao.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Hoàng Nga
Liên kết website
Ý kiến ()