Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 31/12/2024 03:40 (GMT +7)
Hà Nội nhiều đổi thay từ sau ngày 10/10 lịch sử
Thứ 7, 09/10/2021 | 10:49:32 [GMT +7] A A
Ngày 10/10/1954, Ủy ban Quân chính thành phố và Đại đoàn Quân Tiên phong - Sư đoàn 308 từ năm cửa ô tiến về tiếp quản Thủ đô. Người dân Hà Nội như vỡ òa trong khoảnh khắc lịch sử. Rừng người, từ già trẻ lớn bé, tay cầm cờ hoa hân hoan vẫy chào đoàn quân giải phóng tạo nên một không khí tưng bừng và náo nhiệt chưa từng thấy, trong tiếng loa phóng thanh đang rộn vang lời hát “Tiến về Hà Nội”.
Ảnh xưa: Sáng 10/10/1954, các cánh quân của Đại đoàn Quân Tiên Phong từ các cửa ô tiến vào tiếp quản Thủ đô được giải phóng trong rừng cờ hoa đón chào của 20 vạn người dân Hà Nội. (Tư liệu TTXVN)
Ảnh nay: Diện mạo Hàng Đào ngày nay đã nhiều thay đổi, nhưng cảnh tượng tấp nập kẻ mua người bán của nơi đây vẫn còn đó theo thời gian. Tuy nhiên, khác với sự đông đúc, sầm uất thường ngày, trong những ngày giãn cách do dịch, con phố cũng trở nên thưa thớt, vắng vẻ khác lạ. (Ảnh: Minh Duy)
Ảnh xưa: Rạp chiếu phim lại đông đúc người xem. Mọi hoạt động của Thủ đô nhanh chóng trở lại bình thường sau ngày giải phóng. Hà Nội bước sang một trang sử mới. (Tư liệu TTXVN)
Ảnh nay: Rạp Công nhân ngày nay đã được chuyển đổi công năng từ rạp chiếu bóng thành một trung tâm biểu diễn triển lãm đa năng, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ hiện đại của Thủ đô. (Ảnh: Minh Duy)
Ảnh xưa: Chợ Đồng Xuân tấp nập người mua bán. Mọi hoạt động của Thủ đô nhanh chóng trở lại bình thường sau ngày giải phóng. Hà Nội bước sang một trang sử mới. (Tư liệu TTXVN)
Ảnh nay: Chợ Đồng Xuân là một trong những khu chợ đầu mối buôn lớn nhất của Thủ đô. Ngoài các mặt hàng đồ điện tử, loa đài, pin sạc, vải vóc, quần áo… các hàng quán dịch vụ ăn uống chung quanh chợ lúc nào cũng đông đúc thực khách. (Ảnh: Minh Duy)
Ảnh xưa: Nhà hát Lớn Hà Nội trong ngày Ủy ban Quân chính ra mắt nhân dân Thủ đô (10/1954). (Tư liệu TTXVN)
Ảnh nay: Vượt qua bao thăng trầm, Nhà hát Lớn hiên ngang như một chứng nhân lịch sử. Hơn hết, công trình 110 tuổi với lối kiến trúc độc đáo vẫn là một không gian thưởng thức nghệ thuật bậc nhất của Thủ đô. (Ảnh: Minh Duy)
Ảnh xưa: Thiếu tướng Vương Thừa Vũ, Tư lệnh Đại đoàn 308 (nay là Sư đoàn 308 - Sư đoàn Quân Tiên phong), Chủ tịch Ủy ban Quân chính thành phố đọc Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Thủ đô, tại Lễ chào cờ đầu tiên trong Ngày giải phóng Hà Nội, diễn ra tại sân Cột Cờ (nay là Đoan Môn - Hoàng thành Thăng Long) vào lúc 15 giờ ngày 10/10/1954. (Tư liệu TTXVN)
Ảnh nay: Sau nhiều giai đoạn lịch sử và sự tác động của thời gian, công trình Cột cờ Hà Nội vẫn còn nguyên vẹn hình dáng ban đầu và giá trị lịch sử trong khuôn viên Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội, là điểm đến du lịch thu hút của đồng bào cả nước và bạn bè quốc tế. (Ảnh: Minh Duy)
Ảnh xưa: Các đơn vị bộ đội thuộc Đại đoàn 308 Quân Tiên Phong tiến vào khu vực ngã năm Bờ Hồ (nay là quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục), sáng 10/10/1954 trong tiếng reo vui của hàng vạn người dân Thủ đô. (Tư liệu TTXVN)
Ảnh nay: Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục nay đã trở thành phố đi bộ mỗi dịp cuối tuần, là điểm tổ chức thường xuyên các sự kiện văn hóa, nghệ thuật lớn của thành phố, thu hút sự tham gia của đông đảo người dân Thủ đô và du khách, trước khi dich bệnh bùng phát. (Ảnh: Minh Duy)
Ảnh xưa: Hàng vạn người dân Hà Nội tràn ra đường chào đón đoàn quân chiến thắng về giải phóng Thủ đô ở khu vực hồ Hoàn Kiếm, sáng 10/10/1954. (Tư liệu TTXVN)
Ảnh nay: Các tuyến phố chung quanh hồ Hoàn Kiếm tập trung nhiều trụ sở của các cơ quan, văn phòng. Hồ Hoàn Kiếm là cái tên nổi bật trong danh sách các điểm đến chắc chắn phải đi tham quan của du khách mỗi dịp ghé Hà Nội. Giai đoạn trước dịch, nơi đây cũng trở thành tuyến phố đi bộ trong sự hưởng ứng của nhân dân Thủ đô mỗi dịp cuối tuần. (Ảnh: Minh Duy)
Ảnh xưa: Những người lính Pháp cuối cùng rút qua cầu Long Biên để xuống Hải Phòng, chiều 9/10/1954. (Tư liệu TTXVN)
Ảnh nay: Là một trong những cây cầu nối liền hai bờ của sông Hồng, cầu Long Biên nay còn là địa điểm lý tưởng để chiêm ngưỡng toàn cảnh Hà Nội và có những phút giây thư giãn thoải mái, bình yên nhìn ngắm mặt trời lặn trong làn khói lam chiều. (Ảnh: Minh Duy)
Ảnh xưa: Sáng 9/10/1954, Quân đội nhân dân Việt Nam theo nhiều đường, từ ngoại thành tiến vào Hà Nội, lần lượt tiếp quản ga Hàng Cỏ, Phủ Toàn quyền cũ, khu Đồn Thủy, khu Bờ Hồ, Bắc Bộ phủ. (Tư liệu TTXVN)
Ảnh nay: Ga Hàng Cỏ (tên gọi cũ của Ga Hà Nội ngày nay) đã thưa dần bóng người và cảnh tượng chia tay bịn rịn trên sân ga, bởi sự xuất hiện của những loại hình giao thông vận tải mới hiện đại hơn, thuận tiện hơn. Nhưng với một vị trí không thể thay thế trong dòng chảy lịch sử cũng như nền kinh tế nước nhà, ga Hà Nội vẫn luôn được chú trọng đầu tư đổi mới, góp một phần quan trọng trong huyết mạch giao thông vận tải của toàn quốc. (Ảnh: Minh Duy)
Ảnh xưa: Một đơn vị Quân đội nhân dân Việt Nam tiếp quản nhà tù Hỏa Lò, ngày 9/10/1954. (Tư liệu TTXVN)
Ảnh nay: Với vai trò lịch sử của mình, nhà tù Hỏa Lò trở thành địa điểm tham quan thú vị ở Hà Nội hấp dẫn rất đông du khách trong và ngoài nước hiện nay. Di tích lịch sử 125 tuổi cũng là “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. (Ảnh: Minh Duy)
Theo Nhân dân
Liên kết website
Ý kiến ()