Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 14/11/2024 22:19 (GMT +7)
Hải Hà: Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống
Thứ 7, 07/09/2024 | 10:01:27 [GMT +7] A A
Những năm qua huyện Hải Hà luôn quan tâm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa địa phương, góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Trên địa bàn huyện hiện có 6 di tích lịch sử văn hóa: Đền Trần Hưng Đạo, Đình - Miếu Cái Chiên, Đình My Sơn, Đình Quang Lĩnh, Di chỉ đồ đồng, Di chỉ đồ đá (Tấn Mài). Trong đó 2 di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng cấp tỉnh là: Đền Trần Hưng Đạo (thị trấn Quảng Hà), được công nhận năm 2002; Di tích Đình - Miếu Cái Chiên (xã Cái Chiên), được công nhận năm 2018. Có 2 Cây Di sản Việt Nam được công nhận năm 2024 là Cây Đa thôn 3 (xã Quảng Chính) và Cây Đa thôn 9 (xã Quảng Minh).
Thời gian qua, các cấp ủy đảng, chính quyền huyện luôn quan tâm chỉ đạo, triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa, nhất là đối với các di sản văn hóa đặc trưng, mang dấu ấn văn hóa riêng của địa phương; gắn công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội địa phương, nhất là phát triển du lịch.
Huyện đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục ý thức cho nhân dân, đặc biệt đối với thế hệ trẻ, về việc bảo tồn và phát huy giá trị các di tích. Năm 2019 huyện phối hợp với Sở VH&TT điều chỉnh mở rộng ranh giới khoanh vùng di tích Đền Trần Hưng Đạo từ 2.960m2 lên 3.018m2 cho phù hợp với quy hoạch và nhu cầu. Trong 5 năm từ (2018-2024) có 2 di tích lịch sử văn hoá được trùng tu, tôn tạo với quy mô nhỏ: 3 ngôi miếu thuộc di tích Đình - Miếu Cái Chiên; công trình biểu tượng thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên - tiền thân Đảng bộ huyện (thôn Đầu Rồng, xã Cái Chiên), tổng kinh phí 4,5 tỷ đồng (ngân sách nhà nước 4,3 tỷ đồng, xã hội hóa 0,2 tỷ đồng); xã Quảng Minh huy động nguồn xã hội hóa cải tạo, mở rộng khuôn viên Đình Quang Linh, kinh phí 250 triệu đồng; xã Quảng Chính, xã Quảng Minh triển khai khoanh vùng, cải tạo không gian Cây Đa Di sản, kinh phí 260 triệu đồng...
Công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá dân tộc được gắn với xây dựng đời sống văn hoá mới, bài trừ các hủ tục, mê tín dị đoan... trên cơ sở tổ chức khảo sát một số giá trị văn hoá đã được đánh giá, đưa vào Danh mục bảo tồn và phát huy, như: Thêu trang phục truyền thống, phong tục cưới xin, tục cấp sắc, kèn lá của đồng bào người Dao, đàn trống trong lễ cấp sắc của người Dao, hát then của người Tày...
Từ năm 2018 trở lại đây huyện phát triển thêm 14 CLB văn nghệ dân gian, nhóm sở thích (hát nhà tơ, hát then...). Huyện hiện có 3 nghệ nhân: 1 Nghệ nhân Ưu tú lĩnh vực thêu truyền thống dân tộc Dao Thanh Phán (xã Quảng Sơn); 2 Nghệ nhân dân gian về hát chèo, hát nhà tơ (xã Quảng Minh). Huyện xây dựng không gian trưng bày văn hóa người dân tộc Dao xã Quảng Sơn. Từ năm 2023 đến nay huyện mở nhiều lớp tập huấn, truyền dạy và phục dựng các nghi lễ, nghề truyền thống, văn hóa phi vật thể, như: Lớp truyền dạy lễ cấp sắc dân tộc Dao; lớp dạy nghề thêu thủ công dân tộc Dao Thanh Y, Dao Thanh Phán...; thành lập 14 CLB văn nghệ dân gian với hơn 150 thành viên; sưu tầm xây dựng không gian trưng bày, giới thiệu đặc trưng văn hóa dân tộc Dao xã Quảng Sơn. Đồng thời đưa các loại hình nghệ thuật văn hóa dân gian vào chương trình giáo dục địa phương và sinh hoạt ngoại khóa của học sinh trên địa bàn huyện...
Huyện triển khai có hiệu quả Đề án “Phát triển du lịch và bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc huyện Hải Hà giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”, xác định phát triển sản phẩm du lịch trên cơ sở tiềm năng thế mạnh và bản sắc văn hóa, giá trị tự nhiên của địa phương, như: Du lịch văn hóa cộng đồng tại các xã Quảng Đức, Quảng Sơn; du lịch văn hóa lễ hội tâm linh tại Đền Trần Hưng Đạo, Chùa Hải Hà, Đình Cái Chiên; du lịch trải nghiệm tham quan đồi chè tại xã Quảng Long...
Trung Thành
Liên kết website
Ý kiến ()