Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 14/11/2024 12:17 (GMT +7)
Hải Hà: Thúc đẩy phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp
Thứ 2, 24/01/2022 | 11:00:52 [GMT +7] A A
Với lợi thế về cảng biển, cửa khẩu, KKT, huyện Hải Hà xác định phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN), dịch vụ là mục tiêu quan trọng hàng đầu trong phát triển KT-XH của địa phương.
Nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ huyện Hải Hà xác định và quyết tâm thực hiện mục tiêu: Xây dựng Hải Hà trở thành huyện công nghiệp - dịch vụ với hạ tầng KT-XH đồng bộ, từng bước hiện đại, cơ bản đạt các tiêu chí đô thị loại III vào năm 2025. Đến nay, cơ cấu kinh tế của Hải Hà đã chuyển dịch mạnh mẽ. Ngành công nghiệp - xây dựng giờ đây chiếm tỷ trọng tới 53,2%, thương mại - dịch vụ chiếm 38,6%, nông - lâm - ngư nghiệp chiếm 8,2%.
Năm 2021, mặc dù sản xuất CN-TTCN nội địa do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nên tương đối khó khăn, chưa đạt được kế hoạch đề ra, nhưng vẫn tăng so với năm 2020. Tổng giá trị sản xuất cả năm đạt trên 937 tỷ đồng, bằng 97,1% kế hoạch, tăng 1,6% so với năm 2020. Cụ thể: Gạch chỉ nung đạt 95,34 triệu viên, tăng 39% so năm 2020; chế biến chè khô đạt 1.278 tấn; khai thác đá tấn mài đạt 65.227 tấn, tăng 48% so năm 2020; dăm gỗ đạt 612.988 tấn, tăng 44%; xay xát, chế biến lương thực, thực phẩm đạt 28.205 tấn, tăng 68% so năm 2020...
Năm 2021, tổng giá trị sản xuất của các doanh nghiệp trong KCN Cảng biển Hải Hà ước đạt trên 14.000 tỷ đồng; tổng số lao động làm việc tại KCN đạt khoảng 12.944 người (tăng 17% so với cuối năm 2020), số lao động của huyện Hải Hà là 4.877 người (tăng 20,3% so với cuối năm 2020), chiếm 37,6% tổng số lao động làm việc tại KCN.
|
Nhờ lợi thế là địa bàn an toàn, sản xuất công nghiệp khu vực có vốn đầu tư nước ngoài của một số doanh nghiệp tại KCN Cảng biển Hải Hà có tốc độ tăng trưởng mạnh so với năm 2020. Đặc biệt, 14 doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (vốn FDI) đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư, đưa tổng số thành 18 dự án, với số vốn đăng ký 34.210 tỷ đồng (tương đương 1,487 tỷ USD).
Đến nay, 16 dự án đã thực hiện đầu tư, tổng vốn khoảng 800 triệu USD (đạt 53,8%); 15 dự án đã đi vào hoạt động hiệu quả.
Cùng với những giải pháp trọng tâm là đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, phát triển kinh tế nhanh, bền vững, huyện Hải Hà đã khẩn trương xác định rõ những tiềm năng, thế mạnh riêng có để thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, dịch vụ.
Để thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, huyện thực hiện triệt để phương châm “3 đồng hành, 5 hỗ trợ” (đồng hành đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh; đồng hành trong hoàn thiện thể chế pháp luật; đồng hành xây dựng và thực hiện tốt cơ chế đối thoại, tham vấn ý kiến của doanh nghiệp; hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; hỗ trợ nâng cao hiệu quả hoạt động; hỗ trợ tạo môi trường thuận lợi, bảo đảm quyền kinh doanh, bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh; hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm gắn với doanh nghiệp; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực), tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp ổn định sản xuất kinh doanh, nhằm thúc đẩy sự phát triển KT-XH của địa phương.
Huyện Hải Hà đang đề ra mục tiêu, cơ cấu kinh tế đến cuối năm 2022 theo giá trị sản xuất: Công nghiệp - xây dựng chiếm 68,1%; thương mại - dịch vụ chiếm 27,6%; nông - lâm - ngư nghiệp chiếm 4,3%. Huyện tiếp tục tập trung đẩy nhanh tiến độ GPMB, bàn giao cho các chủ đầu tư, nhằm sớm đưa vào xây dựng như: Dự án thứ cấp của KCN Cảng biển Hải Hà giai đoạn 1, các dự án do Bến Thành Holding Group làm chủ đầu tư… Chủ động, tích cực phối hợp trong việc tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện để các nhà đầu tư (nhất là các dự án lớn, có động lực phát triển KT-XH của huyện) hoàn thành các thủ tục cấp phép đầu tư, bắt tay vào các hoạt động đầu tư mới, đầu tư mở rộng và hoạt động sản xuất.
Huyện Hải Hà thường xuyên rà soát, nắm bắt hoạt động của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất CN-TTCN địa phương; đánh giá những mặt tích cực, hạn chế của từng ngành, nghề, từng lĩnh vực; trên cơ sở đó đưa ra định hướng rõ ràng, cụ thể để thúc đẩy phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp nội địa; nhằm nâng cao năng lực, khả năng cạnh tranh và tỷ trọng trong toàn ngành công nghiệp của huyện. Gắn kết chặt chẽ giữa phát triển tiểu thủ công nghiệp nội địa với việc khai thác, phát huy triệt để các tiềm năng, lợi thế cạnh tranh của huyện.
Trung Thành
Liên kết website
Ý kiến ()