Năm ngày qua, gần 10.000 người Nghệ An, Hà Tĩnh xếp hàng ở Trung tâm dịch vụ việc làm để đăng ký tham gia kỳ thi chọn lao động đi Hàn Quốc.
30/1 là ngày cuối tỉnhNghệ Antiếp nhận đăng ký tham gia kỳ thi chọn lao động đi Hàn Quốc (gọi tắt là EPS). Tại Trung tâm dịch vụ việc làm của tỉnh đóng trên đường Phong Định Cảng, TP Vinh, hàng trăm người dân đến chờ làm thủ tục. Người đăng ký dự thi tiếng Hàn tuổi từ 18 đến 39, có nhiều trường hợp từng làm việc tại Hàn Quốc. Hơn 20 cán bộ của Trung tâm được huy động làm việc từ sáng đến tối.
Chị Nguyễn Thị Xuân, 36 tuổi, trú huyện Nghi Lộc, cho biết do người xếp hàng quá đông nên phải chờ từ sáng tới trưa mới đến lượt làm thủ tục. 10 phút sau khi gặp cán bộ trung tâm, kê khai xong thông tin cá nhân và nộp phí 28 USD (hơn 680.000 đồng), chị lách ra khỏi đám đông.
"Tôi từng xuất khẩu lao động tại Đài Loan, thu nhập 20 triệu đồng mỗi tháng, mới về nước năm ngoái. Hiện nhà có 3 con nhỏ tuổi ăn học, hai vợ chồng không có việc làm ổn định, kinh tế eo hẹp nên muốn thử sức thi EPS sang Hàn Quốc làm nông nghiệp để kiếm tiền nuôi lũ trẻ", chị Xuân nói.
Nhiều thanh niên ở các huyện miền núi Kỳ Sơn, Quỳ Châu, Quỳ Hợp cũng bắt xe khách vượt 100-250 km đến TP Vinh đăng ký thi EPS. Nhiều người chờ cả ngày chưa đến lượt làm thủ tục, phải thuê nhà nghỉ ngủ qua đêm, sáng hôm sau tới sớm "đặt chỗ".
Ông Trần Quốc Tuấn, Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Nghệ An, cho biết đơn vị tổ chức tiếp nhận hồ sơ đăng ký từ 26/1. Đến nay, khoảng 6.000 người đã đăng ký tham gia thi tiếng Hàn theo chương trình EPS, gần gấp đôi so với năm ngoái là 3.700 thí sinh.
"Đơn vị tiếp nhận hồ sơ theo các huyện, thị xã. Do lượng người tới đông nên có những hôm cán bộ phải làm đến 23h mới giải quyết xong thủ tục", ông Tuấn nói.
Hà Tĩnhcũng tiếp nhận hồ sơ đăng ký thi chương trình EPS đến 30/1. Mỗi ngày, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đón hàng trăm người tới làm thủ tục. Họ xếp hàng ngoài cửa rồi được bố trí ngồi trong các phòng, chờ gọi tên theo thứ tự hiện trên màn hình máy tính, nên không xảy ra chen lấn.
Cầm điện thoại quét mã QR khai thông tin, Phan Văn Long, 30 tuổi, trú huyện Hương Sơn cho hay sáng nay trời mưa rét song vẫn bắt xe buýt đến TP Hà Tĩnh đăng ký. Long trước kia làm thuê ở Lào, thu nhập bấp bênh, nay đang học tiếng Hàn để thi EPS sang "xứ sở kim chi" làm chế tạo, kiếm tiền để sau này cưới vợ.
"Nếu may mắn vượt qua kỳ thi, được bố trí công việc thuận lợi thì tôi có thể có thu nhập hơn 40 triệu đồng mỗi tháng tại Hàn Quốc. Số tiền này ở quê phải làm cật lực trong 4-5 tháng", Long nói.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Tĩnh, cho biết đã ghi nhận hơn 3.500 thí sinh đăng ký thi tuyển, gấp đôi so với cùng kỳ. Nguyên nhân là trước đây huyện Nghi Xuân, Cẩm Xuyên bị dừng tuyển chương trình EPS, nay đượcmở lạinên số lượng người tham gia tăng đột biến.
"Kỳ thi EPS dự kiến vào tháng 4. Năm ngoái thí sinh miền Trung thi ở Đà Nẵng, năm nay đang chờ tổng hợp số lượng cả nước mới chốt địa điểm", bà Hương nói.
Kỳ thi EPS năm nay dự kiến lấy hơn 15.400 lao động trúng tuyển đi làm việc tại nhiều ngành nghề. Trong đó, sản xuất chế tạo hơn 11.200 người, xây dựng 200, nông nghiệp gần 900 và ngư nghiệp khoảng 3.000. Riêng ngành nông, ngư nghiệp lấy lao động là người dân tộc thiểu số, thường trú tại một trong 74 huyện nghèo, 54 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo giai đoạn 2021-2025.
Chương trình EPS có đặc thù là chủ doanh nghiệp Hàn Quốc sẽ chọn lao động dựa trên hồ sơ được giới thiệu ngẫu nhiên mà không chỉ định, không ai tác động được tới quy trình ký kết hợp đồng. Lao động vì thế vượt qua hai vòng thi, nộp xong hồ sơ cũng không chắc chắn sẽ được chọn đi Hàn, không biết trước thời gian xuất cảnh. Nhà chức trách khuyến cáo thí sinh nộp xong hồ sơ vẫn nên duy trì công việc bình thường, không nên ở nhà chờ đợi trong căng thẳng, lãng phí thời gian.
Nghệ An và Hà Tĩnh có hàng chục nghìn lao động làm việc tại Hàn Quốc, song có hàng nghìn trường hợp bỏ trốn ra ngoài làm, cư trúbất hợp pháp. Một số huyện từng bị nhà chức trách cấm thi EPS như huyện Nghi Lộc, Hưng Nguyên, thị xã Cửa Lò (Nghệ An) và huyện Cẩm Xuyên, Nghi Xuân (Hà Tĩnh). Hôm 9/1, Trung tâm lao động ngoài nước có công văntạm gỡlệnh cấm trên, cho phép người tại 8 huyện ở Hải Dương, Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh được dự thi.
Ý kiến ()