Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 13:05 (GMT +7)
"Trái ngọt" trên hành trình giảm nghèo bền vững
Thứ 4, 08/02/2023 | 08:36:55 [GMT +7] A A
Cùng với tăng trưởng kinh tế, tỉnh Quảng Ninh luôn xác định công tác an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ chính trị quan trọng, ưu tiên hàng đầu, góp phần vào hành trình phát triển nhanh, hài hòa, bền vững của tỉnh. Với sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở cùng nhiều cách làm hay, sáng tạo, đến hết năm 2022, toàn tỉnh không còn hộ nghèo, Quảng Ninh là địa phương đầu tiên trong nước hoàn thành Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.
Tạo sinh kế thoát nghèo
Bình Liêu là huyện miền núi khó khăn với đặc thù đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 96% dân số. Địa hình chủ yếu là đồi núi cao, kinh tế chưa phát triển. Khó khăn là vậy, nhưng khi cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, công tác giảm nghèo ở Bình Liêu đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Nhiều hộ dân đã thành công ra khỏi diện nghèo, cận nghèo nhờ được tiếp cận đầy đủ, kịp thời các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước.
Gia đình ông Chu Thắng Bình, thôn Nà Luông, xã Lục Hồn là một trong những điển hình đó. Mùa đông năm 2022, gia đình ông rất phấn khởi khi được ở trong căn nhà mới kiên cố, vững chắc do Hội Chữ thập đỏ tỉnh và các đoàn thể, chính quyền địa phương chung tay hỗ trợ. Ông Bình chia sẻ: Bản thân tôi là cựu chiến binh, sau khi rời quân ngũ, sức khỏe yếu nên việc phát triển kinh tế của gia đình gặp nhiều khó khăn. Gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo của xã. Ngôi nhà cũ của gia đình nhiều năm nay đã xuống cấp không còn đảm bảo an toàn. Giờ đây, với căn nhà mới được hỗ trợ gia đình tôi rất yên tâm sinh sống và nỗ lực vươn lên thoát nghèo.
Thời gian qua, huyện Bình Liêu đã tích cực huy động nguồn lực hỗ trợ giảm nghèo từ các tổ chức, đơn vị, nhà hảo tâm trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, cụ thể hóa và vận dụng tốt các chế độ chính sách của Đảng, Nhà nước phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương để thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo. Trong năm 2022 đã có gần 100 hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn vay vốn với tổng số tiền trên 6 tỷ đồng. Huyện cũng mở 15 lớp tập huấn chuyển giao KHKT cho lao động nông thôn, 4 lớp tập huấn quy trình canh tác, quản lý vùng trồng có tiềm năng xuất khẩu; phối hợp với Trường Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam tổ chức 30 hội nghị tư vấn tuyển sinh đào tạo, đưa 690 lao động đi làm việc tại các công ty thuộc TKV... Bên cạnh đó, huyện cũng đẩy mạnh hỗ trợ xóa nhà ở chưa bền chắc đối với hộ nghèo. Nhờ vậy, năm qua trên địa bàn huyện ước giảm trên 300 hộ nghèo, vượt chỉ tiêu so với kế hoạch đề ra.
Cùng với việc huy động các nguồn lực, một trong những “chìa khóa” giảm nghèo được triển khai hiệu quả thời gian qua chính là nguồn vốn vay tín dụng chính sách. Như gia đình anh Lỷ Văn Chiến ở thôn Nam Hả Trong, xã Nam Sơn (huyện Ba Chẽ) nhờ được vay vốn 50 triệu đồng từ nguồn vốn chương trình tổng thể phát triển bền vững KT-XH gắn với đảm bảo quốc phòng an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo theo Nghị quyết 06 của tỉnh mà 2 năm nay, đời sống kinh tế gia đình đã khá giả hơn. Từ nguồn vốn vay, anh Chiến đã trồng thêm được 2ha quế, nâng tổng số diện tích hiện có của gia đình lên 12ha. Hiện, gia đình anh đang trồng rất nhiều các loại cây dược liệu và cây lấy gỗ như: Quế, ba kích, sa mộc...
Anh Chiến cho biết: Nhờ nguồn vốn vay tín dụng chính sách từ Nghị quyết 06 của tỉnh, tôi đã mở rộng thêm diện tích trồng cây dược liệu để tiếp tục phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập của gia đình. Thủ tục vay đơn giản, lãi suất thấp nên người dân dễ dàng vay. Tôi cũng hy vọng thời gian tới, tỉnh tiếp tục quan tâm để có thêm nhiều người dân được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi này để phát triển kinh tế, có thêm thu nhập, ổn định đời sống.
Được biết, từ cuối năm 2021, huyện Ba Chẽ còn 195 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 3,49% và 603 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 10,79% tổng số hộ dân. Vì vậy, ngay từ đầu năm 2022, huyện đã tăng cường đổi mới công tác thông tin, tuyên truyền, vận động, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, vươn lên của các tầng lớp nhân dân trong công tác giảm nghèo. Huyện đã triển khai hỗ trợ 104 nhà ở và 86 nhà tiêu hợp vệ sinh cho hộ nghèo, cận nghèo từ nguồn quyên góp hỗ trợ của MTTQ tỉnh; hỗ trợ 32.500 con gà giống cho 188 hộ nghèo và hộ cận nghèo để phát triển sản xuất; đào tạo, giải quyết việc làm cho 556 lao động, đạt 101,1% kế hoạch... Cùng với đó, đồng hành, giải quyết cho hơn 200 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo vay vốn chính sách với tổng kinh phí hơn 20 tỷ đồng.
Nhờ đó, thời điểm cuối năm 2022, toàn huyện Ba Chẽ đã giảm 160 hộ nghèo, gấp 3,2 lần kế hoạch tỉnh giao, hiện toàn huyện chỉ còn 35 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,62%; số hộ cận nghèo giảm 547 hộ, đạt gần gấp 3 lần kế hoạch tỉnh giao, hiện toàn huyện còn 56 hộ, chiếm tỷ lệ 1%, giảm 9,79% so với cuối năm 2021. Đáng nói chất lượng giảm nghèo của huyện được nâng lên, có tính bền vững, không có hộ tái nghèo, không phát sinh hộ nghèo mới.
Về đích sớm từ những chính sách riêng có
Để nỗ lực thực hiện giảm nghèo, tỉnh đã dồn mọi nguồn lực cho các chương trình hỗ trợ, phát triển kinh tế - xã hội cho người dân. Giai đoạn 2011-2015, tổng số nguồn lực ngân sách hỗ trợ cho Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững là 814,4 tỷ đồng (không tính nguồn vốn vay từ Ngân hàng chính sách xã hội). Trong đó, ngân sách tỉnh chiếm 74%, ước khoảng 603 tỷ đồng, còn lại là ngân sách Trung ương. Đặc biệt, giai đoạn này, tỉnh và các địa phương còn triển khai các chính sách đặc thù. Trong đó nổi bật là thực hiện hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn theo Quyết định số 102/2009/QĐ-TTg ngày 7/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ, theo đó, ngoài mức hỗ trợ của Trung ương, tỉnh đã hỗ trợ thêm 70.000 đồng/người/năm (Trung ương hỗ trợ 80.000 đồng) đối với người dân thuộc hộ nghèo ở xã khu vực II và 100.000 đồng/người/năm (Trung ương hỗ trợ 100.000 đồng) đối với người dân thuộc hộ nghèo ở các xã khu vực III. Trong giai đoạn 2011-2015, tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện hỗ trợ 39.426 hộ, với 157.914 khẩu, tổng kinh phí thực hiện là 28 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, ở các địa phương cũng đã xây dựng cơ chế khuyến khích thoát nghèo. Điển hình như huyện Ba Chẽ đã ban hành một số cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông-lâm-ngư nghiệp giai đoạn 2012-2015; chính sách hỗ trợ lãi suất tiền vay phát triển sản xuất nông-lâm-ngư nghiệp trên địa bàn huyện Ba Chẽ giai đoạn 2012-2015. Đặc biệt huyện Ba Chẽ và Đầm Hà đều có cơ chế động viên, khuyến khích các hộ thoát nghèo, cụ thể đối với những hộ mới thoát nghèo năm đầu tiên được biểu dương với mức 500.000 đồng/hộ, năm thứ 2 không tái nghèo được động viên mức 300.000 đồng/hộ.
Giai đoạn 2016-2020, tỉnh Quảng Ninh đã bám sát chỉ đạo của Trung ương, chủ động vận dụng cách làm đổi mới, sáng tạo để nâng cao đời sống của đồng bào sinh sống tại địa bàn vùng sâu, vùng khó thông qua Chương trình 135. Cụ thể, ngày 7/12/2016, tại Kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh khóa XIII đã quyết định thông qua Nghị quyết số 50/2016/NQ-HĐND về phân bổ nguồn lực đưa các xã, thôn ra khỏi diện ĐBKK, hoàn thành Chương trình 135 giai đoạn 2017-2020. Ngay sau đó, tháng 1/2017, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 196/QĐ-UBND phê duyệt Đề án nhiệm vụ và giải pháp đưa các xã, thôn ra khỏi diện ĐBKK, hoàn thành Chương trình 135 giai đoạn 2017-2020 (gọi tắt là Đề án 196). Nội dung trọng tâm được xác định xuyên suốt cho nhiệm vụ này, đó là cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở đều có trách nhiệm vào cuộc; lồng ghép trong các kế hoạch triển khai thực hiện nhiệm vụ hàng năm của các sở, ban, ngành, chương trình hành động của cấp ủy, chính quyền các địa phương. Và đặc biệt là khơi dậy vai trò chủ thể của người dân vùng khó.
Bằng nhiều cách làm khác nhau, các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh đã chung tay vào cuộc, huy động đa dạng nguồn lực xã hội nhằm sẻ chia, giúp đỡ các xã khó khăn. Khi triển khai thực hiện Đề án 196, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh đã có thư kêu gọi tham gia ủng hộ các xã, thôn ĐBKK trên địa bàn tỉnh. Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh đã giao UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan phối hợp, trực tiếp liên hệ, vận động doanh nghiệp, doanh nhân và một số tập đoàn, tổng công ty, tổ chức kinh tế đang đầu tư, hoạt động trên địa bàn tỉnh có hình thức đăng ký, tham gia ủng hộ cụ thể đối với từng xã, thôn. Nhờ vậy, tổng nguồn lực huy động thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh là 2.403 tỷ đồng, cao hơn gấp 7 lần so với mức bình quân của Trung ương. Trong đó, ngân sách tỉnh là 1.530 tỷ đồng, ngân sách Trung ương là 37 tỷ đồng, ngân sách huyện, xã 91,8 tỷ đồng, còn lại vốn huy động là 128,4 tỷ đồng. Hình thức hỗ trợ cho các hộ khó khăn cũng không còn tình trạng “cho không” mà được tiến hành trên cơ sở khảo sát chặt chẽ nhu cầu, nguyện vọng, điều kiện thực tế của từng trường hợp. Để từ đó, phong trào “vượt khó, thoát nghèo” ngày càng được nhân lên, tạo nên khí thế mới cho những thôn, bản ĐBKK.
Đặc biệt, giai đoạn này, chuẩn nghèo được áp dụng theo quy định tại Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19/11/2015. Theo đó, đầu năm 2016, số hộ nghèo trên địa bàn tỉnh có 15.430 hộ, chiếm tỷ lệ 4,56% tổng số hộ dân toàn tỉnh thì đến cuối năm 2020 đã giảm 14.493 hộ, còn 847 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,23% tổng số hộ dân toàn tỉnh. Tỷ lệ hộ cận nghèo toàn tỉnh đầu giai đoạn từ 3,23% (tương đương 11.052 hộ) giảm xuống còn 1,06% (tương đương 3.903 hộ) cuối năm 2020, bình quân giảm 0,33%/năm. Đặc biệt, đến hết năm 2019, Quảng Ninh đã hoàn thành mục tiêu đưa 17 xã và 54 thôn ra khỏi diện ĐBKK, hoàn thành mục tiêu Chương trình 135, về đích trước 1 năm so với kế hoạch đề ra. Thu nhập bình quân tại các xã, thôn ĐBKK đạt 32,62 triệu đồng/người/năm 2019, cao gấp 2,65 lần so với đầu năm 2016.
Để không ai bị bỏ lại phía sau
Mặc dù đã đạt được những thành quả tích cực, nhưng theo chuẩn nghèo đa chiều mới giai đoạn 2021-2025 của Trung ương, bước vào năm 2022, toàn tỉnh vẫn còn 1.526 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,41%; 5.553 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 1,48% trong tổng số hộ dân toàn tỉnh. Theo kết quả rà soát, hầu hết những hộ nghèo này tập trung tại khu vực miền núi, biên giới, hải đảo của tỉnh.
Để thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm nghèo bền vững theo đúng thực tế, tỉnh Quảng Ninh đã rất quan tâm và dành nhiều nguồn lực hỗ trợ những vùng khó khăn như vùng tập trung nhiều đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo. Một trong những “chìa khóa” giảm nghèo vùng đồng bào DTTS được triển khai hiệu quả trong thời gian qua là các địa phương đã triển khai cho vay tín dụng đối với người nghèo và đối tượng chính sách khác để phát triển kinh tế. Trong năm 2021 và 2022, tỉnh đã phân bổ gần 200 tỷ đồng vốn ngân sách ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng CSXH để cho vay, giải quyết việc làm tại 64 xã thuộc vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo. Đến nay, từ nguồn vốn ủy thác, Ngân hàng CSXH đã thực hiện cho vay với trên 1.800 lượt khách hàng, số tiền vay gần 140 tỷ đồng để phát triển sản xuất, kinh doanh tạo việc làm, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các mục tiêu của tỉnh.
Cùng với đó, tỉnh cũng quan tâm phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trọng tâm là đào tạo nghề cho lao động trẻ để chuyển đổi cơ cấu lao động, cơ cấu nông thôn gắn với tạo việc làm, tăng thu nhập; xây dựng đội ngũ CBCCVC là người DTTS và người công tác tại vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển KT-XH. Đồng thời, tỉnh cũng chỉ đạo Sở NN&PTNT thực hiện các mục tiêu về phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư; tổ chức lại sản xuất vùng DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo, gia tăng giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ gắn với phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa...
Theo ông Vũ Kiên Cường, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, với mục tiêu giảm nghèo bền vững để hộ nghèo, người dân vùng khó khăn được hưởng cuộc sống ấm no, hạnh phúc, không ai bị bỏ lại phía sau, tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết, chương trình, kế hoạch giảm nghèo như Nghị quyết 06-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển bền vững KT-XH gắn với bảo đảm vững chắc QP-AN ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết 16/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về phê duyệt chương trình tổng thể phát triển bền vững KT-XH gắn với bảo đảm vững chắc QP-AN ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Riêng trong năm 2022, tỉnh đã ban hành kế hoạch chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn, trong đó, phấn đấu 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo được ưu tiên vay vốn tín dụng ưu đãi, được cấp thẻ BHYT, được miễn giảm và hỗ trợ chi phí học tập; giảm 411 hộ nghèo và 1.200 hộ cận nghèo; 12/12 thôn, bản ĐBKK theo tiêu chí mới hoàn thành Chương trình 135.
Tỉnh cũng đẩy mạnh việc xây dựng đề án tổng thể phát triển hoàn thiện hạ tầng giao thông, khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế du lịch, gắn với chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, góp phần giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống nhân dân tại các địa phương Bình Liêu, Tiên Yên, Ba Chẽ giai đoạn 2021-2025. Đây là 3 địa bàn có đông đồng bào DTTS nhất và cũng là địa bàn khó khăn nhất tỉnh. Điều này thể hiện rõ quan điểm của tỉnh đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên cho vùng khó để nhanh chóng thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa các vùng miền.
Với nhiều cách làm hiệu quả, phù hợp, tính đến thời điểm này, Quảng Ninh đã về đích Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trước 3 năm, chuyển sang giai đoạn xây dựng và triển khai chuẩn nghèo đa chiều mới của tỉnh cao hơn mức bình quân của cả nước. Toàn tỉnh chỉ còn 258 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ khoảng 0,06% tổng số hộ dân toàn tỉnh; có 2.454 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 0,63% tổng số hộ dân toàn tỉnh. So với cuối năm 2021 đã giảm 1.268 hộ nghèo (tương đương 0,34%); giảm 3.099 hộ cận nghèo (tương đương 0,84%); có 4/13 địa phương (Hạ Long, Quảng Yên, Vân Đồn và Cô Tô) không còn hộ nghèo; 9/13 địa phương tỷ lệ hộ nghèo dưới 1%...
Với kết quả này, Quảng Ninh đã trở thành địa phương đầu tiên trong cả nước hoàn thành Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Đây cũng là cơ sở vững chắc để Quảng Ninh hiện thực hóa khát vọng xây dựng tỉnh giàu đẹp, văn minh, hiện đại, nhân dân ngày càng có cuộc sống ấm no, bình yên và hạnh phúc.
Hoàng Quỳnh
Liên kết website
Ý kiến ()