Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 21:23 (GMT +7)
Hát đối của người Dao ở Ba Chẽ
Chủ nhật, 16/10/2022 | 10:05:05 [GMT +7] A A
Trong phần tham gia của Đoàn Quảng Ninh tại Ngày hội Văn hóa dân tộc Dao vừa diễn ra tại Thái Nguyên, bài hát giao duyên “Mùa xuân đến” với phần thể hiện của 2 nghệ nhân Triệu Thị Phương, Triệu Tắc Dảu và nhóm phụ họa đến từ huyện Ba Chẽ đã thu hút sự quan tâm đón xem của công chúng. Thực tế, việc sân khấu hóa di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có làn điệu hát đối của người Dao đã và đang là cách thức bảo tồn, giữ gìn và phát huy loại hình văn hoá phi vật thể tương đối hiệu quả của địa phương.
Hát đối hay còn gọi là hát giao duyên là làn điệu dân ca đặc sắc trong kho tàng văn nghệ dân gian của đồng bào dân tộc Dao. Hát đối được dùng trong các ngày hội, ngày chợ, ngày cưới, ngày vào nhà mới... với nội dung đề cập đến sinh hoạt, đời sống của người dân. Đúng như tên gọi của nó, hát đối là hình thức đối đáp giữa một nhóm nam và một nhóm nữ, để bày tỏ tình yêu nam nữ.
Lời ca trong hát giao duyên của người Dao Thanh Y thường mộc mạc, giản dị nhưng lại ẩn chứa nhiều tình cảm sâu lắng, nhất là khi trai gái hát tìm bạn. Thông qua hát đối, đã có nhiều đôi trai gái nên vợ, nên chồng… Vì vậy, hát đối có một ý nghĩa quan trọng, nó như một sợi dây vô hình kết nối giữa các nhóm người có thể chưa hề quen biết với nhau.
Hát đối mang nặng âm hưởng dân ca, khi điệu đối cất lên không cần nhạc cụ hay điệu múa đi kèm. Người hát có thể hát bất cứ lúc nào, địa điểm nào, chỉ cần có người để hát đối là có thể hát cùng. Vì vậy, hát đối được ví như tiếng hát chân tình, nguồn suối mát lành trong tâm hồn của dân tộc Dao nơi đây. Có lẽ vì thế, người Dao ở Ba Chẽ trước đây hầu hết ai cũng biết hát đối.
Tuy nhiên, theo thời gian hát đối của người Dao Ba Chẽ cũng dần bị mai một. Nhằm bảo tồn làn điệu truyền thống, huyện đã vận động thành lập nhiều CLB, như: CLB hát đối của dân tộc Dao Thanh Y tại xã Nam Sơn, CLB hát đối của dân tộc Dao Thanh Phán tại xã Đồn Đạc. Huyện đã xây dựng đề án phát triển du lịch Ba Chẽ, đề án bảo tồn phục dựng văn hóa đồng bào Dao Thanh Phán, Thanh Y trên địa bàn. Bước đầu của việc thực hiện các đề án là cử đại diện của các thôn, làng, xã đi học tập mô hình phát triển du lịch cộng đồng, từng bước xây dựng một đội ngũ hạt nhân văn nghệ, nghệ nhân dân gian.
CLB hát đối thôn Nà Bắp, xã Đồn Đạc là một trong những CLB duy trì sinh hoạt đều đặn và hiệu quả trên địa bàn huyện Ba Chẽ. Những bài hát đối là một phần trong đời sống văn hóa tinh thần không thể thiếu của họ. Chị Triệu Thị Tư, thành viên CLB, cho biết: “Tôi thường xuyên tham gia sinh hoạt, tôi thấy CLB này có ý nghĩa thiết thực. Ở đây, chúng tôi được gặp gỡ, chia sẻ những bài hát đối mà mình yêu thích và được nghe các thành viên khác trong CLB hát những bài hát đối do mình tự biên”.
Đến nay, CLB có một thành viên được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian Việt Nam là ông Triệu Thanh Xuân. Ông là thầy giáo trực tiếp dạy hát trong CLB. Ông đã sưu tầm và soạn dịch lời Việt nhiều bài hát, đồng thời tự sáng tác hàng chục bài hát đối phục vụ cho các lễ cưới, lễ cấp sắc.
Còn ở Nam Sơn, xã nằm ở cửa ngõ huyện Ba Chẽ có CLB hát đối người Dao Thanh Y, được thành lập từ năm 2014 với 21 thành viên. Từ đó cho đến nay, CLB luôn hoạt động đều đặn, góp phần làm cho phong trào văn hóa, văn nghệ rất phát triển. Đã thành thông lệ, mỗi tuần hai buổi, các thành viên CLB hát đối lại cùng nhau luyện tập những bài dân ca truyền thống. Họ còn biểu diễn tại các dịp cưới hỏi, lễ cấp sắc, hội làng hay các dịp tổ chức lễ hội ở miếu Ông - miếu Bà như Hội Trà hoa vàng, Lễ hội Bàn Vương. Chị Hoàng Thị Yến, thành viên CLB, cho biết: “Tôi rất vui khi được tham gia CLB này, ở đây chúng tôi được cùng nhau hát những bài hát mà mình yêu thích. Nội dung các bài hát đối thường ca ngợi Đảng, Bác Hồ, quê hương, lao động sản xuất và tình yêu đôi lứa do chính các thành viên trong CLB tự biên, tự diễn”.
Hoạt động của các CLB đã góp phần quan trọng trong công tác bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc Dao, tạo nên sự phong phú, đa dạng, đậm đà bản sắc trong đời sống văn hóa các dân tộc ở Ba Chẽ. Ông Hà Ngọc Tùng, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Ba Chẽ, cho biết: "Ngoài việc thành lập, duy trì và phát triển các CLB trên địa bàn, chúng tôi đã tổ chức cho người dân và thành viên trong các CLB sân khấu hóa các tiết mục để giao lưu biểu diễn trong và ngoài tỉnh, từ đó mang lời ca, tiếng hát của dân tộc mình, của quê hương Ba Chẽ lan tỏa hơn trong đời sống xã hội".
Huỳnh Đăng
Liên kết website
Ý kiến ()