Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 13:23 (GMT +7)
Hát Then ở vùng cao biên giới Bình Liêu
Thứ 6, 20/08/2021 | 09:50:54 [GMT +7] A A
Trong thời gian qua, các câu lạc bộ (CLB) hát Then đàn Tính đã góp phần làm phong phú đời sống tinh thần, bảo tồn các giá trị văn hoá, văn nghệ dân gian của các dân tộc trên địa bàn biên giới huyện Bình Liêu.
Hát Then là di sản văn hóa phi vật thể độc đáo của người Tày. Ở thời kì cuộc sống còn nghèo nàn, y tế chưa phát triển, thì Then được coi như một biện pháp trị liệu tinh thần của đồng bào. Các gia đình người Tày thường sắm sửa lễ vật để mời bà Then về nhà làm lễ giải hạn, cầu phúc lộc, cầu sức khỏe để bắt tay vào công việc mới. Do đó, hát Then vốn là hình thức ca hát thực hiện trong các nghi lễ tôn giáo của người Tày, có giai điệu, tiết tấu, nhịp phách rõ ràng, khi hát bao giờ cũng kèm theo tính tẩu và chùm xóc nhạc.
Lời hát Then là thể thơ thất ngôn, chữ thứ 5 của câu sau vần với chữ thứ 7 câu trước, vốn là những câu chữ được dân gian chắt lọc, vừa là những câu thơ trữ tình, giàu nhạc điệu, vừa là lời khuyên răn, khích lệ, vừa là những kinh nghiệm về đối nhân xử thế... Cho nên lời hát Then sẽ chắt lọc chứa đựng nhiều tri thức dân gian về cuộc sống, về cách ứng xử với thiên nhiên và ứng xử với cộng đồng.
Ngày nay, Then được các nghệ nhân đặt lời mới, cải tiến nhạc để dễ thực hành trong cuộc sống và biểu diễn trên sân khấu. Nội dung phản ánh sinh hoạt, tình cảm, mang hơi thở cuộc sống của đồng bào gắn liền với thiên nhiên miền núi, phản ánh tinh thần tiến bộ, xây dựng cuộc sống ngày càng ấm no, văn minh. Trước sự giao thoa, xâm lấn của các yếu tố văn hoá ngoại lai, Then nghi lễ đang đứng trước nguy cơ mai một. Trong việc bảo tồn hát Then hiện nay cách làm hiệu quả nhất vẫn là đưa hát Then vào trong các mô hình CLB.
Tại xã Hoành Mô hiện nay có 2 CLB đang làm tốt công tác bảo tồn di sản hát Then. Đầu tiên phải kể đến CLB “Giai điệu quê hương” xã Hoành Mô đã ra đời từ khá sớm trong trường học. Anh Tô Đình Hiệu, giáo viên Trường THCS và THPT Hoành Mô, nguyên Chủ nhiệm CLB “Giai điệu quê hương”, nay là Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông - Văn hóa Bình Liêu, cho biết: “Không phải chờ đến bây giờ chúng tôi mới có mô hình này. CLB Giai điệu quê hương đã hình thành và hoạt động có hiệu quả từ khá sớm, xuất phát từ tình yêu vốn quý dân ca của giáo viên và học sinh trong trường”.
Trong mỗi buổi sinh hoạt, các thành viên mới gia nhập sẽ được các thầy cô, các lão nghệ nhân người Tày truyền đạt lại các bài hát Then, chỉ bảo nghệ thuật chơi đàn Tính. Được biết, không chỉ thành viên trong CLB mà nhiều học sinh Trường THCS và THPT Hoành Mô cũng biết hát Then. Các bạn còn thường xuyên tham gia chương trình ngoại khoá tìm hiểu quê hương, đi hát Then giao lưu ở rất nhiều khe bản xa xôi, tham gia các hội thi, liên hoan văn nghệ quần chúng trong khu vực cũng như toàn quốc.
Bên cạnh CLB Giai điệu quê hương, CLB hát Then đàn Tính Hoành Mô cũng hoạt động khá sôi nổi. CLB hiện có 18 hội viên, trong đó có 8 nam, 10 nữ nghệ nhân hát then. Điều đáng mừng là mặc dù bận rộn với công việc gia đình, nương rẫy nhưng phụ nữ Tày ở Hoành Mô rất hăng hái tham gia sinh hoạt CLB. Thêm nữa, hiện CLB có đến 13 người ở độ tuổi trên dưới 30, trong đó có cả những giáo viên trẻ vừa ra trường. Đây là điều kiện rất thuận lợi để có thể kết hợp đưa hát Then đàn Tính vào các giờ ngoại khoá để giới thiệu, giảng dạy cho học sinh.
Các thành viên trong CLB đã mở lớp dạy hát Then, đàn Tính cho thanh thiếu nhi, thường xuyên tổ chức biểu diễn đàn Tính, hát Then trong các ngày lễ, kỷ niệm trong các thôn, bản trong xã. CLB cũng đã biểu diễn phục vụ nhân dân các xã trong huyện, giao lưu văn nghệ với các đơn vị: Đồn Biên phòng Hoành Mô, Đoàn Kinh tế 156, Trường Tiểu học xã Hoành Mô và CLB dân ca ở các xã Vô Ngại, Đồng Văn. CLB còn mang hát Then, đàn Tính sang giới thiệu ở bên kia biên giới khi tổ chức giao lưu với CLB văn nghệ Đồng Tông (Phòng Thành, Quảng Tây, Trung Quốc).
Các thành viên trong CLB rất hăng hái tập luyện cũng như say mê sưu tầm các làn điệu Then cổ, đặt lời cho các bài Then mới. Một số thành viên tiêu biểu có thể kể ra ở đây như: Ngô Đức Thiện, Lài Thị Liên, Trần Sằn, Hoàng Ngọc Phương, Lèo Thị Lường.
Già làng Trần Sìu Thu, Chủ nhiệm CLB hát Then đàn Tính Hoành Mô, cho biết: “Tôi rất vui khi thấy thanh niên say sưa với văn hoá dân tộc. Hàng tuần, chúng tôi đều họp mặt ở nhà văn hoá để tập luyện, ít khi thấy cháu nào vắng mặt. Các cháu đều tập luyện rất hăng hái, khi biểu diễn phục vụ bà con cũng rất nhiệt tình”.
Cũng theo già làng Trần Sìu Thu, một người làm Chủ tịch Hội Người cao tuổi của xã như ông muốn phối hợp với các lực lượng khác để vận động bà con dân bản chấp hành nghiêm chính sách của Đảng và Nhà nước, quy chế khu vực biên giới, tự quản đường biên, mốc giới đạt được hiệu quả cao thì một phần cũng dựa vào các làn điệu dân ca. Ông cùng nhiều thành viên khác trong CLB đều tự nhủ, phải biết thật nhiều, thuộc thật nhiều dân ca, nhất là làn điệu lời mới để đi hát cho bà con nghe. Không có cách vận động nào đến với dân bản nhanh bằng việc lồng những nội dung ca ngợi quê hương đất nước, bản làng đổi mới, đời sống yên bình... vào trong câu hát của họ.
Chị Hà Thị Ngọc, cán bộ phụ trách văn nghệ cơ sở của Phòng VH-TT huyện Bình Liêu cho hay, CLB hát Then đàn Tính Hoành Mô là một trong những CLB dân ca mạnh của huyện. Họ đã có đóng góp rất tích cực vào các kỳ liên hoan, hội diễn, sinh hoạt văn hoá, văn nghệ trong và ngoài huyện.
Huỳnh Đăng
Liên kết website
Ý kiến ()