Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 21/11/2024 23:35 (GMT +7)
Hiến kế xây dựng Quảng Ninh phát triển bền vững
Thứ 4, 07/12/2016 | 04:25:51 [GMT +7] A A
Trong phiên thảo luận tại tổ sáng 6-12, với tinh thần trách nhiệm cao, phát huy trí tuệ, các đại biểu HĐND tỉnh đã chia thành 5 tổ để thảo luận về kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2016; nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2017; đóng góp ý kiến vào nội dung các báo cáo, đề án, tờ trình, dự thảo nghị quyết trình tại kỳ họp...
Các đại biểu Tổ thảo luận TP Móng Cái, TX Quảng Yên thảo luận về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 và các dự thảo nghị quyết trình kỳ họp, trong ngày làm việc thứ 2, Kỳ họp thứ 4. Ảnh: Nguyễn Thanh |
Tập trung thu - chi ngân sách hiệu quả
Trong nhóm giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2017, các nhiệm vụ thu, chi ngân sách; phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi... hiệu quả được các đại biểu đặc biệt quan tâm và dành nhiều thời gian bàn thảo. Theo đó, nhiều ý kiến cho rằng, tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp; nâng cao hiệu quả các hoạt động xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại và du lịch; tạo mọi điều kiện thuận lợi để thu hút doanh nghiệp, ổn định nguồn thu. Về chỉ tiêu thu thuế xuất nhập khẩu giảm, nhiều ý kiến cũng đề nghị phải xem xét lại nguyên nhân cụ thể, ngoài những nguyên nhân khách quan cần quan tâm đến nguyên nhân chủ quan. Cần tham mưu cơ chế đối với Trung ương để tháo gỡ khó khăn. Đồng thời tiếp tục cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, nhất là trên các lĩnh vực xuất nhập khẩu, tiếp cận vốn, thuế, đầu tư, xây dựng, tài nguyên môi trường, lao động..., đảm bảo công khai, minh bạch. Bên cạnh đó, tỉnh cũng cần đẩy mạnh các biện pháp quản lý, rà soát và phân tích các khoản thu; giải quyết dứt điểm vướng mắc của các dự án còn tồn đọng tiền sử dụng đất; tăng cường biện pháp để tăng thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất của các dự án mới phát sinh; phí tham quan các di tích, danh lam thắng cảnh...
Đại biểu Trần Văn Lâm, Tổ đại biểu TP Uông Bí đề nghị, cần có giải pháp quản lý hiệu quả các nguồn thu, đặc biệt về thu phí, lệ phí, mới chỉ thực hiện trang trải là chính, chứ chi cho tu bổ các công trình chưa nhiều, chưa hiệu quả. Còn đại biểu Hoàng Bá Nam, Tổ đại biểu huyện Cô Tô cho rằng, thu xuất nhập khẩu đang có dấu hiệu giảm sâu, trong khi thu nội địa tăng cao, vượt kế hoạch. Vì thế, cần có cách nhìn tổng thể, có giải pháp cụ thể hơn nữa, do xuất nhập khẩu giảm sẽ làm vị thế của tỉnh giảm... Liên quan đến phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi, đại biểu Vi Ngọc Bích, Tổ đại biểu Hải Hà khẳng định: Các cử tri rất phấn khởi bởi trong Kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh khoá XIII đã đưa ra thảo luận nhiều nghị quyết về đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt là đối với cơ chế phân cấp nguồn thu, chi của tỉnh đã tạo được sự đồng tình rất cao của các sở, ngành, địa phương. Trước đây, trong phân cấp nhiệm vụ chi ngân sách cấp huyện, nhiều danh mục chưa nhận được sự quan tâm nhiều, như chi cho sự nghiệp bảo vệ môi trường, nhưng nay đã được chú trọng và đưa vào dự thảo nghị quyết. Đại biểu Vi Ngọc Bích cho rằng, việc ban hành chính sách này rất cần thiết đối với các địa phương, nhất là khu vực miền núi, nông thôn trên địa bàn tỉnh.
Cũng liên quan đến các nhóm giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, thảo luận tại hội trường, nhiều ý kiến cũng thống nhất cần quan tâm tạo điều kiện tháo gỡ những khó khăn cho ngành Than trong quy hoạch, quản lý đất đai, hỗ trợ giải phóng mặt bằng; đồng thời rà soát nguồn thu xuất nhập khẩu, xác định rõ những mặt hạn chế về thủ tục hay kho bãi, công tác tham mưu cơ chế với Trung ương. Ngoài ra, đại biểu cũng thảo luận, làm rõ giải pháp phát triển khu hành chính, kinh tế đặc biệt và coi đây là phương hướng phát triển đột phá kinh tế của tỉnh; chính sách khuyến khích đầu tư, phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn; ban hành chính sách thu hút đầu tư; kêu gọi các nhà đầu tư chiến lược đến với Quảng Ninh...
Đẩy mạnh cải cách hành chính, dồn lực thực hiện chủ đề công tác năm
Cũng trong phiên thảo luận tại tổ, một trong những vấn đề được các đại biểu đặc biệt quan tâm và dành nhiều thời gian thảo luận là nội dung liên quan đến công tác cải cách hành chính, thực hiện chủ đề công tác năm 2017 của tỉnh về “Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; xây dựng nếp sống văn hoá, văn minh”. Đại biểu khách mời Vũ Văn Học, Bí thư Thị ủy Đông Triều cho rằng, trong thời gian tới, tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, đồng thời cần xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý đất đai. Bởi nếu không xây dựng được cơ sở dữ liệu quản lý đất đai, thì việc thực hiện trực tuyến mức độ 3, 4 là rất khó, vì hiện nay tất cả các thủ tục liên quan vướng mắc, nhất là về lĩnh vực đất đai. Tuy nhiên, để khắc phục được vấn đề này cần phải dành nguồn lực và có lộ trình cụ thể để thực hiện. Đồng tình với đại biểu Vũ Văn Học, đại biểu Lê Thị Hạnh, Giám đốc Sở Nội vụ cho biết, mới đây tỉnh đã họp để kiểm điểm về thực hiện cải cách hành chính, trong đó theo mục tiêu đến năm 2017, Quảng Ninh sẽ thực hiện 100% một cửa điện tử cấp xã, nhưng đến nay mới có 88/186 xã, phường đưa một cửa điện tử vào thực hiện, còn lại các đơn vị khác đang gặp nhiều khó khăn, nếu như đạt được mục tiêu đề ra thì cần phải có các giải pháp hết sức quyết liệt...
Đại biểu Trần Đức Lâm, Tổ đại biểu TP Hạ Long, huyện Cô Tô phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận tổ. |
Liên quan đến chủ đề công tác năm 2017, nhiều ý kiến khẳng định việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương công chức, xây dựng nếp sống văn hoá, văn minh là nhiệm vụ rất quan trọng, bám sát chỉ đạo của Trung ương, cũng như chủ đề công tác các năm trước của tỉnh, phản ánh đúng yêu cầu cần phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo để tỉnh đạt được mục tiêu là tỉnh dịch vụ - công nghiệp; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về đạo đức, lối sống trong mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Tuy nhiên, liên quan đến nội dung xây dựng nếp sống văn hoá, văn minh, một số đại biểu cho rằng việc triển khai, xây dựng nếp sống văn hoá cần phải có thời gian, trọng tâm là các khu phố, thôn, bản và muốn làm được điều này, tỉnh cần tập trung nâng cấp các thiết chế văn hoá, như điểm vui chơi văn hoá, thể thao, hệ thống cụm loa phát thanh, điểm truy cập Internet để người dân dễ dàng tiếp cận. Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai cần xây dựng mục tiêu, chỉ tiêu và giải pháp cụ thể tại mỗi cơ quan, đơn vị...
Đảm bảo cơ chế, chính sách; ổn định an sinh xã hội
Liên quan đến các chính sách xem xét ban hành tại kỳ họp, các đại biểu đề nghị HĐND tỉnh xem xét quy định chi tiết số lượng chức danh bán chuyên trách tại địa phương, mức chi cụ thể; làm rõ điều kiện hỗ trợ; mở rộng đối tượng đào tạo nghề; bổ sung điều kiện hỗ trợ đầu tư xây dựng nhà xưởng trong cụm công nghiệp; rà soát lại các danh mục ưu tiên, hỗ trợ chính sách phát triển vùng sản xuất tập trung... Ngoài ra, các đại biểu cũng đồng tình, nhất trí cao với việc ban hành Nghị quyết thu phí Khu di tích danh thắng Yên Tử; đề án đưa 22 xã ra khỏi diện đặc biệt khó khăn...
Đối với vấn đề tinh giản bộ máy, biên chế, nhiều ý kiến cho rằng thời gian tới, tỉnh cần có giải pháp đẩy mạnh tinh giản bộ máy, biên chế, phù hợp với yêu cầu của Bộ Nội vụ. Tuy nhiên, nhiều đại biểu nhấn mạnh việc tinh giản bộ máy, biên chế cần phải có lộ trình cắt giảm hợp lý, tránh gây xáo trộn trong tư tưởng cán bộ, nhân dân, từ đó mới có thể tạo sự đồng thuận trong hệ thống chính trị. Cùng với đó, phải có cơ chế chính sách đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế đời sống nhân dân, tiến tới rà soát, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo đúng lộ trình đề ra, tránh gây sức ép lên bộ máy cán bộ. Đại biểu Vi Ngọc Bích, Tổ đại biểu huyện Hải Hà cho rằng, đối với cấp xã cần triển khai phân cấp nguồn kinh phí theo chủ trương chỉ đạo của tỉnh, nên thực hiện khoán chung cho cấp xã chứ không phân bổ riêng cho các đoàn thể như hiện tại. Các tiêu chí xác định thôn loại 1, 2, 3 chưa cụ thể, tỉnh cần thực hiện sớm chủ trương phân loại. Tỷ lệ phân khai giữa đơn vị loại 1, 2, 3 phải có sự đảm bảo hài hoà để không có sự phân biệt quá rõ giữa các loại thôn. Đại biểu Nguyễn Hoài Sơn, Tổ đại biểu huyện Đầm Hà đề nghị, nâng mức khoán quỹ và phụ cấp kiêm nhiệm các đơn vị hành chính, chức danh cấp xã, quy định thống nhất trong toàn tỉnh do đây là thẩm quyền của HĐND cấp tỉnh. Còn đồng chí Vũ Văn Diện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị bổ sung thêm các chức danh đội trưởng, đội phó đội PCCC cấp xã...
Cũng trong phiên thảo luận tại tổ, các đại biểu cũng dành nhiều thời gian thảo luận về các cơ chế bố trí nguồn lực thực hiện Đề án đưa 22 xã và 11 thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, hoàn thành mục tiêu Chương trình 135 giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh với quan điểm ngân sách nhà nước chỉ phân bổ khi các xã xây dựng được đề án cụ thể, sát với thực tiễn và xuất phát từ nhu cầu thực tế của nhân dân để từng cán bộ, đảng viên và nhân dân chung tay thực hiện; xoá bỏ tư tưởng ỷ lại, không chịu thoát nghèo, đồng thời các địa phương tăng cường khuyến khích người dân phấn đấu vươn lên từ nội lực để thoát nghèo...
Hoài Anh - Trúc Linh
Liên kết website
Ý kiến ()