Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 00:01 (GMT +7)
Lạm thu trong các cơ sở giáo dục, mất an toàn lao động được đưa vào phiên chất vấn
Thứ 5, 08/12/2016 | 07:45:57 [GMT +7] A A
Sáng 7/12, kỳ họp thứ 4 HĐND tỉnh khóa XIII bước vào ngày làm việc cuối cùng với phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Các đại biểu HĐND tỉnh đã tập trung chất vấn nhiều vấn đề "nóng", được người dân quan tâm hiện nay như vấn đề lạm thu trong các cơ sở giáo dục, mất an toàn lao động, thực hiện các chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ phát triển sản xuất,…
Siết chặt quản lý, kiểm tra các khoản thu trong ngành Giáo dục
Chất vấn về vấn đề lạm thu trong cơ sở giáo dục hiện nay, ĐB Châu Hoài Thu (Tổ ĐB TX Quảng Yên), nhận định: Những năm qua, Sở Giáo dục và Đào tạo cùng các địa phương trong tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về việc thực hiện các khoản thu, chi đầu năm học. Tuy nhiên, qua thực tế giám sát và phản ánh của cử tri cho thấy, tình trạng lạm thu còn diễn ra ở một số cơ sở giáo dục, nhất là các khoản thu thỏa thuận với phụ huynh học sinh và xã hội hóa... Đại biểu đề nghị Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh cho biết thực trạng và giải pháp khắc phục trong thời gian tới?.
Giải trình về nội dung này, đồng chí Vũ Thị Liên Oanh, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh thừa nhận thực trạng lạm thu đang xảy ra tại một số cơ sở giáo dục trên địa bàn trong những năm học qua. Đồng chí cho rằng tình trạng lạm thu là do một số cơ sở giáo dục chưa thực hiện nghiêm túc việc niêm yết công khai các khoản thu; một số cơ sở giáo dục còn tổ chức thu những khoản ngoài quy định như: tiền vệ sinh lớp học, tiền tổ chức Trung thu cho học sinh tại trường…; huy động xã hội hóa chưa đảm bảo đúng quy trình, thực hiện chưa đúng nguyên tắc tự nguyện (ấn định mức thu khi huy động), chưa chú ý mở rộng đối tượng vận động, triển khai thu ngay từ đầu năm học làm cho số tiền đóng góp đầu năm cao; Sử dụng kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh sai quy định.
Năm học 2015 - 2016, Sở GD&ĐT đã thanh tra tại 62 cơ sở giáo dục, sau thanh tra đã yêu cầu các nhà trường hoàn trả lại các khoản tiền thu chưa đúng quy định cho cha mẹ học sinh là trên 1,6 tỷ đồng. Tính từ đầu năm học 2016 - 2017 đến ngày 15-10-2016, Sở GD&ĐT tiến hành thanh kiểm tra tại 41 cơ sở giáo dục về việc chấp hành các quy định vê dạy thêm, học thêm và thu chi đầu năm học. Sau thanh tra, kiểm tra, Sở đã yêu cầu một số trường trả lại tiền thu chưa đúng quy định cho cha mẹ học sinh với tổng số tiền là trên 196 triệu đồng. Những khoản thu nhà trường lập dự toán còn cao, các đoàn thanh tra đã yêu cầu nhà trường phải lập lại và công khai với cha mẹ học sinh.
Quang cảnh phiên chất vấn |
Lãnh đạo Sở GD&ĐT tỉnh khẳng định: Thời gian tới, sẽ tiếp tục quán triệt, tuyên truyền, phổ biến, triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND tỉnh, Sở GD&ĐT về quy định các khoản thu trong cơ sở giáo dục; tăng cường, thường xuyên thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy định về các khoản thu trong cơ sở giáo dục, kịp thời và kiên quyêt xử lý các trường hợp sai phạm, thông báo công khai nội dung sai phạm và hình thức xử lý để rút kinh nghiệm, nhắc nhở, răn đe, phòng ngừa; yêu cầu các cơ sở giáo dục căn cứ các văn bản hướng dẫn để rà soát lại các khoản thu trong năm học 2016-2017, kịp thời hủy bỏ (nếu chưa thu) hoặc trả lại (nếu đã thu) những khoản thu chưa đúng quy định; Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND cấp huyện công bố số điện thoại đường dây nóng và tiếp nhận thông tin 24/24 giờ để học sinh, giáo viên, cha mẹ học sinh và nhân dân kịp thời phản ánh tình hình thực hiện quy định về thu - chi của cơ sở giáo dục; tiếp tục tăng cường công tác xã hội hóa giáo dục, huy động các nguồn lực xã hội cho hoạt động giáo dục gắn với việc công khai, minh bạch, tăng cường giám sát việc để sử dụng hiệu quả nguồn lực của nhà nước cũng như của nhân dân đóng góp.
Kết luận về vấn đề này, đồng chí Nguyễn Văn Đọc, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tọa kỳ họp đề nghị Sở Giáo dục cần phải tăng cường hướng dẫn đôn đốc kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm tình trạng lạm thu tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn; nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu. Các khoản thu phí trong năm học phải được họp công khai, minh bạch mức phí đóng góp, từ đó, góp phần tạo sự đồng thuận cao.
Tai nạn lao động - trách nhiệm của người đứng đầu
Tai nạn lao động (TNLĐ) chết người trên địa bàn tỉnh đang là một vấn đề được đông đảo cử tri và nhân dân trong tỉnh rất quan tâm và lo lắng. Chất vấn tại kỳ họp lần này, ĐB Ngọc Thái Hoàng (Tổ ĐB Cẩm Phả), cho biết: Trong thời gian gần đây, tình hình TNLĐ chết người trên địa bàn tỉnh tiếp tục diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng. Tính đến ngày 28-11-2016, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 37 vụ TNLĐ chết người, làm chết 41 người, tăng 2 vụ, và 2 người chết so với cùng kỳ năm 2015. Đặc biệt ngành than đã để xảy ra 20 vụ TNLĐ chết người, làm chết 23 người, tăng 3 vụ, 3 người chết so với cùng kỳ năm 2015. Đại biểu Ngọc Thái Hoàng đề nghị đồng chí Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) cho cử tri và nhân dân trong tỉnh biết về công tác điều tra, việc xử lý các vụ TNLĐ nghiêm trọng trong thời gian tới?.
Trước chất vấn của đại biểu Ngọc Thái Hoàng, ông Nguyễn Thế Thịnh, Giám đốc LĐ-TB&XH tỉnh đã thừa nhận thực trạng trên. Đồng chí chỉ rõ nguyên nhân của các vụ tai nạn lao động do lỗi của cả người lao động và người sử dụng lao động như: Trình độ, kinh nghiệm, tác phong công nghiệp của công nhân còn hạn chế; chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát của cán bộ chưa cao; chưa sâu sát trong chỉ đạo thi công; phân công công việc không cụ thể, biện pháp kỹ thuật an toàn chưa đầy đủ…
Đồng chí cho biết, ngay sau khi xảy ra các vụ TNLĐ nghiêm trọng, tỉnh đã kịp thời chỉ đạo các Sở, ban, ngành, địa phương và cơ sở huy động mọi nguồn lực tổ chức công tác cứu hộ, cứu nạn, khắc phục sự cố, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại. Đồng thời, tổ chức thăm hỏi, chia sẻ, động viên gia đình nạn nhân; tổ chức điêu tra, kết luận xử lý nghiêm, kịp thời tất cả các vụ TNLĐ chết người theo đúng quy định của pháp luật.
Thời gian tới, Sở LĐ-TB&XH tiếp tục tăng cường công tác thanh, kiểm tra về an toàn, vệ sinh lao động tập trung vào các doanh nghiệp, cơ sở có nguy cơ cao về mất an toàn lao động; phối hợp với Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Viêt Nam thực hiện kiểm tra đột xuât về an toàn lao động tại các công trường, phân xưởng; tiếp tục thực hiện tốt công tác phối hợp điều tra tai nạn lao động; kiên quyết xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về an toàn lao động...
Đồng chí Nguyễn Thế Thịnh, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH giải trình kiến nghị |
Sau giải trình, ĐB Ngọc Thái Hoàng, Tổ ĐB Cẩm Phả cũng đã đề nghị đồng chí lãnh đạo Sở cho biết thêm các giải pháp để doanh nghiệp có trụ sở ngoài tỉnh tham gia các công trình, dự án trên địa bàn thực hiện tốt an toàn lao động, giảm TNLĐ trong thời gian tới. Đồng chí Nguyễn Thế Thịnh, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, khẳng định: Tới đây, Sở tiếp tục tăng cường phối hợp với các Sở Xây dựng, Sở Giao thông vận tải nắm tình hình và kiểm tra các doanh nghiệp đến địa bàn triển khai, thực hiện các dự án, nhất là những công trình có nguy cơ mất ATLĐ. Đồng thời, tập trung triển khai các văn bản chỉ đạo của tỉnh với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh; đặc biệt xem xét các thiết bị xây dựng có nguy cơ mất an toàn lao động. Cùng với đó, đề cao trách nhiệm của các chủ dự án, khi để xảy ra các vụ TNLĐ thì phải nghiêm túc thực hiện hỗ trợ người bị nạn và kết luận của đoàn kiểm tra. Thêm nữa, đề xuất các cơ quan chức năng tăng cường tổ chức huấn luyện an toàn lao động với phương châm cầm tay chỉ việc cho các cán bộ, công nhân viên lao động, góp phần giảm nguy cơ mất an toàn.
Kết luận về nội dung này, đồng chí Nguyễn Văn Đọc, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Chủ tọa kỳ họp đề nghị các ngành chức năng cần tăng cường thanh, kiểm tra giám sát công tác đảm bảo an toàn lao động tại các đơn vị doanh nghiệp, nhất là với doanh nghiệp tỉnh ngoài. Đồng thời, nghiêm túc kiểm điểm, xử lý các cơ sở vi phạm; nếu để xảy ra tình trạng mất an toàn lao động thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm hoàn toàn.
Cần rà soát lại các đối tượng thụ hưởng chính sách
Trước nội dung chất vấn của ĐB Phạm Văn Hoài (Tổ ĐB Móng Cái) về việc triển khai Đề án 755 (thực hiện chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn) còn chậm tiến độ, đồng chí Lãnh Thế Vinh, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh đã thẳng thắn thừa nhận và cho rằng trách nhiệm trước hết thuộc về Ban Dân tộc tỉnh - cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án trong việc tham mưu chỉ đạo chưa kịp thời, có lúc chưa quyết liệt.
Bên cạnh đó, đồng chí chỉ rõ trách nhiệm cũng thuộc về UBND các địa phương còn chưa quan tâm sâu sát ngay từ khâu rà soát, lập danh sách thụ hưởng và xây dựng phương án sát đúng với từng hộ.
Đại biểu chất vấn tại kỳ họp |
Đồng chí Lãnh Thế Vinh khẳng định: Từ nay đến cuối năm, Ban sẽ tiếp tục đôn đốc các địa phương, gồm: Bình Liêu, Ba Chẽ, Đầm Hà, Hải Hà, Hoành Bồ đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nội dung của đề án, phấn đấu hoàn thành 80% các chỉ tiêu Đề án đề ra.
Bên cạnh đó, Ban cũng sẽ tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển KT-XH vùng dân tộc thiểu số miền núi giai đoạn 2017-2020, chỉ đạo các địa phương xây dựng phương án cụ thể việc hỗ trợ các hộ chưa được thực hiện chính sách hoặc chưa có phương án giải quyết chính sách. Bên cạnh đó, với vai trò là cơ quan tham mưu, Ban Dân tộc tỉnh sẽ phối hợp với sở, ngành của tỉnh tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn thực hiện quy trình làm hồ sơ, thủ tục thanh toán, giải ngân và quyết toán nguồn vốn hỗ trợ về đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt phân tán, chuyển đổi nghề cho các hộ dân thụ hưởng…
Liên quan đến vấn đề này, lãnh đạo huyện Hoành Bồ và huyện Bình Liêu cũng đã giải trình làm rõ thêm trách nhiệm của địa phương trong việc triển khai chậm tiến độ thực hiện Đề án 755. Đồng chí Đặng Bá Bắc, Chủ tịch UBND huyện Bình Liêu nêu rõ vướng mắc, khó khăn của địa phương trong thực hiện chính sách đất ở do tiến độ thực hiện gấp trong thời gian ngắn nên cơ sở thực hiện chưa chặt chẽ.
Về việc hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, Bình Liêu sẽ cố gắng thực hiện đúng tiến độ, đảm bảo trong năm 2016 sẽ hoàn thành mục tiêu đề án. Còn về nước sản xuất, nước sinh hoạt phân tán, tập trung, địa phương sẽ cố gắng hoàn thành trong quý I- 2017.
Còn đối với huyện Hoành Bồ, đồng chí Triệu Đức Hương, Chủ tịch UBND huyện, cho biết: Khi thực hiện rà soát quỹ đất để hỗ trợ các hộ dân thì phát sinh nguồn đất của Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 327 bàn giao, trả lại một số đất lâm nghiệp, do đó, huyện phải thay đổi phương án hỗ trợ. Tới đây, huyện sẽ có phương án cấp đất đối với những đối tượng không có đất sau khi rà soát, phấn đấu hết tháng 12 sẽ hoàn thành mục tiêu đề án.
Tại phiên chất vấn, đồng chí Nguyễn Văn Đọc, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Chủ tọa kỳ họp đã đề nghị UBND tỉnh tập trung chỉ đạo các cơ quan chức năng rà soát lại các đối tượng thụ hưởng chính sách. Đây là nội dung lớn liên quan đến chương trình xóa đói giảm nghèo, chương trình xây dựng Nông thôn mới, chương trình 135, do đó yêu cầu các địa phương, các ngành thực hiện nghiêm túc mục tiêu. đảm bảo các hộ dân được thụ hưởng đúng chương trình.
Trúc Linh
Liên kết website
Ý kiến ()