Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 21/11/2024 23:04 (GMT +7)
Tăng cường các giải pháp phòng ngừa tai nạn lao động
Thứ 2, 12/12/2016 | 04:01:38 [GMT +7] A A
Tại kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh khoá XIII, đại biểu Ngọc Thái Hoàng, Tổ đại biểu TP Cẩm Phả đã chất vấn Giám đốc Sở LĐ-TB&XH về tình hình tai nạn lao động (TNLĐ) chết người trên địa bàn tỉnh tiếp tục diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng và đề nghị cho cử tri và nhân dân trong tỉnh biết về công tác điều tra, việc xử lý các vụ tai nạn, nguyên nhân và giải pháp để ngăn chặn tình hình TNLĐ nghiêm trọng trong thời gian tới.
Đại biểu Ngọc Thái Hoàng, Tổ đại biểu TP Cẩm Phả, chất vấn Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tại kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh khoá XIII. |
Về nội dung này, đồng chí Nguyễn Thế Thịnh, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, trả lời: Tính đến ngày 1-12-2016, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 37 vụ TNLĐ chết người, làm chết 41 người (so với cùng kỳ năm 2015 tăng 2 vụ, tăng 2 người chết). Ngay sau khi xảy ra các vụ TNLĐ nghiêm trọng, UBND tỉnh đã kịp thời chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương và cơ sở huy động mọi nguồn lực tổ chức công tác cứu hộ, cứu nạn, khắc phục sự cố, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại; tổ chức thăm hỏi, chia sẻ, động viên gia đình nạn nhân; điều tra, kết luận xử lý nghiêm, kịp thời tất cả các vụ TNLĐ chết người theo đúng quy định của pháp luật. Công tác điều tra các vụ TNLĐ chết người trên địa bàn tỉnh có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa Đoàn điều tra TNLĐ của tỉnh (gồm Sở LĐ-TB&XH, Sở Y tế, LĐLĐ tỉnh) với cơ quan Công an, Viện KSND trên cơ sở quy định pháp luật và Quy chế phối hợp điều tra, giải quyết các vụ TNLĐ chết người, TNLĐ khác có dấu hiệu tội phạm trên địa bàn tỉnh. Nhờ có sự phối hợp chặt chẽ, thống nhất, tránh chồng chéo trong việc điều tra, xử lý các vụ TNLĐ chết người nên đã tạo điều kiện cho cơ sở xảy ra TNLĐ sớm ổn định sản xuất kinh doanh; thân nhân của người bị TNLĐ sớm được hưởng chế độ bảo hiểm TNLĐ theo quy định. Đoàn điều tra TNLĐ tỉnh đã điều tra, xác định diễn biến, nguyên nhân các vụ TNLĐ chết người; qua đó đã yêu cầu các đơn vị xảy ra TNLĐ thực hiện 168 kiến nghị để phòng tránh TNLĐ tái diễn; kiến nghị các đơn vị xem xét trách nhiệm, xử lý kỷ luật tổng số là 236 người; trong đó chủ yếu là cán bộ (chiếm 86%) và công nhân (chiếm 14%). Các đơn vị đã xử lý tổng số 236 người; trong đó khiển trách 173 người; kéo dài thời hạn nâng lương 42 người; cách chức 21 người.
Qua điều tra các vụ TNLĐ chết người cho thấy trong một vụ TNLĐ thường có nhiều nguyên nhân, trong đó có cả lỗi của người lao động và người sử dụng lao động (chủ yếu là cán bộ chỉ đạo sản xuất cấp công trường, phân xưởng). Cụ thể về chủ quan có các nguyên nhân: Do trình độ, kinh nghiệm, tác phong công nghiệp của công nhân còn hạn chế, thiếu thận trọng trong thao tác; chủ quan, vi phạm quy trình, quy định kỹ thuật an toàn; sự phối hợp công việc trong nhóm thợ chưa tốt dẫn đến tai nạn cho bản thân và đồng đội; do chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát của cán bộ chưa cao; chưa sâu sát trong chỉ đạo thi công; phân công công việc không cụ thể, biện pháp kỹ thuật an toàn chưa đầy đủ; tổ chức sắp xếp nơi làm việc chưa đảm bảo khoa học; chưa dự báo hết các nguy cơ có thể xảy ra TNLĐ để lập các biện pháp phòng tránh và tổ chức thực hiện... Ngoài ra, về khách quan thì tình hình TNLĐ gần đây tăng hơn so với thời gian trước có một phần là do phải thực hiện theo các quy định mới của Luật An toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ), có hiệu lực từ ngày 1-7-2016; theo đó đã mở rộng thêm phạm vi, đối tượng điều tra, thống kê, báo cáo về TNLĐ so với quy định trước đây (tính cả với lao động tự do, không theo hợp đồng lao động và cả trường hợp chết do bệnh lý khi đang đi làm).
Sở LĐ-TB&XH cũng đề xuất một số giải pháp phòng ngừa TNLĐ trong thời gian tới. Đó là tham gia cùng Ban Nội chính Tỉnh uỷ tổ chức kiểm tra, giám sát; tổng kết, đánh giá 4 năm triển khai thực hiện Chương trình hành động số 21-CTr/TU ngày 5-12-2013 của BCH Đảng bộ tỉnh triển khai thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TW của Ban Bí thư T.Ư về đẩy mạnh công tác ATLĐ, VSLĐ trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế. Đồng thời, tích cực triển khai thực hiện Luật ATVSLĐ; các văn bản chỉ đạo, chấn chỉnh, hướng dẫn; các hoạt động của Chương trình quốc gia về ATVSLĐ giai đoạn 2016-2020... Cùng với đó, tiếp tục tăng cường công tác thanh, kiểm tra về ATVSLĐ; tiếp tục tăng cường, đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền giáo dục, huấn luyện ATVSLĐ; quan tâm nghiên cứu, lựa chọn công nghệ sản xuất phù hợp, nâng cao mức độ đảm bảo ATLĐ, cải thiện điều kiện làm việc để người lao động được làm việc trong môi trường an toàn; chú trọng công tác chăm sóc sức khoẻ, điều kiện ăn ở, sinh hoạt, đi lại cho người lao động; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác khai báo, điều tra, thống kê, báo cáo tình hình TNLĐ, sự cố...
Hà Chi
Liên kết website
Ý kiến ()