Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 14:52 (GMT +7)
Hiện thực hoá khát vọng xây dựng Quảng Ninh giàu đẹp
Thứ 6, 13/10/2023 | 08:42:54 [GMT +7] A A
Quảng Ninh được nhìn nhận là mảnh đất giàu tiềm năng, với cơ sở hạ tầng đồng bộ, môi trường kinh doanh thông thoáng. Tận dụng các lợi thế đó, cộng đồng doanh nghiệp của tỉnh đã và đang không ngừng nỗ lực để ổn định sản xuất kinh doanh, đóng góp tích cực cho sự phát triển KT-XH của địa phương. Trên hành trình phát triển, các doanh nghiệp luôn nhận được sự đồng hành, hỗ trợ tích cực của các cấp, ngành và địa phương.
Những người tiên phong
Cũng như bao doanh nhân khác, con đường để có được thành công ngày hôm nay của anh Lưu Công Thành, Giám đốc Công ty CP Thương mại Trung Thành (TP Móng Cái) chắc chắn "không trải toàn hoa hồng" mà đầy những gian nan, thử thách. Khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng tại vùng biên Móng Cái, với những nỗ lực không ngừng, anh Thành đã xây dựng công ty trở thành doanh nghiệp hàng đầu về thương mại và xuất nhập khẩu của Quảng Ninh.
Sau khi đã có những thành công ở lĩnh vực thương mại, năm 2009, anh Thành chuyển hướng sang kinh doanh cây cảnh như một cơ duyên. Anh Thành cùng Công ty CP Thương mại Trung Thành đã đầu tư phát triển mảng kinh doanh cây nhập khẩu.
Đến nay, anh Thành đã có 2 khu vườn tại huyện Đông Anh (TP Hà Nội) với hơn 500 cây xanh, cây cảnh, cây công trình, cây đường phố giá trị cao có nguồn gốc từ Nhật Bản, như: Thông đen, tùng la hán, đỗ quyên, oliu, hồng trà… Anh Thành đã cùng với đội ngũ nhân viên không ngừng tìm tòi những dòng cây thế đẹp, độc, lạ, có ý nghĩa để phục vụ cho các công trình. Đồng thời, không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ nhân sự với nghệ nhân làm vườn Nhật Bản, thợ kỹ thuật có tay nghề cao, tạo ra những sản phẩm sân vườn giàu tính nghệ thuật, khơi gợi cảm xúc.
Để bắt nhịp công nghệ, chăm sóc tốt hơn cho khách hàng, nâng cao chất lượng dịch vụ, anh Thành đã tăng cường ứng dụng công nghệ số trong kinh doanh. Theo đó, mỗi cây xanh đều có một mã quét QR cung cấp thông tin về tên, nguồn gốc, thời gian nhập khẩu, thời gian bảo hành, định kỳ chăm sóc… Đến nay, công ty của anh đã cung cấp và đảm nhận thi công nhiều khu vườn có giá trị lớn ở các địa phương trong cả nước.
Khi đã có những thành công, với mong muốn chia sẻ kinh nghiệm, cũng như hỗ trợ, đồng hành cùng các doanh nhân trẻ phát triển, anh Lưu Công Thành đã đảm nhận vai trò Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Quảng Ninh, Chủ tịch CLB Xúc tiến và đầu tư của Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam. Cuối tháng 5/2023, anh Thành đã kết nối tổ chức thành công chương trình giao thương, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao của Israel về nuôi trồng thủy sản cho các doanh nghiệp trẻ trên địa bàn tỉnh.
Trong vai trò là người dẫn dắt Hội Doanh nhân trẻ Quảng Ninh, anh Thành đã tích cực đổi mới các hoạt động của hội; thường xuyên gặp mặt hội viên giao lưu, kết nối và chia sẻ; tổ chức những chương trình đào tạo, tập huấn, xúc tiến thương mại. Trải qua 21 năm hoạt động, đến nay Hội Doanh nhân trẻ Quảng Ninh đã có 230 hội viên tham gia hoạt động, kinh doanh ở nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác. Hội Doanh nhân trẻ Quảng Ninh thời gian qua luôn tích cực tham gia hoạt động từ thiện. Riêng từ đầu năm đến nay, hội đã dành khoảng 180 triệu đồng cho các hoạt động từ thiện
Còn với anh Phạm Thanh Nhàn, sau nhiều năm gắn bó cùng doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực logistics, anh Nhàn đã quyết định khởi nghiệp bằng việc thành lập Công ty CP Phát triển công nghệ Cyberlogistics Việt Nam (TP Hạ Long). Là doanh nghiệp khởi nghiệp, quy mô nhỏ và vừa, để tạo lợi thế cạnh tranh, anh Nhàn cùng các đồng nghiệp đã xây dựng hệ thống công nghệ để quản lý, điều hành và giám sát toàn bộ hoạt động logistics đảm bảo minh bạch.
Với quyết tâm, sáng tạo, cùng những kinh nghiệm thực tiễn, anh Nhàn xây dựng phần mềm Cyberlogs Terminal để phục vụ công tác quản lý, điều hành hoạt động xếp dỡ, giao nhận và lưu kho hàng hóa tại cảng. Toàn bộ quy trình xếp dỡ, giao nhận và lưu kho hàng hóa đều được số hóa trên hệ thống, đồng thời đảm bảo an ninh, an toàn hàng hóa thông qua việc kiểm soát tất cả quy trình logistics bằng hệ thống camera giám sát, thiết bị GPS kết nối online với máy tính và điện thoại thông minh. Năm 2021, Công ty CP Phát triển công nghệ Cyberlogistics Việt Nam trở thành doanh nghiệp đầu tiên tại Quảng Ninh được Bộ KH&CN cấp giấy chứng nhận trong lĩnh vực công nghệ thông tin.
Công ty của anh Nhàn hiện là một trong số rất ít đơn vị cung cấp hệ thống phần mềm, công nghệ để quản lý và điều hành cảng. Trong đó, đơn vị đang cung cấp giải pháp công nghệ quản lý, khai thác, vận hành toàn bộ cho Cảng quốc tế Ao Tiên. Việc cung cấp các giải pháp công nghệ thông tin là nền tảng quan trọng thúc đẩy chuyển đổi số của doanh nghiệp nói riêng và tỉnh Quảng Ninh nói chung. Công ty CP Phát triển công nghệ Cyberlogistics Việt Nam cũng là doanh nghiệp logistics tin cậy của nhiều đối tác uy tín trên thế giới. Anh Phạm Thanh Nhàn được vinh danh tốp 100 doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc toàn quốc năm 2023.
Cùng với những điển hình trên, Quảng Ninh còn nhiều doanh nhân tiêu biểu có nhiều đóng góp cho tỉnh trong chặng đường xây dựng và phát triển, đã được ghi nhận, khen thưởng và biểu dương. Điển hình là các doanh nhân: Bùi Văn Quang, Giám đốc Công ty CP Công nghệ Agrico, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Quảng Ninh, được tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ về thành tích xuất sắc trong phong trào doanh nhân trẻ khởi nghiệp giai đoạn 2016-2021; Lê Thanh Hà, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư thương mại dịch vụ Đại Dương, đạt tốp 10 giải thưởng “Sao vàng Thương hiệu Việt”; Nguyễn Ngọc Thành, Tổng Giám đốc Công ty Bất động sản Newlife Land, đạt danh hiệu Tài năng trẻ tỉnh Quảng Ninh năm 2022...
Sẻ chia, đồng hành cùng doanh nghiệp
Hiện nay, Quảng Ninh có hơn 17.590 doanh nghiệp, với số vốn đăng ký đạt trên 381.000 tỷ đồng; hơn 400 HTX đang hoạt động và trên 210 tổ hợp tác, với tổng vốn đăng ký hoạt động trên 1.180 tỷ đồng. 9 tháng năm 2023, ước có 2.049 doanh nghiệp được thành lập mới, tăng 6,8% so cùng kỳ năm 2022; có 54 HTX thành lập mới, tăng 45% so cùng kỳ năm 2022, tăng 80% so với kế hoạch năm 2023. Kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh ước đạt 3,1 tỷ USD, tăng 14,15% so với cùng kỳ năm 2022. Năng lực của doanh nghiệp đã tăng lên đáng kể và phát triển theo hướng bền vững. Kết quả này khẳng định sự quyết tâm, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự tin tưởng của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong toàn tỉnh.
Bà Nguyễn Thị Mai Phương, Phó Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Phương Thùy (TP Uông Bí) chia sẻ: Với sự quan tâm, tạo điều kiện của tỉnh, doanh nghiệp chúng tôi có cơ hội được tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu sản phẩm, nâng cao chất lượng, kết nối mở rộng thị trường. Đơn vị còn được tỉnh hỗ trợ máy móc tiên tiến với công nghệ sấy thăng hoa đảm bảo giữ nguyên giá trị sản phẩm từ chương trình khuyến công phục vụ sản xuất sản phẩm đông trùng hạ thảo khô. Chất lượng sản phẩm đông trùng hạ thảo khô của đơn vị ngày càng nâng cao, sức tiêu thụ tốt, nhiều người tin dùng.
Những năm gần đây, Quảng Ninh được đánh giá là địa phương đi đầu trong triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp. Từ linh hoạt các chính sách ưu đãi, tỉnh đã cụ thể hóa hoạt động hỗ trợ, từng bước tháo gỡ cho doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh, góp phần giúp doanh nghiệp ngày càng lớn mạnh, đóng góp tích cực cho sự phát triển KT-XH của địa phương. Với tinh thần vượt khó, đoàn kết, tự lực, tự cường, chủ động thích ứng linh hoạt, hành động quyết liệt, tích cực đổi mới, sáng tạo, năm 2023, tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các ngành, địa phương quán triệt, tổ chức triển khai ngay các nhiệm vụ phát triển KT-XH và chủ đề công tác năm “Nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư và chất lượng đời sống nhân dân”, tập trung tháo gỡ tối đa những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp bằng nhiều giải pháp thiết thực.
Tỉnh cũng tập trung nhiều nguồn lực, nỗ lực trong xây dựng hệ sinh thái dân sinh hấp dẫn, với những chính sách khuyến khích và hỗ trợ vượt trội, môi trường sống tốt, cung cấp các dịch vụ công có chất lượng cao... Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách, hiện đại hóa hành chính, quyết liệt triển khai nhiều giải pháp sáng tạo trong công tác hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư ngày càng đi vào thực chất và hiệu quả. Quảng Ninh là địa phương duy nhất trong cả nước lần thứ hai giữ vị trí đứng đầu cả 4 chỉ số quan trọng là: Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số cải cách hành chính (PAR-Index), Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) và Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS), 10 năm liền (từ năm 2013 đến năm 2022) nằm trong nhóm 5 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất cả nước, trong đó, 6 năm liên tiếp (2017-2022) giữ vị trí quán quân về chỉ số PCI...
Đây là sự đánh giá khách quan, niềm tin, sự ghi nhận của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp đối với những nỗ lực cải cách, đổi mới, sáng tạo không ngừng nghỉ của chính quyền địa phương.
Để đáp ứng với tình hình mới, tỉnh đẩy mạnh triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số toàn diện. Trong tháng 10/2023, tỉnh tổ chức tư vấn Ngày hội chuyển đổi số cho doanh nghiệp toàn tỉnh; kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp chủ động đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh, tái cấu trúc doanh nghiệp gắn với chuyển đổi số. Các sở, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp luôn phối hợp, đồng hành, nhận diện kịp thời những mâu thuẫn trong thực tiễn quản lý, khó khăn, thách thức để tìm cách tháo gỡ.
Các cấp, ngành, địa phương còn thường xuyên rà soát, nắm chắc tình hình, tháo gỡ khó khăn cho từng doanh nghiệp, từng dự án để phát triển doanh nghiệp và các thành phần kinh tế, phát triển sản xuất, kinh doanh. Quảng Ninh cũng định kỳ tổ chức hội nghị tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; tọa đàm Cafe doanh nhân… nhằm giúp các doanh nghiệp, nhà đầu tư có điều kiện giao lưu, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, nắm bắt thông tin để định hướng phát triển, mở rộng hợp tác, tăng cường liên kết với nhau trong thời gian tới.
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Phạm Văn Thể chia sẻ: Sự quan tâm, tạo điều kiện, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn của tỉnh đã tạo động lực để các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất, kinh doanh, vươn lên phát triển. Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh tiếp tục phối hợp, đề xuất, kiến nghị và đưa ra giải pháp giải quyết khó khăn vướng mắc cho các doanh nghiệp để cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân của tỉnh ngày càng lớn mạnh cả về lượng và chất, đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển bền vững của địa phương.
Sự chung tay, đồng hành, cùng khát vọng cống hiến của các doanh nghiệp, doanh nhân đã góp phần cùng địa phương xây dựng Quảng Ninh ngày càng phát triển. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh 9 tháng năm 2023 tăng 9,94% so cùng kỳ năm 2022; tổng thu NSNN thực hiện 9 tháng đạt 40.678 tỷ đồng, bằng 75% dự toán tỉnh giao, tăng 4% so cùng kỳ năm 2022. Qua đây, góp phần hiện thực hóa mục tiêu, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, xây dựng Quảng Ninh ngày càng giàu đẹp.
Trúc Linh - Cao Quỳnh
Liên kết website
Ý kiến ()