Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 03:36 (GMT +7)
Hiện thực hóa quy định khu vực không được phép chăn nuôi
Thứ 4, 06/11/2024 | 05:12:26 [GMT +7] A A
Tại Kỳ họp thứ 22 HĐND tỉnh khóa XIV đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc Quy định khu vực thuộc nội thành của thành phố, thị xã, thị trấn khu dân cư không được phép chăn nuôi và chính sách hỗ trợ khi di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Đây là chủ trương hoàn toàn phù hợp với tình hình thực tế và định hướng phát triển đô thị của nhiều địa phương. Điều này cũng sẽ tạo nên các vùng chăn nuôi an toàn, bảo đảm vệ sinh và văn minh đô thị.
Theo số liệu rà soát của các địa phương, hiện tỷ lệ chăn nuôi nông hộ trên địa bàn tỉnh còn rất cao, trên 96% với gần 40.000 cơ sở. Trong đó, đàn lợn 270.000 con (trang trại tập trung chiếm 25%); đàn gia cầm 5,4 triệu con (trang trại tập trung chiếm 40%); đàn bò 27.000 con (trang trại tập trung chiếm 42%) và đàn trâu 24.000 con. Tổng sản lượng thịt hơi đạt 103.000 tấn/năm; trứng 62 triệu quả. Điều đáng nói là trong tổng số gần 40.000 cơ sở thì toàn tỉnh mới có 1.244 cơ sở chăn nuôi theo quy mô trang trại, trong đó có 26 doanh nghiệp, 24 HTX và cũng chỉ có 28 cơ sở được cấp chứng nhận VietGAHP, 15 cơ sở được cấp chứng nhận an toàn dịch bệnh.
Ghi nhận thực tế tại các cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ cho thấy, phần lớn các hộ nuôi từ 1-5 con lợn, 10-30 con gà, tận dụng nguồn thức ăn sẵn có, sử dụng lao động thời vụ rảnh rỗi hoặc người đã quá tuổi lao động. Do chăn nuôi không phải là nguồn sinh kế chính, chuồng trại thường được tận dụng nên chật hẹp và ngày càng xuống cấp, không đảm bảo các điều kiện về vệ sinh thú y, quy trình chăn nuôi không khép kín, việc xử lý chất thải, nước thải không được triệt để, gây ô nhiễm môi trường. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến cho các loại dịch bệnh hầu như chỉ xảy ra ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, xen kẹp trong các khu dân cư, nhất là các khu vực nội thành.
Bà Chu Thị Thu Thủy, Chi cục trưởng, Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN&PTNT), cho biết: Chăn nuôi nông hộ hiệu quả kinh tế không cao, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh dịch bệnh, khó quản lý giám sát các biện pháp phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi. Mặt khác chất thải, nước thải, mùi hôi chuồng trại đã ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường sống dân cư, tác động đến sức khỏe con người, gây mất mỹ quan đô thị, đồng thời làm giảm chất lượng sản phẩm, không đảm bảo VSATTP. Chính vì vậy, các cơ sở chăn nuôi trong khu vực nội thành của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư cần phải dừng hoạt động theo quy định của Luật Chăn nuôi 2018.
Trên cơ sở tiếp thu ý kiến chỉ đạo của HĐND tỉnh khóa XIV tại kỳ họp 19, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương xác định rõ tiêu chí đề xuất khu vực thuộc nội thành của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư không được phép chăn nuôi trên địa bàn tỉnh trên quan điểm thận trọng, đánh giá nhiều chiều, lấy ý kiến nhiều lần và có sự tham gia phản biện của Ủy ban MTTQ các cấp. Sau một thời gian cân nhắc kỹ lưỡng, các địa phương đã thống nhất xác định tiêu chí phải đảm bảo các điều kiện như sau: Khu vực không được phép chăn nuôi (trừ nuôi động vật làm cảnh, nuôi động vật trong phòng thí nghiệm mà không gây ô nhiễm môi trường) là khu vực nội thành, nội thị của thành phố, thị xã, thị trấn thuộc đô thị loại V trở lên với mật độ dân số tính trên diện tích đất xây dựng đô thị đạt từ 6.000 người/km2 trở lên, tỷ lệ lao động phi nông nghiệp đạt từ 70% trở lên.
Các khu vực không được phép chăn nuôi đều phù hợp với các quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt; quy hoạch vùng, quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chăn nuôi của các địa phương, các khu chung cư nhà ở xã hội, khu tái định cư khu đô thị được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Tỷ lệ đồng thuận của cộng đồng dân cư tại khu vực đề xuất đạt trên 90%, của hộ chăn nuôi trên 50%.
Chính sách hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi được thực hiện theo Nghị định số 106/2024/NĐ-CP ngày 1/8/2024 Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi. Theo đó, triển khai Nghị quyết sẽ có trên 300 khu vực không được phép chăn nuôi tại các khu vực nội thành của 13/13 thành phố, thị xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh và các chung cư, nhà ở xã hội, khu tái định cư tập trung, khu đô thị được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Việc thu hẹp phạm vi không được phép chăn nuôi đã nhận được sự đồng thuận cao của người dân, giảm lực về kinh phí thực hiện chính sách.
Ông Nghiêm Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, khẳng định: Nghị quyết được xây dựng và ban hành sẽ giúp cơ quan chuyên môn, các địa phương có cơ sở để quản lý, phát triển chăn nuôi theo quy hoạch. Đồng thời, tạo môi trường chăn nuôi thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, nhất là trong điều kiện tỉnh đang đẩy mạnh việc gia tăng tỷ lệ giá trị chăn nuôi trong cơ cấu ngành nông nghiệp nhằm ổn định, nâng cao đời sống người dân. Việc điều chỉnh chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung và ra khỏi các khu vực không được phép chăn nuôi là hoàn toàn phù hợp với định hướng phát triển KT-XH của tỉnh, các quy định của Luật Chăn nuôi và là một trong những khâu đột phá để đưa ngành chăn nuôi của tỉnh phát triển bền vững.
Hoàng Nga
Liên kết website
Ý kiến ()