Cầu treo Morbi đứt dây khi hàng trăm người đi qua cùng lúc để dự lễ hội Diwali, làm ít nhất 132 nạn nhân rơi xuống sông thiệt mạng ngày 30/10.
Cây cầu treo ở thị trấn Morbi, bang Gujarat bị sập lúc 18h42 tối 30/10 (20h12 giờ Hà Nội). Giới chức cho biết có gần 500 người, trong đó có cả trẻ em và phụ nữ, đang tập trung trên và xung quanh cầu để tham dự lễ hội ánh sáng Diwali của Hindu giáo khi thảm kịch xảy ra. Nhiều nạn nhân bị rơi xuống sông Machchhu ngay bên dưới.
Cảnh quay trên truyền hình cho thấy hàng chục người bám vào dây cáp và những phần còn lại của cây cầu bắc qua sông Machchhu khi lực lượng cứu hộ cố giải cứu họ. Một số người trèo lên phần còn lại của cầu tìm đường đến bờ sông, trong khi những người khác bơi đến nơi an toàn.
Các nạn nhân cố bám víu vào cây cầu bị sập. Video:Twitter/News24.
Giới chức Ấn Độ triển khai tàu và thợ lặn đến hiện trường để tìm kiếm những người mất tích. Binh sĩ lục quân và hải quân Ấn Độ cũng được điều động. Họ lập kế hoạch chặn nguồn nước vào sông Machchhu từ một con đập gần đó và dùng bơm hút bớt nước sông để tăng tốc chiến dịch.
Times of Indiadẫn lời một quan chức cảnh sát nói số người thiệt mạng là 132.
Cần cẩu di chuyển một phần cầu treo bị sập.
Brijesh Merja, quan chức bang Gurajat, cho biết hầu hết những người thiệt mạng và bị thương là trẻ vị thành niên, phụ nữ và người già. "Những người bị thương đã được đưa đến bệnh viện", Merja nói.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, đang ở quê nhà Gujarat khi thảm kịch xảy ra, nói sẽ hỗ trợ người nhà các nạn nhân trong vụ sập cầu.
"Ông kêu gọi giới chức Ấn Độ theo dõi sát tình hình, giúp đỡ hết sức có thể những người bị ảnh hưởng", văn phòng Thủ tướng Ấn Độ viết trên Twitter.
Thi thể các nạn nhân trong vụ sập cầu được đưa đến một bệnh viện ở Morbi. Chính quyền bang Gurajat thông báo đã lập đội đặc nhiệm để điều tra thảm kịch.
Người nhà một nạn nhân trong vụ sập cầu không kìm nén được cảm xúc.
Cây cầu treo dài 230 m được xây dựng từ thế kỷ 19, khi Ấn Độ vẫn là thuộc địa của Anh. Nó đã bị đóng cửa để tu sửa trong 6 tháng và mới được đưa vào hoạt động trở lại hồi tuần trước. Phe đối lập cáo buộc chính phủ đã tắc trách, không đánh giá kỹ thuật và tải trọng kỹ lưỡng sau khi sửa cầu.
Tai nạn do cơ sở hạ tầng cũ và được bảo trì kém, bao gồm cầu, khá phổ biến ở Ấn Độ. Năm 2016, vụ sập cầu vượt trên một con phố đông đúc ở thành phố Kolkata, bang Tây Bengal khiến ít nhất 26 người chết. Lực lượng cứu hộ đã kéo gần 100 người bị thương ra khỏi những tấm bê tông và kim loại khổng lồ.
Ý kiến ()