Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 22:13 (GMT +7)
Hiệu quả công tác truyền thông
Thứ 6, 09/09/2022 | 07:48:22 [GMT +7] A A
Truyền thông có vai trò quan trọng đối với công tác DS-KHHGĐ. Vì thế, để đạt được mục tiêu của chiến lược dân số đến năm 2030, ngành Dân số tỉnh luôn đề cao vai trò của truyền thông trong việc thay đổi nhận thức, hành vi của từng nhóm đối tượng xã hội, góp phần duy trì và ổn định chất lượng dân số.
Nhờ công tác truyền thông mà những khẩu hiệu, pháp lệnh liên quan đến công tác dân số đã được nhiều người trong xã hội biết đến. Công tác truyền thông được triển khai với nhiều hình thức phong phú, dễ hiểu, phù hợp với từng nhóm đối tượng. Trong đó, chú trọng tư vấn trực tiếp cho các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, thanh niên, vị thành niên, các gia đình sinh con một bề… Hoạt động trọng tâm là tuyên truyền về quy mô, cơ cấu dân số, phân bố và chất lượng dân số đặt trong mối quan hệ với phát triển kinh tế - xã hội; duy trì mức sinh thay thế, giảm mất cân bằng giới tính khi sinh, tận dụng cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hóa dân số, phân bố dân số hợp lý và nâng cao chất lượng dân số.
Theo đó, đối với quy mô dân số, các nội dung, hình thức tuyên truyền phù hợp với thực trạng mức sinh của từng địa phương. Với các địa phương chưa đạt mức sinh thay thế, tuyên truyền tập trung vào thông điệp giảm sinh, nhằm đạt mức sinh thay thế bình quân; lợi ích của KHHGĐ, quy mô gia đình ít con. Đối với những địa phương đã đạt mức sinh thay thế hoặc dưới mức sinh thay thế, truyền thông mỗi cặp vợ chồng sinh đủ 2 con, duy trì khoảng cách giữa các lần sinh, ổn định mức sinh...
Về cơ cấu dân số, truyền thông mạnh mẽ nhằm giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, lên án các hành vi lựa chọn giới tính thai nhi, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về hôn nhân gia đình, bình đẳng giới.
Ở các địa phương, trọng tâm là truyền thông nhóm nhỏ tại các khu dân cư, tập trung vào các nội dung: Mất cân bằng giới tính khi sinh, giảm tỷ lệ sinh con thứ ba, sàng lọc trước và sau sinh…
Vợ chồng chị Hoàng Thị Yến (thôn 3, xã Quảng Nghĩa, TP Móng Cái) đã có 2 con đang học tiểu học, không có ý định sinh thêm con thứ 3, nên đã lựa chọn biện pháp tránh thai an toàn. Chị Yến cho biết: “Vợ chồng tôi đã thử nhiều biện pháp tránh thai, như đặt vòng, bao cao su, nhưng đều thấy chưa phù hợp, nên tôi chuyển sang tiêm thuốc tránh thai. Cứ 3 tháng tôi tiêm một lần, đặt lịch để ghi nhớ đúng ngày tiêm. Ở thôn chúng tôi, nhờ có các cán bộ, cộng tác viên dân số tuyên truyền rất hiệu quả, hầu như cặp vợ chồng nào cũng nhận thức đầy đủ về DS-KHHGĐ, đều chọn cho mình những biện pháp tránh thai phù hợp, an toàn”.
Chị Phạm Thị Nghĩa, cán bộ dân số xã Quảng Nghĩa, cho biết: Xã có nhiều hoạt động truyền thông, điển hình là truyền thông nhóm nhỏ được triển khai lồng ghép các nội dung về KHHGĐ tại các cuộc họp, sinh hoạt của chi hội phụ nữ, các buổi sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể thao. Đồng thời, duy trì các hoạt động truyền thông tư vấn trực tiếp. Đội ngũ cộng tác viên dân số, nhân viên y tế thôn, bản tuyên truyền tới từng nhóm, đối tượng đặc thù, với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để tư vấn các biện pháp tránh thai phù hợp, chú trọng vào những đối tượng nguy cơ cao, những gia đình sinh con một bề…
Năm 2022, ngành Dân số tỉnh đặt mục tiêu duy trì mức sinh thay thế, tiếp tục giảm sinh ở những nơi có mức sinh cao; phát triển, nâng cao chất lượng các dịch vụ KHHGĐ... Để hoàn thành các mục tiêu này, ngành tiếp tục triển khai các hoạt động truyền thông về sàng lọc trước sinh và sơ sinh, kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, vận động mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ 2 con, đảm bảo quyền, trách nhiệm trong việc sinh con và nuôi dạy con tốt. Cùng với đó, khống chế đà tăng tỷ số giới tính khi sinh, đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên, chủ động tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hóa dân số.
Vân Anh
Liên kết website
Ý kiến ()