Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 11:01 (GMT +7)
Hiệu quả hoạt động của Quỹ hỗ trợ nông dân
Thứ 5, 12/10/2023 | 15:16:55 [GMT +7] A A
Từ nguồn vốn của Quỹ hỗ trợ nông dân, nhiều nông hộ, HTX, tổ hợp tác đã có thêm nguồn lực để mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư công nghệ, phát huy thế mạnh của những sản phẩm nông nghiệp đặc trưng. Đòn bẩy từ quỹ đã tiếp sức cho nhiều nông sản trên hành trình trở thành sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh Quảng Ninh năm 2023.
Nhận thấy ổi lê là giống cây phù hợp với thổ nhưỡng, có tiềm năng về kinh tế, từ năm 2012, gia đình ông Vũ Minh Thường (xã Sơn Dương, TP Hạ Long) đã chuyển đổi khoảng 1ha đất trồng lúa, hoa màu kém năng suất sang trồng ổi. Đồng thời, liên kết với các hộ dân quanh vùng xây dựng, phát triển thương hiệu Ổi lê Toàn Phú và thành lập HTX.
Với sự trợ lực của các cấp hội nông dân, đặc biệt là nguồn vốn vay từ Quỹ hỗ trợ nông dân, ông Thường cùng các hộ dân từng bước mở rộng diện tích trồng ổi và chú trọng sản xuất an toàn theo hướng VietGAP, áp dụng huyển đổi số mở rộng kênh tiêu thụ. Nhờ đó, thương hiệu "Ổi lê Toàn Phú" ngày càng được nhiều người tiêu dùng biết đến và có đầu ra ổn định tại các siêu thị, khách sạn, nhà hàng, cửa hàng nông sản trong và ngoài tỉnh.
Chất lượng và uy tín của Ổi lê Toàn Phú đã được Hội Nông dân tỉnh bình chọn là một trong 35 sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh Quảng Ninh năm 2023.
Không chỉ riêng sản phẩm Ổi lê Toàn Phú, nhiều nông sản tiêu biểu của tỉnh Quảng Ninh ngày càng phát triển nhờ sự tiếp sức kịp thời thông qua kênh vốn của Quỹ hỗ trợ nông dân. Có thể kể đến như miến dong Bình Liêu, trà hoa vàng Ba Chẽ, dưa lưới Quảng Tân, chè Ngọc Thúy... Những nông sản này ngày càng được nhân rộng quy mô, diện tích và được đầu tư về công nghệ để nâng cao chất lượng, giá trị, có sức cạnh tranh cao.
Quỹ hỗ trợ nông dân các cấp còn tạo điều kiện để hội viên, nông dân tham gia tập huấn khoa học kỹ thuật, kiến thức quản lý, kinh doanh, kỹ năng bán hàng... Qua đó, giúp hội viên xây dựng thành công các thương hiệu nông sản theo chuỗi liên kết từ khâu sản xuất đến tiêu thụ.
Theo lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh, Quỹ hỗ trợ nông dân được triển khai thực hiện với mục tiêu ưu tiên cho vay để xây dựng và nhân rộng các mô hình kinh tế phát huy được tiềm năng, lợi thế của địa phương; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất, kinh doanh; có sự liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; sản phẩm tạo ra phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, hướng tới sản phẩm đạt chuẩn OCOP... Tính đến nay, tổng nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân toàn tỉnh là 85,133 tỷ đồng. Từ đầu năm đến nay, quỹ đã giải ngân được 28,2 tỷ đồng cho 373 hộ vay với 46 dự án.
Thực tế cho thấy nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân không chỉ giúp hội viên, nông dân có thêm điều kiện phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống, mà còn giúp thay đổi phương thức canh tác nhằm nâng cao giá trị sản phẩm. Các chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, HTX cũng đã phát huy hiệu quả nguồn vốn, từng bước xây dựng thương hiệu cho nông sản ngày một chất lượng, hướng tới các tiêu chí của sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu.
Thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh tiếp tục phát huy hiệu quả nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân bằng việc ưu tiên nhân rộng các mô hình liên kết theo hướng chuỗi giá trị gắn với sản phẩm chủ lực tại địa phương; đẩy mạnh các hình thức vận động tạo nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân từ ngân sách, ngoài ngân sách; thực hiện tốt các hoạt động ủy thác, cho vay lãi suất thấp để đưa vốn đến với nhiều hội viên, nông dân hơn.
Cùng với đó, Hội Nông dân tỉnh cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, giúp cán bộ, hội viên hiểu rõ hơn mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của việc xây dựng, phát triển nguồn quỹ; hướng dẫn hội viên, nông dân phát huy hiệu quả nguồn vốn cho vay để nâng cao thu nhập, cũng như tạo sức bật cho những nông sản có thế mạnh.
Yến Vy
Liên kết website
Ý kiến ()