Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 04:57 (GMT +7)
Hình thành lối sống thượng tôn pháp luật trong thanh niên
Thứ 5, 15/08/2024 | 05:45:37 [GMT +7] A A
Lứa tuổi thanh, thiếu niên dễ bị ảnh hướng bởi những tác động xấu nếu không có sự định hướng từ xa, từ sớm. Chính bởi vậy, nhiều năm qua công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), hình thành thói quen sống và làm theo Hiến pháp, pháp luật đối với ĐVTN ở Quảng Ninh luôn được các cấp, các ngành quan tâm.
Được tiếp cận với các quy định của pháp luật dưới nhiều hình thức phải kể đến thanh, thiếu niên trong các trường học. Hằng năm, Sở GD&ĐT đều chủ động xây dựng quy chế, kế hoạch phối hợp với các sở, ngành liên quan, đặc biệt là Công an tỉnh, Sở LĐ-TB&XH, Sở Tư pháp, Tỉnh Đoàn... thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền PBGDPL cho học sinh.
Hình thức tuyên truyền ở các trường học khá phong phú, phù hợp với từng nhóm đối tượng, địa bàn, điều kiện thực tiễn của đơn vị, địa phương. Các trường học thực hiện nghiêm hướng dẫn của Sở GD&ĐT về dạy học tích hợp nội dung phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội, phòng chống ma túy, phòng chống mua bán người... vào các môn học và hoạt động giáo dục trong nhà trường; tổ chức ký cam kết không vi phạm pháp luật trong học sinh tại các cơ sở giáo dục; triển khai ký cam kết với cha mẹ học sinh và yêu cầu học sinh cam kết thực hiện nghiêm túc các quy tắc an toàn khi tham gia giao thông...
Đặc biệt, ngành giáo dục tỉnh đã tích cực hưởng ứng cuộc thi “ATGT cho nụ cười ngày mai” năm học 2023-2024 cấp quốc gia và đoạt 43 giải (học sinh đoạt 36 giải, giáo viên đoạt 7 giải).
Không chỉ trong môi trường học đường, việc tuyên truyền PBGDPL cho thanh, thiếu niên luôn được các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh chú trọng. Phương thức tuyên truyền cho thanh, thiếu niên được đổi mới thường xuyên. Tổ chức đoàn các cấp trong tỉnh tăng cường ứng dụng chuyển đổi số trong thiết kế, tổ chức các hoạt động tuyên truyền, như: Hội nghị trực tuyến, thiết kế, đăng tải các ấn phẩm, video, clip, phóng sự ngắn; các cuộc thi trực tuyến, livestream; triển khai các mô hình mới; lồng ghép sinh hoạt chuyên đề, sinh hoạt chi đoàn…
Cùng với đó, Đoàn Thanh niên các cấp chú trọng phát huy vai trò của các tổ chức, cá nhân có uy tín, ảnh hưởng xã hội trong định hướng, giáo dục đạo đức, lối sống, giá trị thẩm mỹ cho ĐVTN; củng cố, kiện toàn và hoạt động của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, cộng tác viên dư luận xã hội…
Qua đó, nhiều mô hình hay trong tuyên truyền PBGDPL cho ĐVTN đã được thực hiện, tiêu biểu như Huyện Đoàn Đầm Hà phối hợp cùng Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý (Công an tỉnh) tổ chức chương trình “Thanh niên, học sinh Đầm Hà nói không với ma túy và tệ nạn xã hội” năm 2024. Thành Đoàn Uông Bí phối hợp tổ chức Phiên tòa giả định PBGDPL về ma túy và ATGT cho gần 1.000 thanh, thiếu niên phường Vàng Danh; chỉ đạo đồng loạt 10/10 xã, phường tổ chức tuyên truyền về ATGT tại các trường tiểu học, THCS, THPT trên địa bàn. Thị Đoàn Đông Triều ra mắt mô hình "Lốp xe biển báo giao thông" của xã Tràng Lương tại ngã ba bưu điện, ngã tư, ngã năm và các khúc cua là nơi tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT…
6 tháng đầu năm 2024, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn tổ chức 10 ngày hội pháp luật tuyên truyền về phòng, chống ma túy trong ĐVTN với chủ đề “Thanh niên nói không với tệ nạn xã hội, ma túy” cho hơn 2.000 sinh viên, ĐVTN.
Cùng với đó, các cơ sở đoàn còn đẩy mạnh hoạt động tình nguyện tham gia đảm bảo trật tự ATGT; duy trì và kiện toàn thường xuyên 200 mô hình “Cổng trường thanh niên tự quản đảm bảo xanh, sạch, đẹp và trật tự ATGT” bằng cách phối hợp với lực lượng chức năng phân luồng giao thông, tổ chức ký cam kết không vi phạm về trật tự ATGT đối với phụ huynh và học sinh. 250 đội hình thanh niên tình nguyện tham gia giữ gìn trật tự ATGT được duy trì nhằm phối hợp điều tiết giao thông vào giờ cao điểm, vận động giải tỏa việc lấn chiếm hành lang ATGT gắn với các “Đoạn đường thanh niên tham gia quản lý đảm bảo trật tự ATGT”, “Ngõ phố thanh niên tự quản trật tự ATGT”, “Vỉa hè thanh niên tự quản”…
Việc đẩy mạnh tuyên truyền PBGDPL cho thanh, thiếu niên trên địa bàn tỉnh đã góp phần phát huy hiệu quả trong công tác quản lý và ngăn chặn kịp thời, không để thanh, thiếu niên tham gia vào các tệ nạn xã hội (ma túy, mại dâm, cờ bạc, rượu bia…); không thực hiện hành vi phạm tội, vi phạm pháp luật, gây rối trật tự công cộng… Đồng thời, góp phần đảm bảo trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Cầm Khuê
Liên kết website
Ý kiến ()