Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 12:44 (GMT +7)
Hỗ trợ sinh kế cho hộ nghèo
Thứ 2, 21/11/2022 | 06:48:00 [GMT +7] A A
Trong các chính sách, chương trình vì người nghèo, hỗ trợ về sinh kế luôn được chú trọng, thông qua các hình thức như cho vay vốn ưu đãi, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, trao tặng cây, con giống, cây trồng, công cụ lao động... Đây là điểm tựa, động lực để các hộ thoát nghèo bền vững.
Không bỏ cuộc
Là mẹ đơn thân, gia đình thuộc diện khó khăn nhất khu phố 4 (phường Cẩm Phú, TP Cẩm Phả), cuộc sống của chị Lê Thị Thu Huyền chỉ trông chờ vào thu nhập ít ỏi từ công việc đánh hà, bắt ốc ở chân các đảo núi đá vôi trên Vịnh Bái Tử Long. Mưu sinh trên biển chịu ảnh hưởng nhiều của thời tiết mưa nắng, sóng gió thất thường, phụ thuộc vào các chuyến đò đưa đón. Chị Huyền cho biết: "Hằng ngày chủ đò đi thì mình đi, họ nghỉ thì mình cũng phải nghỉ. Có hôm 12h trưa mới ra đến chân núi, chờ đến 14h nước cạn mới làm được, mà 16h đò đã đón về rồi, dù thu hoạch chưa được bao nhiêu. Nơi mưu sinh là những mỏm đá núi lởm chởm, vỏ hà sắc nhọn, tựa như những lưỡi dao chực chờ cứa vào da thịt...".
Chị tâm sự, niềm vui mỗi ngày là khi về bờ có thể bán hết được sản phẩm sau một ngày lao động chăm chỉ. Trừ chi phí đò máy đưa đón, chị kiếm được khoảng 100.000 đồng/ngày. Dù ít ỏi nhưng tạm đủ trang trải sinh hoạt tối thiểu, mua gạo, mắm, tiền điện nước hằng ngày. Cô con gái nhỏ gần 5 tuổi luôn ngóng mẹ đi biển về là điểm tựa tinh thần để chị Huyền vẫn cố gắng mưu sinh trên Vịnh, dẫu vô cùng vất vả.
Chia sẻ với hoàn cảnh khó khăn của chị Huyền, những năm qua, cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể phường Cẩm Phú luôn quan tâm, hỗ trợ kịp thời, như đảm bảo các chính sách hỗ trợ theo quy định dành cho hộ cận nghèo, nhận đỡ đầu con gái chị Huyền 6 triệu đồng/năm cho đến năm 11 tuổi... Cuối tháng 5/2022 vừa qua, Hội LHPN phường đã kết nối với chương trình của Hội LHPN TP Cẩm Phả, hỗ trợ chị Huyền 5 triệu đồng để mua một chiếc thuyền mủng đi làm hằng ngày.
Nhờ có phương tiện đi làm, hơn 5 tháng qua, chị Huyền chủ động được thời gian đi biển, không còn phụ thuộc vào các chuyến đò đi chung như trước. Lượng ốc, hà khai thác được cũng nhiều hơn, thu nhập tăng từ mức 2-4 triệu đồng lên gần 5 triệu đồng/tháng. Gia đình chị được xét công nhận ra khỏi diện hộ cận nghèo. Hỏi chị về dự định thời gian tới, chị bảo: “Tôi đã dành dụm một khoản tiền để Tết này mua cho con gái vài bộ quần áo mới. Nhưng vui hơn hết là sang năm cháu vào học lớp 1, dù chưa thể bằng bạn bằng bè, nhưng việc ăn học của con cũng đỡ lo hơn. Tôi thì chẳng quản gì cực nhọc, còn sức khỏe thì còn lao động”.
Tạo động lực kịp thời
Những năm qua, thông điệp “Khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên của người nghèo” luôn được cụ thể hóa trong từng chính sách, chương trình, hoạt động an sinh xã hội triển khai trên địa bàn tỉnh. Đó là hàng nghìn lượt hộ dân được giúp đỡ về vốn, tư liệu sản xuất, kiến thức để phát triển kinh tế từ Chương trình 135, Đề án 196, Chương trình xây dựng nông thôn mới và nhiều chương trình khác. Các đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp; giao đất, giao rừng trên địa bàn các xã, thôn, bản vùng miền núi, biên giới, hải đảo; đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo hướng đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, gắn với việc giải quyết việc làm... được quan tâm thực hiện. Sự trợ giúp của cộng đồng đã đóng vai trò như một cú hích ban đầu, giúp nhiều hộ thêm tự tin, chủ động vươn lên thoát nghèo, cận nghèo bền vững.
Trong chuyến công tác đến huyện Ba Chẽ đầu tháng 10/2022, chúng tôi gặp anh Đặng Văn Thái (xã Thanh Sơn), thợ lò Công ty CP Than Mông Dương về nghỉ phép. Anh Thái kể: “Trước đây, tôi làm nghề tự do như nhiều thanh niên trong vùng, thu nhập không ổn định, cuộc sống hết sức khó khăn. Năm 2019, được gia đình động viên tôi đăng ký học nghề mỏ qua kết nối của chính quyền địa phương, sau đó được nhận vào làm việc tại Công ty CP Than Mông Dương. Làm công nhân, thu nhập ổn định, tương xứng với sức lao động của mình. Các chế độ đãi ngộ cũng được đảm bảo. Gia đình tôi thoát diện hộ nghèo”.
Tại 13/13 địa phương trong tỉnh, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tạo sinh kế cho hộ nghèo luôn là một giải pháp được ưu tiên hàng đầu trong nhiệm vụ giảm nghèo, phát triển bền vững kinh tế - xã hội hàng năm, như hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng nghề phi nông nghiệp cho lao động là phụ nữ, lao động nông thôn, người khuyết tật, người có công với cách mạng, người DTTS, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người thuộc hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp, đất kinh doanh, lao động nữ bị mất việc làm, ngư dân...
Cùng với các chủ trương, chính sách hỗ trợ của tỉnh, những năm qua, MTTQ và các tổ chức thành viên từ tỉnh đến cơ sở tích cực triển khai phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” do Thủ tướng Chính phủ phát động. Ông Đỗ Khánh Tùng, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, cho biết: Sau quá trình tập trung vào hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát, giúp người nghèo an cư; trong giai đoạn mới, hình thức hỗ trợ sinh kế sẽ được Mặt trận chú trọng phối hợp thực hiện. Công tác tuyên truyền, vận động đi trước để tạo chuyển biến mạnh hơn nữa về nhận thức, ý thức mỗi người dân; sau đó sẽ là những chương trình tư vấn về kiến thức, hỗ trợ cây, con giống, mô hình, tạo vốn cho bà con phát triển lao động, sản xuất. Sinh kế và thu nhập ổn định chính là điều kiện quan trọng để mở lối thoát nghèo bền vững.
Năm 2021 và 2022, tỉnh đã phân bổ 190 tỷ đồng ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội triển khai chương trình giải quyết việc làm tại 65 xã vùng miền núi, biên giới, hải đảo, DTTS. Đến nay, 100% vốn cấp mới 190 tỷ đồng đã được giải ngân, đồng thời có 4,7 tỷ đồng là vốn thu hồi tiếp tục cho vay quay vòng; tổng số 2.680 lượt khách hàng đã được vay vốn với mức vay bình quân 73 triệu đồng/ người.
Từ nguồn vốn này, người dân đầu tư vào trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, dịch vụ...; giúp tạo việc làm cho người lao động, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống. Đồng thời, góp phần ngăn chặn tình trạng cho vay nặng lãi, tránh nguy cơ tái nghèo, đảm bảo an sinh xã hội.
|
Hoàng Giang
Liên kết website
Ý kiến ()